Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh: Báo chí tạo áp lực và sự nỗ lực nhiều hơn cho hệ thống chính trị
Trao đổi với Báo Đồng Nai nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe những thông tin cả tích cực cũng như mặt chưa hay, chưa đẹp là rào cản của sự phát triển bền vững để nỗ lực khắc phục và quản lý tốt hơn.
Báo chí thực hiện tốt vai trò đồng hành cùng chính quyền địa phương
* Đồng chí đánh giá như thế nào về những đóng góp của báo chí thời gian qua đối với sự phát triển của tỉnh?
- Tôi đọc báo, xem truyền hình mỗi ngày và thấy báo chí nắm rất sát những chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để thông tin, phản ánh trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm bắt. Tất nhiên, trong những thông tin đó, có cả những thông tin tích cực ghi nhận nỗ lực của tỉnh trong quá trình lãnh đạo, điều hành nhưng cũng có những mặt còn chưa hay để tỉnh nắm bắt, từ đó thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn.
Chính vì bám sát thông tin của địa phương nên báo chí viết về Đồng Nai có nhiều bài viết rất sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề, không né tránh, không sợ “đụng chạm”. Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí đối với sự phát triển của tỉnh. Đây là kênh để lãnh đạo tỉnh chia sẻ thông tin và nhận lại những phản hồi từ người dân thông qua những bài báo.
Báo Đồng Nai thời gian qua có nhiều đổi mới, lượng thông tin nhiều, hình thức trình bày đẹp, số lượng phát hành ngày càng tăng, bạn đọc đông đảo. Đây là sự cố gắng rất đáng ghi nhận và cần tiếp tục phát huy.
* Sự cởi mở, sẵn sàng chia sẻ thông tin của lãnh đạo tỉnh thời gian qua tạo thuận lợi rất nhiều cho báo chí. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về chủ trương này?
- Tôi luôn xem báo chí là kênh thông tin quan trọng để lắng nghe và chia sẻ. Qua kênh báo chí sẽ thúc đẩy sự minh bạch được chia sẻ với xã hội nhiều vấn đề mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện, làm cho hệ thống chính trị gần dân hơn.
Báo chí giúp nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận của người dân, đồng thời cũng tạo ra áp lực đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của Nhà nước trong thực hiện những lời hứa với dân. Bởi, càng minh bạch thì càng phải nỗ lực; đã hứa với dân là phải làm; đã ra những quy định thì phải chuẩn mực, vì sự giám sát của báo chí và người dân ngày càng nhiều, ngày càng chặt chẽ. Nếu chỉ nói mà không làm là không được. Do đó, thông tin phản ánh của báo chí tạo áp lực và sự nỗ lực nhiều hơn cho hệ thống chính trị.
* Những thông tin hữu ích nào từ báo chí giúp cho tỉnh có chỉ đạo kịp thời mà đồng chí quan tâm?
- Tôi lấy rất nhiều thông tin từ báo chí để chỉ đạo công việc hàng ngày. Như những vấn đề về môi trường, dân sinh, sân bay Long Thành, các khu tái định cư, nhà ở xã hội, hạ tầng, hay thái độ ứng xử, hành vi nhũng nhiễu và chưa đáp ứng yêu cầu của một bộ phận cán bộ, công chức…
Từ những thông tin báo chí phản ánh đã giúp Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo và chấn chỉnh đội ngũ, thúc đẩy công việc tốt hơn. Vì vậy, tôi mong bên cạnh những thông tin tốt, nhà báo cần chỉ ra được những hạn chế của địa phương, nhất là các vấn đề về môi trường, đội ngũ, tiến độ thực hiện công việc, tiến độ triển khai dự án đầu tư công… để tỉnh kịp thời nắm thông tin, chỉ đạo chấn chỉnh và thực hiện ngày một hiệu quả hơn.
Cung cấp nhiều hơn thông tin người dân cần...
* Tỉnh cần báo chí thông tin nhiều hơn nữa những nội dung gì trong thời gian tới, thưa đồng chí?
- Thời gian qua, báo chí đã giúp quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh sát hơn với cuộc sống. Vì vậy, thời gian tới, tôi rất mong báo chí có thêm chuyên mục về những vấn đề của cuộc sống dân sinh mà người dân quan tâm để lãnh đạo tỉnh biết và phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành. Ví dụ như phát hiện "điểm đen" về môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, hình ảnh không đẹp về cuộc sống hay sự trì trệ trong quá trình thi công một công trình, dự án nào đó. Những thông tin này xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, còn “chướng tai gai mắt”, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững của Đồng Nai cần được phản ánh để lãnh đạo tỉnh và các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan vào cuộc giải quyết.
* Riêng với báo chí trong tỉnh, theo đồng chí, đâu là những nội dung báo chí cần chú trọng truyền tải nhiều hơn?
- Người dân hiện rất cần những thông tin chỉ dẫn, nhất là về quy hoạch, các chính sách an sinh xã hội hay địa chỉ cần thiết phục vụ cuộc sống hàng ngày. Do đó, tôi mong muốn báo chí trong tỉnh cần chú trọng hơn đến nội dung này, hãy đưa những thông tin mà người dân cần nhiều hơn nữa.
Chẳng hạn như người dân cần tìm kiếm những thông tin công khai, minh bạch về quy hoạch của tỉnh, của 170 xã, phường, thị trấn hay các dự án lớn đã được cấp phép đầu tư. Báo Đồng Nai có thể tích hợp tất cả thông tin ấy và đưa công khai để người dân biết. Hay các địa chỉ người dân quan tâm như: trường học, cơ sở y tế, số điện thoại cấp cứu, thậm chí là những địa chỉ vui chơi giải trí, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, cách xử lý một số tai nạn thương tích thường gặp… Đây đều là những thông tin chỉ dẫn mà người dân rất cần và báo chí cũng hoàn toàn có thể thực hiện được, nhất là trên nền tảng online.
Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúc những người làm báo nhiều niềm vui, hạnh phúc, luôn thực hiện xuất sắc vai trò của mình trong công tác thông tin, tuyên truyền nhằm góp phần tạo sự đồng thuận, phát triển. Báo chí thời gian qua đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thời gian tới cần tiếp tục làm tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, báo chí cần đẩy mạnh việc cập nhật kiến thức về pháp luật cho người dân; mở chuyên trang, chuyên mục về đối thoại với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nhằm kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin về những thành tựu cũng như những vấn đề còn bất cập cần giải quyết. Tôi cho rằng, thông tin càng công khai thì người dân càng dễ tiếp cận với chủ trương, chính sách và chấp hành tốt hơn, dễ dàng đồng thuận hơn. Tôi cũng đã chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy trực thuộc phải công khai những thông tin không thuộc diện bí mật, nhất là thông tin liên quan đến vấn đề quy hoạch, dự án. Điều này giúp người dân nắm thông tin, tránh bị tác động bởi những thông tin thất thiệt, nhất là liên quan đến dự án để tránh bị lừa đảo, đồng thời hạn chế được tình trạng ém thông tin, gây thất thoát, tiêu cực…
* Đồng chí nhận xét như thế nào về đội ngũ những người làm báo ở Đồng Nai hiện nay?
- Đội ngũ làm báo hiện nay khá tốt, “tâm sáng - lòng trong - bút sắc”. Tôi về Đồng Nai công tác gần 2 năm nay, chưa thấy có trường hợp phóng viên nào châm chọc, thiếu trách nhiệm. Phóng viên đều hết sức có trách nhiệm đối với sự phát triển của Đồng Nai, góp ý những mặt chưa tốt cũng hết sức khéo léo để giúp cho Đồng Nai phát triển.
* Đồng chí có kỳ vọng gì về đội ngũ nhà báo trong tỉnh nhằm đáp ứng thông tin ngày càng đa dạng hiện nay?
- Người làm báo phải “cháy hết mình”, tâm huyết như người lãnh đạo và cũng phải hiểu rõ người dân để biết người dân có nhu cầu về thông tin gì để đưa lên mặt báo. Nhà báo cần trách nhiệm với cuộc sống, với sự phát triển của Đồng Nai, gần gũi, lắng nghe từ nhiều phía và phải biết chắt lọc để đưa lên báo thông tin nào cần đưa, thông tin nào không nên đưa. Nhà báo phải bám sát hơi thở cuộc sống, phản ánh trung thực và có trách nhiệm.
Tôi biết hiện nay đời sống của nhiều phóng viên còn khó khăn, có phóng viên chưa có nhà ở. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm, chăm lo của cơ quan báo chí, sắp tới tỉnh cũng sẽ dành sự ưu tiên tới đội ngũ cán bộ, viên chức làm báo chưa có nhà ở được mua nhà ở xã hội để sớm an cư, yên tâm đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của tỉnh.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Phượng (thực hiện)