Vắc xin - 'bàn đạp' cho thị trường bán lẻ Việt Nam bứt tốc
Miễn dịch cộng đồng được xem 'chìa khóa' giúp các ngành bán lẻ, tiêu dùng phục hồi hậu Covid-19. Với tình hình dần tích cực và lực cầu thị trường lớn, nhiều triển vọng để thị trường bán lẻ hoạt động hết công suất.
Độ phủ vắc xin lớn, các ngành nghề chờ thời tái sinh
Tín hiệu lạc quan đang đến với ngành du lịch và nền kinh tế thế giới trong những tháng cuối năm, khi ngày càng nhiều nước công bố kế hoạch mở cửa biên giới quốc tế.
Đầu tháng 11, Mỹ đã đón du khách có hộ chiếu vắc xin đến bằng đường hàng không từ hầu hết các nước châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil. Trước đó, châu Âu và sau đó là một số nước Bắc Mỹ cũng bắt đầu mở cửa biên giới quốc tế trong mùa hè. Singapore cũng đang kết nối du lịch trở lại với Mỹ dành cho những hành khách đã tiêm vắc xin đầy đủ (14 ngày sau mũi thứ hai với vắc xin tiêm 2 mũi) và hy vọng sẽ đạt thỏa thuận vào cuối năm.
Việt Nam cũng không ngoại lệ khi xác định linh hoạt, thích ứng với kế hoạch công nhận “hộ chiếu vắc xin” các nước, chấp nhận các loại vắc xin đã được WHO, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, Cơ quan Dược phẩm châu Âu và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Theo dự kiến, Tổng cục Du lịch sẽ mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế tháng 6/2022.
Hiện tất cả các lĩnh vực cũng đang trong lộ trình trở lại “trạng thái bình thường mới”. Bắt đầu từ tháng 10, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương cơ bản được kiểm soát, nhiều ngành nghề đang từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Theo dữ liệu từ Cổng tiêm chủng Covid-19, tổng số liều vắc xin Covid-19 đã tiêm đến trưa 16/11 là 100,9 triệu liều, trong đó khoảng 36 triệu người tiêm đủ 2 mũi. Việt Nam phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Trong khi đó, các loại thuốc điều trị Covid-19 cũng đang cho kết quả tích cực như Remdesivir, Molnupiravir.
Thị trường bán lẻ tự tin hồi phục
Những dữ liệu tích cực nói trên khiến thị trường bán lẻ trong nước thêm phần “phấn khích” và chuẩn bị mọi nguồn lực để “kích cầu” tiêu dùng.
Thực tế gần 2 năm qua, dịch bệnh đã bào mòn sức khỏe của nền kinh tế. Việt Nam cần đặt trong bối cảnh quốc tế với sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, đó là vấn đề thời cơ và chi phí cơ hội.
Theo các chuyên gia, phân khúc bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chịu tác động rất mạnh từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù vậy, thị trường đang kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ vào những tháng cuối năm, khi nhu cầu chi tiêu đã bị dồn nén suốt thời gian qua và các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng... mở cửa trở lại.
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 82,8%; lưu trú và ăn uống chiếm 8,3%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,8%.
Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, nhu cầu mua sắm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Dự kiến năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3 - 4% so với năm 2020. Thị trường bán lẻ Việt đang bắt đầu có đà để hồi phục.
Theo các chuyên gia, khi hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi sau giãn cách, nhu cầu của người tiêu dùng cũng đã khác nên bên cạnh chuyển đổi số, ngành bán lẻ còn cần bắt kịp sự thay đổi của thị trường. Đặc biệt, thời điểm cuối năm này là giai đoạn “bùng nổ” nhu cầu mua sắm với đa dạng các mặt hàng, từ thời trang, hóa mỹ phẩm đến trang trí nội thất, điện máy chứ không chỉ tập trung vào những nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.
Sự sôi động của thị trường còn được “hâm nóng” từ các chương trình kích cầu mua sắm lớn nhất trong năm được đồng loạt triển khai ở hầu hết các chuỗi TTTM lớn nhỏ trên thị trường. Đơn cử là Vincom Black Friday - sự kiện ưu đãi được triển khai quy mô rộng tại 80 TTTM Vincom trên toàn quốc.
Đại diện Savills Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm trùng với nhiều lễ hội, sẽ làm gia tăng nhu cầu mua của người dân nói chung dịp Giáng sinh, năm mới và Tết Nguyên Đán. Với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn thì việc tiêu dùng, chi tiêu của người dân cũng sẽ bắt đầu quay trở lại để bù lại nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén trong suốt thời gian giãn cách vừa qua. Quý IV/2021 được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, Savills cũng cho thấy để đảm bảo phục hồi tốt hậu Covid-19, các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh dài hơi và hiệu quả.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang - Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu, Savills Việt Nam, các thương hiệu cần phải chú ý đến những kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình, song song với đó là những chiến lược chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới.
Trong điều kiện “hậu dịch”, các hệ thống TTTM cũng đã triển khai các biện pháp 5K bảo vệ an toàn như một hệ thống tiêu chuẩn bình thường mới (không gian mua sắm được vệ sinh thường xuyên các bề mặt tiếp xúc, đeo khẩu trang bắt buộc và kiểm tra thân nhiệt với toàn bộ nhân viên và khách hàng tại cửa ra vào; giãn cách an toàn ít nhất 2m khi mua sắm và thanh toán; các gian hàng cung cấp nước rửa tay sát khuẩn và các biện pháp khử khuẩn, kit dùng 1 lần, yêu cầu khai báo y tế điện tử nhằm theo dõi sức khỏe cộng đồng).
Đặc biệt, hệ thống TTTM Vincom còn sử dụng camera AI thông minh tại TTTM nhằm cảnh báo lượng khách hàng tối đa trong một cửa hàng và nhận diện khách hàng không đeo khẩu trang, cho thấy nỗ lực của thương hiệu này trong việc đảm bảo không gian trải nghiệm an tâm lâu dài, bền vững. Đồng thời, toàn bộ nhân viên tiếp xúc với khách hàng đều đảm bảo có "thẻ xanh Covid" khi làm việc.
Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh nào cũng có cơ hội đối với thị trường sau giãn cách xã hội. Điều kiện thuận lợi chỉ dành cho một số nhóm ngành hàng nhất định và nhu cầu thị trường đang tăng cao và đặc biệt là những nhà bán lẻ sở hữu quỹ đất lớn, vị trí đẹp, cũng như các mặt bằng sẵn có như các TTTM lớn như Vincom để cung ứng cho các thương hiệu dễ dàng mở rộng thị phần.