Uy lực tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga

Tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal có thể tấn công mục tiêu với tốc độ hơn 12.000 km/h và việc đánh chặn gần như là không thể.

Trong hai ngày 20 và 19/3, Bộ Quốc phòng Nga đã hai lần xác nhận sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal - có nghĩa là "dao găm" trong tiếng Nga - để tấn công mục tiêu ở Ukraine. Đây là lần đầu tiên những tên lửa siêu vượt âm được sử dụng trong xung đột thực tế.

“Hệ thống tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đã phá hủy một kho chứa lớn nhiên liệu và chất bôi trơn của lực lượng vũ trang Ukraine gần khu vực Kostyantynivka, thuộc vùng Mykolaiv”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 20/3, theo AFP.

“Vào ngày 18/3, hệ thống tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đã phá hủy một nhà kho ngầm lớn chứa tên lửa và đạn dược cho máy bay của quân đội Ukraine ở làng Delyatyn, tỉnh Ivano-Frankivsk”, ông Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine nói với báo giới hôm 19/3.

Vũ khí siêu vượt âm đầu tiên của thế giới

Năm 2018, tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới MiG-31 mang theo một tên lửa lớn ở dưới bụng cất cánh để thử nghiệm. Sự xuất hiện của loại tên lửa lạ này đã thu hút sự quan tâm của giới phân tích quân sự thế giới.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm được gọi là Kinzhal. Đây là một trong 6 vũ khí chiến lược được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong Thông điệp Liên bang vào năm 2018.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), tên lửa Kinzhal được phát triển vào cuối những năm 2000. Thông tin về loại tên lửa mới bắt đầu rò rỉ trên mạng xã hội vào năm 2010.

 Tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal dưới bụng tiêm kích đánh chặn MiG-31. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal dưới bụng tiêm kích đánh chặn MiG-31. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Tên lửa Kinzhal bắt đầu được bí mật thử nghiệm vào năm 2017. Ngoài ra, Nga đã nâng cấp một phiên bản của máy bay đánh chặn MiG-31 được gọi là MiG-31K để mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.

Kinzhal bắt đầu được thử nghiệm công khai từ năm 2018 và đưa vào trang bị cùng năm. Ở thời điểm đó, nó trở thành loại tên lửa siêu vượt âm đầu tiên trên thế giới đưa vào trực chiến.

Tên lửa Kinzhal cùng tiêm kích đánh chặn MiG-31K được công khai trước công chúng tại cuộc thi Aviadarts, trong khuôn khổ Army Games-2019.

Truyền thông Nga tuyên bố tên lửa Kinzhal có tầm bắn khoảng 2.000 km, tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh, khoảng hơn 12.000 km/h. Nó được thiết kế để xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.

Tên lửa dài 8 m, đường kính lớn nhất 1 m, trọng lượng phóng 1 tấn. Nó có thể mang theo đầu đạn thông thường nặng 500 kg, hoặc đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 100-500 Kt.

Kinzhal được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp dẫn hướng quán tính, định vị vệ tinh GLONASS và cảm biến quang học giai đoạn cuối. Tên lửa có sai số trượt mục tiêu (CEP) khoảng 10-20 m.

Ngoài MiG-31K, tên lửa Kinzhal có thể trang bị cho máy bay ném bom tầm xa Tu-23M3, tương lai nó sẽ được trang bị cho tiêm kích tàng hình Su-57.

Ngay khi thông tin về tên lửa siêu vượt âm Kinzhal được rò rỉ trên mạng xã hội, giới phân tích quân sự phương Tây đã nhanh chóng chỉ ra những điểm tương đồng trong thiết kế giữa Kinzhal và tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander.

Họ cho rằng Kinzhal không hoàn toàn là một vũ khí mới mà thực chất là một tên lửa đạn đạo phóng từ trên không. Nói cách khác, Kinzhal chính là phiên bản phóng trên không của Iskander.

Mỹ từng nỗ lực phát triển loại tên lửa này vào những năm cuối những năm 1950, nhưng không thành công.

 Kinzhal là một trong những vũ khí tấn công mặt đất phóng từ trên không đáng sợ nhất thế giới. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Kinzhal là một trong những vũ khí tấn công mặt đất phóng từ trên không đáng sợ nhất thế giới. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Cuối những năm 1950, Mỹ đã phát triển tên lửa đạn đạo phóng trên không GAM-87 Skybolt, tầm bắn 1.800 km. GAM-87 bắt đầu được thử nghiệm vào năm 1962, nhưng không thành công vì một loạt lỗi kỹ thuật. Dự án bị hủy bỏ vào cuối năm 1962.

Một số nhà phân tích quân sự cho rằng Nga đã gọi tên lửa đạn đạo phóng trên không thành tên lửa siêu vượt âm tiên tiến để quảng bá cho vũ khí Nga.

Alex Hollings - nhà phân tích về chính sách đối ngoại và công nghệ quốc phòng cho rằng tên lửa Kinzhal bay với tốc độ siêu vượt âm, nhưng không phải là vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới mà Mỹ đang nỗ lực phát triển.

Ông cho rằng bằng cách liệt kê nó vào danh sách vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới, Nga đã hưởng lợi rất nhiều từ quan niệm sai lầm và có chủ ý về việc Mỹ đang tụt hậu so với Nga trong cuộc chạy đua vũ khí siêu vượt âm.

Kh-47 Kinzhal là vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới hay là tên lửa đạn đạo phóng trên không vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi. Nhưng việc nó được đưa vào sử dụng trong chiến trường thực tế đã đem lại cho Moscow một vũ khí tấn công tầm xa đáng sợ.

Với tốc độ tấn công lên đến 12.000 km/h, việc đánh chặn vũ khí này là nhiệm vụ bất khả thi, ngay cả với Mỹ - quốc gia có hệ thống đánh chặn tên lửa hàng đầu thế giới.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/uy-luc-ten-lua-sieu-vuot-am-kinzhal-cua-nga-tan-cong-ukraine-post1303950.html