V.League khát ngoại binh giỏi

Các CLB Việt Nam tốn hàng chục tỷ đồng cho các chân sút nước ngoài, nhưng số ngoại binh chất lượng là không đáng kể.

 Xuân Son là ngoại binh hiếm hoi ở V.League có ảnh hưởng lớn tới đội bóng những năm gần đây. Ảnh: CLB Nam Định.

Xuân Son là ngoại binh hiếm hoi ở V.League có ảnh hưởng lớn tới đội bóng những năm gần đây. Ảnh: CLB Nam Định.

V.League đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc chi tiêu cho các cầu thủ ngoại trong những năm gần đây. Nhiều CLB đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mời gọi những cầu thủ nước ngoài với hy vọng nâng cao chất lượng thi đấu và cạnh tranh ở cả đấu trường quốc nội lẫn quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng ngoại binh thực sự xuất sắc và có ảnh hưởng lớn đến thành tích của đội bóng lại rất hạn chế.

Theo thống kê, các câu lạc bộ như Nam Định, Hà Nội, Công an Hà Nội và Đà Nẵng đã chi tiêu hàng chục tỷ đồng cho các ngoại binh trong những năm qua. Đặc biệt, CLB Nam Định đã thay đổi gần 30 cầu thủ ngoại chỉ tính trong 5 năm trở lại đây.

CLB Hà Nội, đội bóng có thành tích ổn định nhất của bóng đá Việt Nam, cũng tốn rất nhiều tiền cho ngoại binh. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, không cầu thủ nước ngoài nào gắn bó với đội bóng thủ đô quá 2 mùa bóng.

Chỉ tính mùa giải 2024/25, CLB Hà Nội đã chiêu mộ tới 6 ngoại binh (không tính 2 cầu thủ nước ngoài gốc Việt). Trường hợp Keziah Veendorp, được quảng bá rầm rộ từng là đồng đội của Van de Beek, chỉ đá... 18 phút trước khi bị thanh lý hợp đồng.

Trước đó, mùa giải 2023/24, Hà Nội cũng tốn tới 800.000 euro để chiêu mộ chân sút Cameroon Joel Tagueu về nhằm phục vụ cả đấu trường châu lục lẫn quốc nội. Tuy nhiên, Tagueu thường xuyên chấn thương, thể hiện phong độ kém khi chỉ ghi được 7 bàn sau 22 trận, khiến đội bóng thủ đô thanh lý hợp đồng chỉ sau 1 mùa giải.

Cũng trong mùa giải đó, CLB TP.HCM tiêu tốn 15.000 USD/tháng cho ngoại binh Paul Ntep, trong khi cầu thủ này thể hiện phong độ tệ, ra sân 9 trận chỉ ghi được 1 bàn. "Chiến hạm đỏ" không thể thỏa thuận thanh lý với Ntep, nên chấp nhận trả lương cho cầu thủ này ngồi không tới hết hợp đồng, tốn tổng 75.000 USD.

 Dàn ngoại binh của CAHN chỉ có Leo Artur (số 10) thật sự nổi bật ở mùa giải năm nay. Ảnh: CLB CAHN.

Dàn ngoại binh của CAHN chỉ có Leo Artur (số 10) thật sự nổi bật ở mùa giải năm nay. Ảnh: CLB CAHN.

Điều đó cho thấy, hiệu quả từ những khoản đầu tư ngoại binh này không phải lúc nào tương xứng với kỳ vọng. Nhiều ngoại binh không thể hiện được phong độ ổn định hoặc không phù hợp với lối chơi của đội bóng, dẫn đến việc thay đổi liên tục và tốn kém chi phí. Một số cầu thủ không thể hiện được phong độ như trong video giới thiệu, hoặc gặp chấn thương nghiêm trọng, buộc đội bóng phải thanh lý hợp đồng sớm.

Tình cảnh "khát" ngoại binh giỏi của hiện tại khác hẳn mùa giải 2019. Cách đây 6 năm, bóng đá Việt Nam có không ít những chân sút ngoại đóng góp nhiều cho đội bóng, như Chevaughn Walsh (HAGL), Joao De Souza (Viettel), Oseni Ganiyu (Hà Nội), Dyachenko Rodion (Than Quảng Ninh), Jeremy Lynch (Hải Phòng), Pedro Paulo (Sài Gòn FC) hay Joel Vinicius (TP.HCM). Nhìn vào thực tế, những năm gần đây, chỉ có Nguyễn Xuân Son (Rafaelson) nổi lên như một ngoại binh hiếm hoi thực sự tỏa sáng tại V.League.

Xuân Son đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong màu áo các CLB ở Việt Nam, đặc biệt là Nam Định và Bình Định. Anh giành danh hiệu Vua phá lưới V.League 2023 với 16 bàn thắng và tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng trong mùa giải 2023/24 với 31 bàn thắng, phá kỷ lục ghi bàn trong một mùa giải của Lê Huỳnh Đức.

Thành công của Xuân Son không chỉ dừng lại ở cấp CLB. Sau khi nhập tịch Việt Nam vào tháng 10/2024, anh được triệu tập lên đội tuyển quốc gia và ghi bàn nhiều nhất cho Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, giúp "Những chiến binh sao vàng" lên ngôi vô địch Đông Nam Á sau 6 năm. Tiền đạo gốc Brazil là ví dụ điển hình về việc ngoại binh có thể hòa nhập và tỏa sáng tại V.League, mang lại giá trị thực sự cho đội bóng và giải đấu.

Từ trường hợp của Xuân Son, không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngoại binh. Các cầu thủ ngoại không chỉ giúp đội bóng trở có sức cạnh tranh hơn, hơn mà còn đóng góp vào việc nâng cao trình độ của các cầu thủ nội. Sự kết hợp giữa ngoại binh và cầu thủ nội tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Việt Nam và nâng tầm giải đấu.

Việc các ngoại binh giỏi khan hiếm cũng đồng thời mở ra cơ hội chiêu mộ nhiều cầu thủ nước ngoài gốc Việt cho các CLB. Những cầu thủ này có tỷ lệ thành công và hòa nhập nhanh hơn. Đặng Văn Lâm, Nguyễn Filip đều đã được gọi lên tuyển. Trong khi đó, Jason Pendant Quang Vinh, Adou Minh hay Viktor Lê đều đang có những dấu hiệu tích cực cùng đội bóng.

Trước thực trạng chi tiêu lớn nhưng hiệu quả chưa tương xứng, các câu lạc bộ V.League cần xem xét lại chiến lược sử dụng ngoại binh. Những đội bóng cần lựa chọn hợp lý để đảm bảo sự phát triển bền vững. Ngoài ra, việc phát triển và tin tưởng vào các cầu thủ nội, đặc biệt là những tài năng trẻ, cũng nên được chú trọng để xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/vleague-khat-ngoai-binh-gioi-post1529999.html