Va phải 'bẫy văn phòng' chán nản nhưng không dám nghỉ việc

Nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi phải đến văn phòng mỗi ngày, họ làm việc trong sự hời hợt, nhưng lại không dám nghỉ việc. Bởi họ chỉ có thể làm công việc hiện tại để kiếm sống.

 Nhiều người chán nản với công việc hiện tại nhưng không dám nghỉ việc. Ảnh: V.L.T.

Nhiều người chán nản với công việc hiện tại nhưng không dám nghỉ việc. Ảnh: V.L.T.

Có một số người đến gặp tôi xin lời khuyên. Họ đang quá chán ngán công việc của mình, hỏi có nên xin nghỉ. Tôi thường nói: "Con khỉ khi chuyền cành, một tay của nó chỉ thả ra khi nó biết rõ tay kia sẽ nắm vào cái gì".

Mà thật ra, chán việc có thể đến từ việc họ không chịu học cách tận hưởng những việc mình đang làm. Lúc này, dù có chuyển sang làm việc gì thì cũng khó tìm được niềm vui lâu dài. Thế nên, họ cứ chạy từ công ty này qua công ty khác, hệt như một con chim bay từ lồng này sang lồng khác và bức bối với cuộc sống sau song sắt ấy.

Sự tự do không nhất định chỉ có được sau khi thoát khỏi giờ làm việc hành chính. Những người làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày với sự chú tâm và niềm hăng say như đang chơi là những người đã sống trong tự do rồi. Nhưng số đó có lẽ không nhiều.

Phần đông vẫn đang mắc kẹt trong công việc của mình và muốn thoát ra. Nhiều người thú nhận với tôi rằng, nếu không làm công ăn lương, họ sẽ không biết làm gì để sống. Tôi cho rằng thay vì khẳng định điều ấy, lẽ ra chỉ cần mỗi ngày hỏi bản thân một câu: “Nếu không làm công ăn lương, tôi có thể làm gì để sống?”

Hãy liên tục hỏi bản thân câu này để tự thôi thúc chính mình tìm ra một cánh cửa mới. Có một sự thật đắng lòng rằng nếu thật sự họ “không biết làm gì khác để kiếm tiền”, khả năng cao là suốt bao năm qua họ chưa đầu tư mấy vào việc phát triển bản thân hay phát triển các mối quan hệ.

Thế giới của họ quá nhỏ bé để thấy nhiều cơ hội. Nói cách khác, vùng thoải mái của họ quá hẹp khi mỗi ngày làm đi làm lại những việc giống nhau, nghe đi nghe lại những điều giống nhau và gặp đi gặp lại những người giống nhau.

Abraham Lihncon từng nói: “Nếu được cho 6 tiếng để chặt một cái cây, tôi sẽ dành ra 4 tiếng đầu để mài rìu”. Có lẽ đây là một câu nói lột tả được rõ nhất tầm quan trọng của “công cụ” khi làm bất cứ việc gì. Đồng thời, đây cũng là câu nói lột tả được rõ nhất hiện thực của đa số những người hiện đại, cứ hùng hục làm, hùng hục học mà không màng đến chuyện phải mài giũa kỹ năng và phương pháp làm việc của mình.

Nhìn vào một trường đại học chẳng hạn. Nhiệm vụ của sinh viên là lĩnh hội cả bể kiến thức khổng lồ tương đương hàng triệu cái cây cần đốn. Có nhiều sinh viên cần cù bù thông minh, lao vào học ngày học đêm để cố hạ cho bằng hết số cây. Cũng có nhiều sinh viên vung rìu chặt được vài nhát thì bỏ ngang vì quá chán nản.

Liệu có được mấy người thong dong tận hưởng những điểm 9, 10 mà không cần phải quá lao lực? Nếu có những người đó, tôi chắc chắn rằng vì họ đã vô tình hay cố ý sở hữu được một chiếc rìu sắc trong tay. Đó chính là kỹ năng hay phương pháp học tập hiệu quả.

Dạo một vòng quanh các nhà sách, bạn sẽ thấy nào là sách về “kỹ năng đọc sách nhanh”, “kỹ năng ghi nhớ”, “kỹ năng tổng hợp thông tin bằng sơ đồ tư duy”... Nếu bạn nghĩ, “Ôi dào! Bài vở ngập đầu, thời gian đâu ra mà đọc ba cái loại sách này!” thì chúc mừng bạn đã về với đội đốn cây bằng rìu cùn. Trên thị trường giờ cũng rộ lên các khóa học về kỹ năng học tập, nhưng nhiều người vẫn xem đây như những gánh nặng chất thêm lên lưng những con lạc đà đang gồng mình với chương trình học quá tải. Một người thầy của tôi từng ví kỹ năng học tập “như những chiếc bánh xe được lắp vào chiếc ba lô nặng trịch đầy sách vở của các em, giúp các em kéo chiếc ba lô đi một cách nhẹ nhàng hơn”.

Đó là kỹ năng để học tập nhẹ nhàng mà hiệu quả. Còn trong công việc, liệu có cách nào giúp người ta làm việc thoải mái mà thu nhập vẫn tăng đều đều? Luôn có những cách tốt hơn! Chỉ cần người ta nhận ra tầm quan trọng của việc “mài rìu” để tăng giá trị sức lao động của mình và chọn lựa một cách làm việc thông minh hơn, hoặc chọn một công việc khác khiến mình say mê hơn. Nếu mục tiêu là kiếm tiền để có một cuộc sống ổn định, sẽ có nhiều con đường để đi đến đích, hà cớ gì cứ phải chọn con đường trong đó ngày này qua tháng khác miễn cưỡng làm một công việc mình không yêu thích?

Chỉ cần mỗi sáng thức dậy sớm hơn 30 phút, đọc một cuốn sách khai mở tư duy để chúng ta nhìn thấy một chân trời mới rộng hơn, hoặc một cuốn sách về kỹ năng phục vụ cho công việc hiện tại của mình. Như vậy, thu nhập sẽ tăng đều đều, và cuộc sống cũng sẽ dần được điều chỉnh lại theo giá trị đích thực mà mình hướng đến.

Trong cuốn Bí mật của may mắn, tôi rất thích hình ảnh cơn mưa bụi vàng của các hạt giống May Mắn rải khắp nơi nơi, nhưng nó chỉ nảy mầm ở mảnh đất hội tụ đủ điều kiện phân bón, nước, ánh sáng và không lẫn sỏi.

Bản thân mỗi chúng ta, rốt cục cũng như một mảnh đất chờ đón hạt giống May Mắn. Mỗi ngày bạn đang chăm sóc cho mảnh đất ấy như thế nào?

Phạm Quỳnh Giang/ Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/va-phai-bay-van-phong-chan-nan-nhung-khong-dam-nghi-viec-post1457515.html