Uy lực 'quái thú' Bắc Cực được Nga triển khai tới Ukraine

Nga đã triển khai phiên bản cực hiếm của tổ hợp tên lửa đất đối không Tor tới Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột đã bước vào mùa Đông khắc nghiệt. Đây dường như là động thái cho thấy Nga bắt đầu thử nghiệm các thiết bị quân sự mới trong điều kiện thực chiến.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/12 đã công bố đoạn video ghi lại hình ảnh quân đội nước này lần đầu tiên triển khai tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2DT tại Ukraine, theo Army Recognition.

Nga lần đầu triển khai tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2DT tới Ukraine. Nguồn: Zvezda

Theo đó, các tổ hợp tên lửa phòng không di động mới này có khả năng di chuyển trong địa hình tuyết hoặc bùn lầy.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M2DT. Ảnh: vitaly kuzmin

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M2DT. Ảnh: vitaly kuzmin

Tor-M2DT là tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn, được nhà máy Cơ điện Izhevsk Kupol (thuộc tập đoàn Almaz-Antey) phát triển. Tổ hợp phòng không lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong cuộc diễn tập Ngày Chiến thắng của Nga vào tháng 4/2017.

Điểm đặc biệt của tổ hợp này là chúng được thiết kế để hoạt động trong môi trường Bắc Cực khắc nghiệt, được triển khai để bảo vệ các căn cứ quân sự phía Bắc của Nga bao gồm cảng, sân bay, kho tiếp tế, trung tâm chỉ huy và các cơ sở quan trọng khác. Tor-M2DT có thể được sử dụng để chống lại máy bay, trực thăng, UAV, cùng nhiều loại tên lửa và đạn dẫn đường chính xác.

Ảnh: Military

Ảnh: Military

Tor-M2DT hoạt động dựa trên xe địa hình bánh xích DT-30PM, bao gồm hai đơn vị xe bánh xích được liên kết với nhau bằng một cơ cấu lái. Phương tiện đầu tiên được sử dụng để chứa kíp điều khiển và thực hiện tất cả các hoạt động khai hỏa.

Cận cảnh chiếc xe phía trước của Tor-M2DT. Ảnh: armyrecognition

Cận cảnh chiếc xe phía trước của Tor-M2DT. Ảnh: armyrecognition

Phương tiện thứ hai của Tor-M2DT tích hợp hai mô-đun 9M334, mỗi mô-đun chứa bốn tên lửa dẫn đường đất đối không 9M331 và 9M332 được sử dụng để lưu trữ, vận chuyển và phóng tên lửa. Tháp pháo của Tor-M2 cũng bao gồm một radar tìm kiếm 360° gắn ở phía sau và radar 60° theo dõi ở phía trước với tầm hoạt động lần lượt là 25 km và 15 km.

Hệ thống được trang bị radar tìm kiếm gắn ở tháp pháo. Ảnh: Military

Hệ thống được trang bị radar tìm kiếm gắn ở tháp pháo. Ảnh: Military

Trạm phóng tên lửa Tor-M2 có thể tấn công tới 48 mục tiêu đã được xử lý và 10 mục tiêu được theo dõi. Tên lửa có thể tấn công mục tiêu ở cự ly từ 1.000 đến 12.000 m và ở độ cao từ 10 đến 10.000 m. 9M331 là tên lửa đất đối không tầm ngắn được thiết kế để tiêu diệt máy bay có người lái, UAV và tên lửa bay ở tốc độ Mach 2.

Khung gầm DT-30PM của Tor-M2DT có khả năng cơ động cao, xe có trọng lượng 31,5 tấn; tải trọng 30 tấn, chiều dài 16,08 m; chiều rộng 3,10 m và chiều cao 3,33 m. Xe được trang bị động cơ diesel YaMZ-847 công suất 800 mã lực. DT-30PM có thể chạy ở tốc độ đường trường tối đa 45 km/h với phạm vi hoạt động 700 km. Bên cạnh đó, nó có thể vượt qua rãnh rộng 4,5 m và chướng ngại vật thẳng đứng 1,2 m; nó có thể lội nước với tốc độ 5 km/h.

Như Quỳnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/uy-luc-quai-thu-bac-cuc-duoc-nga-trien-khai-toi-ukraine-post1495207.tpo