V.I.Lênin với sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế
Một trong những di sản quý báu nhất của V.I.Lênin để lại cho nhân loại đó là Chính sách kinh tế mới (NEP) bởi trong đó thể hiện tầm nhìn và tư tưởng vượt thời đại của Người.
Tư tưởng NEP của V.I.Lênin về sự nghiệp đổi mới, hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước và hội nhập quốc tế đã soi sáng nhận thức, tư duy của Đảng và nhân dân ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), mà trọng tâm là đường lối phát triển kinh tế của đất nước.
Lãnh tụ V.I.Lênin được gọi là “Tổng công trình sư” đầu tiên của những phương hướng, kế hoạch xây dựng CNXH ở nước Nga Xô viết, đặc biệt là NEP. Trước đó, “Chính sách cộng sản thời chiến” mà nước Nga thực hiện trong những năm 1917-1921 bộc lộ những sai lầm, gây ra tình trạng khủng hoảng vô cùng trầm trọng, dẫn đến tình hình cực kỳ nguy hiểm cho nước Nga Xô viết, làm cho quần chúng lao động, nhất là công nhân và nông dân thất vọng. V.I.Lênin đã kịp thời phát hiện ra sai lầm đó. Với tinh thần phê phán nghiêm khắc đối với bệnh giáo điều, xa rời thực tiễn của đất nước, V.I.Lênin đã chỉ ra NEP, trong đó nêu lên vị trí, vai trò của chủ nghĩa tư bản (CNTB) nhà nước, đó là: Chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho CNXH, là “phòng chờ”, “nấc thang” đi tới CNXH; là quá trình tập trung hóa và xã hội hóa lực lượng sản xuất một cách tất yếu, khách quan, gắn liền với các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại, quá trình thực hiện CNTB nhà nước phải nghiêm túc, có nguyên tắc, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của lực lượng sản xuất toàn xã hội...
V.I.Lênin khẳng định, sự xuất hiện CNTB nhà nước là tất yếu, hợp quy luật, sinh ra từ chính nhu cầu nội tại của công cuộc xây dựng CNXH, là kết quả của các quan hệ thị trường, thiết lập liên minh kinh tế. Tính tất yếu của sự ra đời CNTB nhà nước là do cạnh tranh gay gắt của nền sản xuất và tái sản xuất hàng hóa mở rộng tác động đến quy mô tư bản cá biệt hoặc công ty cổ phần, mâu thuẫn đối kháng bên trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN) biểu hiện ra ngoài là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Để nhà nước vô sản có vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức và quản lý cao cấp, có các quan hệ kinh tế xã hội hóa, theo V.I.Lênin, chỉ có thông qua quan hệ hợp tác với các nước TBCN và công ty mới hoàn thành được nhiệm vụ thời đại.
Nhờ NEP, V.I.Lênin đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, làm cho chính quyền Xô viết non trẻ đứng vững và nước Nga XHCN nhanh chóng hồi sinh. Song sâu xa hơn, đó còn là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của CNXH, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xã hội để thúc đẩy phát triển; đồng thời gợi mở lý luận xây dựng CNXH, đó là phải dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật khách quan và đáp ứng nhu cầu lợi ích của người lao động.
Vận dụng sáng tạo NEP của V.I.Lênin vào thực tiễn Việt Nam, Đảng ta đã đổi mới tư duy, khởi xướng và lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước. Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đều khẳng định nền kinh tế nước ta có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đồng thời cũng khẳng định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò là cầu nối quan trọng với thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thương quốc tế.
"Sợi chỉ đỏ" xuyên suốt về nhận thức nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ là một nền kinh tế nhiều thành phần đã được khẳng định từ Đại hội VI của Đảng. Tư tưởng này đã được các đại hội từ Đại hội VII đến nay kế thừa và đặc biệt, gần đây nhất là các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung và hoàn thiện với nhiều nội dung, biện pháp, chính sách mới. Không những thế, tư tưởng của NEP còn được Đảng ta phát triển, mở rộng ở tầm cao mới, đó là phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong những năm qua, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt một tầm cao mới. Tiến trình hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng nâng tầm thế và lực cho Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân; tạo sức ép và điều kiện để tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế; nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm… Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực cũng như trên thế giới và có triển vọng tốt nhờ kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Việt Nam hiện đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã được 71 đối tác công nhận là nền kinh tế thị trường, nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ... Hiện nay, Việt Nam đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đã có hiệu lực. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) hồi năm ngoái đánh giá, Việt Nam nằm trong 12 quốc gia thành công nhất về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)....
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được triển khai mạnh trên toàn thế giới, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta muốn tiếp tục đạt được những thành tựu vĩ đại, đòi hỏi các cấp, các ngành và nhân dân không ngừng vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp tư tưởng của V.I.Lênin vào thực tiễn với một số giải pháp. Đó là: Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó đặc biệt là cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, quan tâm nhiều hơn tới sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp và phải quyết liệt cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; quan tâm đầu tư hỗ trợ cho các chương trình đào tạo khởi nghiệp mọi cấp, mọi ngành; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và khoa học-công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, quan tâm chăm lo hơn nữa tới đời sống của nông dân.