'Vá' lỗ hổng nhân lực, tạo lợi thế 'chen chân' vào bản đồ bán dẫn toàn cầu

Việc các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về ngành bán dẫn… đầu tư vào Việt Nam là tín hiệu mừng, tuy nhiên những thách thức, khó khăn cũng không nhỏ.

Doanh nghiệp làm chip bán dẫn tuyển người rất vất vả

Chính phủ Việt Nam đã xác định ngành công nghiệp bán dẫn là then chốt cho tăng trưởng trong tương lai. Việt Nam hiện là trung tâm quan trọng về thử nghiệm và đóng gói chip, với các công ty lớn như Intel và Amkor đã thiết lập các nhà máy tại đây.

Việt Nam đang thu hút các dự án FDI về công nghiệp bán dẫn với giá trị hàng tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đang thu hút các dự án FDI về công nghiệp bán dẫn với giá trị hàng tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Nhìn lại thời gian qua, năm 2023, xuất khẩu thiết bị bán dẫn của Việt Nam đạt 7,53 tỷ USD, trong đó hơn một nửa xuất sang Hoa Kỳ, tiếp theo là Trung Quốc và Canada. Tuy nhiên, việc thử nghiệm và đóng gói chỉ chiếm một phần nhỏ trong chuỗi giá trị bán dẫn, nên Việt Nam vẫn chưa thể tận hưởng lợi nhuận lớn từ ngành này.

Mặc dù Việt Nam có nguồn nhân lực công nghệ thông tin trẻ và tài năng, nhưng thiếu hụt nhân sự bán dẫn có tay nghề cao vẫn luôn là bài toán đau đầu không chỉ với doanh nghiệp mà của cả Chính phủ.

Tuy sở hữu nhiều lợi thế, nhưng Việt Nam cũng có những thách thức phải đối mặt để thu hút nhà đầu tư, trong bối cảnh nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh thu hút ngành này. Thực tế cho thấy, cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, nhóm chỉ số cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chỉ đứng thứ 71/132 quốc gia. Thách thức nữa đối với ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự thiếu hụt nhân tài có kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là một rào cản rất lớn. Không có nguồn nhân lực chất lượng sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư từ các công ty lớn.

Báo cáo từ Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ ra, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn chỉ đáp ứng khoảng 20%.

Phân tích sâu hơn, ông Vũ Quang Hùng- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) nhìn nhận, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đòi hỏi rất nhiều công đoạn phức tạp, đầu tư lớn và trình độ nguồn nhân lực rất cao, đặc biệt là trong khâu thiết kế. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, quy trình sản xuất gồm các khâu là thiết kế, sản xuất và đóng gói, kiểm tra. Việt Nam đã tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ rất lâu nhưng chỉ được ở khâu đóng gói, kiểm tra cho một số nhà sản xuất chíp như intel... Chíp bán dẫn có rất nhiều chủng loại, tính năng và độ phức tạp khác nhau, Việt Nam chỉ mới đáp ứng được trong khâu đóng gói các loại chíp đơn giản.

Nêu thêm khó khăn, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, có 3 thách thức lớn trong đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là phải đào tạo số lượng lớn, thời gian đào tạo ngắn bởi trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam có cơ hội trong 3 năm là tối đa. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực này buộc phải “nhảy” vào cuộc chơi toàn cầu. Nghĩa là phải đào tạo chuẩn quốc tế để có thể làm việc và học tập ở nước ngoài.

Một số chuyên gia cũng chỉ ra, để làm một con chip cần sự tham gia của rất nhiều công ty, quốc gia. Đây là một ngành cần toàn cầu hóa một cách triệt để, không một cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào có thể làm được tất cả công đoạn. Việt Nam có cơ hội trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị này nhưng chúng ta phải chuẩn bị từ rất sớm và nếu không có sẵn nhân lực ở thời điểm hiện tại thì chúng ta sẽ không thể nắm bắt được cơ hội.

Cần có giải pháp nhanh, mạnh và toàn diện

Trong bối cảnh này, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế chip và 35.000 kỹ sư trong các lĩnh vực sản xuất, đóng gói, và thử nghiệm.

Bộ này cũng đang soạn thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, cung cấp hỗ trợ lên đến 30% chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) để thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao. Điều này cũng bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và phí thuê đất.

Ông Trần Đắc Trung, Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho hay, để thu hút đầu tư ngành bán dẫn, phát triển nhân lực là yếu tố then chốt. Muốn làm việc này cần làm tốt việc kết nối ba “nhà” gồm: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Thời gian tới, khu CNC sẽ xây dựng danh mục các dự án hạ tầng xã hội cần thiết để thu hút, đáp ứng nhu cầu làm việc và học tập của chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên, doanh nghiệp. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VKIST, NIC... Các đơn vị này sẽ tham gia vào việc kết nối, đào tạo nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu thực tế.

 Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh: HL

Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh: HL

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050", muc tiêu là đến năm 2030 sẽ hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 doanh nghiệp chế tạo và 10 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Dự thảo Chiến lược đề ra những giải pháp về: cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện về thể chế; hỗ trợ tài chính, đầu tư; chính sách thuế và tài khóa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đây là những cơ sở quan trọng đóng góp phần đảm bảo đầu ra cho nguồn nhân lực bán dẫn được đào tạo.

Để Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội "hiếm có" này và tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước. Hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn, vi mạch là con đường chủ đạo và đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành này đạt trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/va-lo-hong-nhan-luc-tao-loi-the-chen-chan-vao-ban-do-ban-dan-toan-cau-341602.html