V-League 2021 'thoi thóp' vì Covid-19: Đừng làm nỗi đau thêm dài?
Đại dịch Covid-19 khiến V-League 2021 hoãn vô thời hạn, những kế hoạch tổ chức dự kiến của VPF không nhận được sự tán đồng của nhiều CLB vì gây thiệt hại quá nhiều về tiền bạc và tốn thời gian.
Quả bóng trách nhiệm khiến VPF “mắc kẹt”
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới bóng đá Việt Nam từ mùa giải 2020, nhưng nhờ công tác phòng chống dịch tốt của Chính phủ cùng với việc Ban tổ chức V-League thay đổi luật nên sân chơi cao nhất Việt Nam đã “hạ cánh an toàn” và tìm ra nhà vô địch là Viettel.
Tuy nhiên trong năm 2021, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lan rộng ra nhiều địa phương nên V-League đã phải hoãn từ tháng 5 và sau gần 3 tháng tạm nghỉ thì sân chơi cao nhất Việt Nam chưa biết bao giờ sẽ trở lại.
Trong thời gian qua, VPF đã tổ chức nhiều cuộc họp online và gửi phiếu lấy ý kiến của các CLB để lên phương án để giải đấu có thể hoàn thành. Ngày 30/7, VPF sau khi lấy phiếu ý kiến của các CLB quyết định vẫn sẽ tổ chức V-League và giải đấu sẽ trở lại vào tháng 2/2022 như kế hoạch trước đó.
Mặc dù vậy, cơ quan này vẫn phải trình lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để xin ý kiến trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ngay cả khi VFF đồng ý với kế hoạch trên thì phương án tổ chức giải vẫn chỉ là “dự kiến” chứ không phải chắc chắn tổ chức vì còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên cả nước.
Ngày 19/7, trong thông báo trên trang chủ của mình, VPF cho rằng, nếu như V-League và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải hủy thì sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường. Đó là VPF sẽ phải đền bù các hợp đồng tài trợ đã ký, khả năng sẽ không kêu gọi được tài trợ cho các mùa giải sau.
Sức ép lớn từ phía CLB cũng như áp lực từ phía các nhà tài trợ khiến VPF mắc kẹt và vẫn chưa tìm được lối thoát. Quả bóng trách nhiệm và quyết định số phận của V-League 2021 cũng như các giải bóng đá chuyên nghiệp được chuyền sang cho VFF, chờ cơ quan này ra quyết định cuối cùng.
Ai đứng ra chịu trách nhiệm với các đội bóng?
Trong khi chờ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và VPF ra quyết định cuối cùng về số phận của V-League 2021 thì một số đội bóng đã cho các cầu thủ nghỉ tập dài hạn. Hà Nội FC cho các cầu thủ nghỉ tập từ cuối tháng 7/2021 dự kiến đến hết tháng 8/2021. Những đội bóng như Nam Định cũng cho các cầu thủ nghỉ tập và các thành viên cũng phải chia sẻ một phần khó khăn với câu lạc bộ về vấn đề lương và chế độ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh việc phải cho các cầu thủ nghỉ tập và giảm thu nhập thì các đội bóng ở V-League cũng đối diện với bài toán phải gia hạn hợp đồng với các ngoại binh (nếu ký theo năm) hoặc nuôi ngoại binh tới hết giải (nếu ký theo mùa). Theo ông Trần Thái Toán - Giám đốc điều hành của Nam Định thì chi phí các đội phải gánh sẽ tăng gấp đôi bình thường.
Chia sẻ với VOV.VN, ông Trần Thái Toán - Giám đốc điều hành của Nam Định cho biết: “Hiện tại thì WHO, Chính phủ hay Bộ Y tế cũng không chắc chắn thời điểm nào khống chế được dịch, nhưng VPF chốt lịch 12/2/2022 tổ chức V-League. Đó là kế hoạch không chắc chắn. Nếu như cuối tháng 1/2022 vẫn chưa khống chế được dịch thì VPF tính kiểu gì hay lại kéo dài mùa giải đến tháng 6/2022”.
“Nếu như đến tháng 2/2022 mà giải tổ chức được thì các câu lạc bộ sẽ chấp nhận thiệt hại vì nền bóng đá Việt Nam. Chúng tôi đã có những ý kiến, nhưng VPF không nghe, đến thời điểm đó mà không tổ chức được giải thì các câu lạc bộ sẽ nói chuyện với VPF sau. Chỉ tính riêng 14 đội bóng V-League, nếu kéo dài mùa giải đến tháng 2/2022 thì sẽ thiệt hại tổng cộng hơn 100 tỷ đồng. Nếu như giải đấu không tổ chức được thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho chúng tôi” - ông Trần Thái Toán đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Chủ tịch CLB Hải Phòng, ông Văn Trần Hoàn khẳng định: “VPF không thể lấy phiếu trắng là phiếu đồng ý được vì phiếu trắng là theo đa số. Ngoài ra, VPF cũng không thể lấy 13 đội hạng Nhất so với 14 đội V-League là không hợp lý. Bởi vì cầu thủ của hạng Nhất rẻ và không có ngoại binh, áp lực tài chính không lớn bằng các đội V-League. Thiệt hại về tài chính của tất cả các đội V-League nếu kéo dài giải đấu đến tháng 2/2022 khoảng hơn 100 tỷ đồng, nó gây lãng phí rất lớn”.
Đừng làm nỗi đau thêm dài?
Chia sẻ với VOV.VN, ông Văn Trần Hoàn - Chủ tịch CLB Hải Phòng bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi, trước tình hình dịch bệnh và khó khăn như thế này thì nên dừng lại. Nếu tôi là VPF, tôi sẽ hoãn giải đấu ở thời điểm này thì không ai ý kiến gì. Nếu như để đến tháng 2/2022 vẫn không tổ chức được mà phải hủy thì sẽ nhận phản ứng dữ dội”.
V-League 2021 “thoi thóp” vì Covid-19 khiến các CLB và VPF gặp xung đột về nhiều mặt mà chưa tìm được tiếng nói chung. Thời gian V-League 2021 hoãn càng dài thì khiến những cuộc đàm phán của các bên ngày một nóng lên. Ở góc độ khách quan, VPF và các CLB đều có nỗi khổ riêng của mình. Nếu như VPF lo sợ đền bù hợp đồng, không kêu gọi được tài trợ cho mùa giải tới thì các CLB lo sẽ bị đội chi phí lên ít nhất là gấp đôi khiến áp lực tài chính ngày càng lớn.
Do đó, để tìm được lời giải cho bài toán mang tên “số phận V-League 2021” thì VPF và các CLB phải ngồi lại với nhau, thẳng thắn trình bày quan điểm, nhìn thẳng vào vấn đề, cân nhắc thiệt hơn để đưa ra quyết định hợp tình, hợp lý nhất để không làm nỗi đau thêm dài.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu, các nền bóng đá lớn ở lục địa già dù phải đền bù hợp đồng rất lớn, nhưng vẫn phải hủy giải. Đi tiên phong là giải VĐQG Bỉ, sau đó đến giải VĐQG Hà Lan và Ligue 1 của Pháp. Nếu như giải Bỉ giữ nguyên thành tích để xếp hạng và không có đội xuống hạng thì giải Hà Lan lần đầu tiên không có nhà vô địch và cũng không có đội xuống hạng.
Ở khu vực châu Á, Liên đoàn Bóng đá châu Á cũng phải hủy một số giải đấu trong hệ thống của mình vì đại dịch Covid-19 để đảm bảo sức khỏe cho các cầu thủ cũng như an toàn trong công tác phòng chống dịch tại các quốc gia.
Còn tại khu vực Đông Nam Á, Liên đoàn Bóng đá Indonesia và Ban tổ chức giải VĐQG nước này chờ hơn 10 tháng với hy vọng đưa giải đấu trở lại, nhưng do diễn biến khó lường của dịch bệnh nên cuối cùng vẫn quyết định hủy giải, điều này khiến các CLB điêu đứng vì thiệt hại lớn về tài chính.
Hiện tại, nhiều đội bóng ở V-League có nguồn ngân sách khá eo hẹp, phải “chạy vạy” từng mùa để tồn tại. Do dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động kinh doanh bán vé, thương mại gần như bằng không. Nếu như số phận của V-League 2021 không sớm được giải quyết, những đội bóng “nhà nghèo” có nguy cơ tiến đến bờ vực phá sản. Và nếu như kịch bản này xảy ra thì đây là một thất bại của những người làm và quản lý bóng đá Việt Nam./.