Vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson có hiệu quả như thế nào?
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ hôm thứ Bảy (27/2) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson, giúp chính phủ có thêm một công cụ để đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng toàn dân.
Vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Mỹ phê duyệt vắc xin COVID-19 một mũi tiêm của Johnson & Johnson
Hội đồng chuyên gia Mỹ khuyến nghị cấp phép vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson
Johnson & Johnson chỉ có vài triệu liều vắc xin COVID-19 trước khi được cấp phép
Theo dữ liệu được công bố hôm thứ Tư (24/2), vắc xin này có hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa COVID-19 từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng, thấp hơn nhiều so với con số 95% của hai loại vắc xin được FDA thông qua trước đó.
Tuy nhiên, vắc xin của Johnson & Johnson (J&J) có một số đặc điểm khá quan trọng.
Đầu tiên và quan trọng nhất: Vắc xin của J&J chỉ cần tiêm một mũi vào cánh tay, trong khi cả Pfizer và Moderna đều yêu cầu phác đồ tiêm hai liều cách nhau vài tuần.
Thứ hai, vắc xin của J&J có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh trong ba tháng, làm cho việc vận chuyển và bảo quản ít khó khăn hơn nhiều so với những điều kiện khắt khe của vắc xin do Pfizer/BioNTech phát triển.
Thứ ba, vắc xin này dường như mang tới các tác dụng phụ nhẹ hơn cho người tiêm. Và cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, vắc xin này rẻ hơn và dễ sản xuất hơn.
"Mục tiêu của chúng tôi từ trước đến nay là tạo ra một giải pháp đơn giản, hiệu quả cho số lượng người lớn nhất có thể và có tác động tối đa để giúp chấm dứt đại dịch", Giám đốc điều hành của Johnson & Johnson, Alex Gorsky cho biết trong một tuyên bố.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có thêm "một ứng cử viên khác vào tổ hợp vắc xin nhằm giúp chúng ta chống lại đại dịch".
"Điều này thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng trong nước và toàn cầu", ông Fauci nói về vắc xin của J&J, lưu ý rằng "vắc xin này chỉ cần tiêm một lần" và không cần bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh cũng như tương đối rẻ.
"Công ty thực sự có thể sản xuất hàng tỷ liều vắc xin trong một khoảng thời gian hợp lý", ông Fauci nói thêm, cho thấy rằng mặc dù vắc xin này có thể không hiệu quả bằng vắc xin mRNA của Pfizer và Moderna, nhưng có thể trở thành một công cụ phổ biến hơn để giúp ngăn chặn đại dịch.
Vắc xin của Johnson & Johnson có nhiều ưu điểm so với các đối thủ khác - Ảnh: AP
So sánh giữa 3 loại vắc xin được FDA thông qua
Vắc xin của Moderna có hiệu quả 94,1% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng có triệu chứng, 100% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nặng sau hai liều.
Trong khi đó, vắc xin của Pfizer cho thấy hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng có triệu chứng, gần 100% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nặng sau hai liều.
Vắc xin của Johnson & Johnson được thông báo, có 66% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng vừa đến nặng, 85% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nặng, sau một liều duy nhất.
Hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện
Ở yếu tố hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện, các vắc xin có những đặc điểm khác nhau. Moderna không có trường hợp nhập viện hoặc tử vong sau 14 ngày kể từ lần tiêm thứ hai. Pfizer cũng không ghi nhận trường hợp nhập viện hoặc tử vong sau bảy ngày kể từ lần tiêm thứ hai. Vắc xin của Johnson & Johnson có đặc điểm giống với hai loại trên, khi không có trường hợp nào nhập viện hoặc tử vong sau 28 ngày kể từ ngày tiêm mũi duy nhất.
Số người thử nghiệm
Trong quá trình phát triển của mình, Moderna đã thử nghiệm trong hơn 30.000 tình nguyện viên trên khắp nước Mỹ. Pfizer cũng thực hiện các thử nghiệm lâm sàng đối với hơn 40.000 tình nguyện viên ở sáu quốc gia gồm: Mỹ, Argentina, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Nam Phi.
Johnson & Johnson cũng tiến hành thử nghiệm bao đối với hơn 40.000 tình nguyện viên tại 8 quốc gia, bao gồm: Mỹ, Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Mexico, Peru và Nam Phi.
Cơ chế hoạt động
Nếu như vắc xin của Moderna và Pfizer cùng sử dụng công nghệ mRNA, thì vắc xin của Johnson & Johnson sử dụng công nghệ điều chế adenovirus giống như các loại vắc xin thông thường.
Phương thức sử dụng
Cả hai loại vắc xin của Moderna và đều sử dụng hai mũi tiêm, trong đó Moderna thực hiện hai mũi tiêm cách nhau 28 ngày, còn vắc xin của Pfizer tiêm mũi tiêm hai mũi cách nhau 21 ngày. Riêng vắc xin của Johnson & Johnson chỉ cần một mũi tiêm.
Vắc xin của Johnson & Johnson cho thấy có nhiều tính năng và dễ bảo quản hơn so với của Moderna và Pfizer - Ảnh: AP
Các tác dụng phụ thường gặp nhất
Các tác dụng phụ thường gặp nhất với vắc xin của Moderna là đau cánh tay (91,6%), mệt mỏi (68,5%), nhức đầu (63,0%), đau cơ (59,6%), đau khớp (44,8%) và rùng mình (43,4%).
Tác dụng phụ của vắc xin Pfizer là đau cánh tay (84,1%), mệt mỏi (62,9%), nhức đầu (55,1%), đau cơ (38,3%), rùng mình (31,9%), đau khớp (23,6%), sốt (14,2%).
Với vắc xin của Johnson & Johnson, đó là đau cánh tay (48,6%), nhức đầu (38,9%), mệt mỏi (38,2%) và đau cơ (33,2%).
Mất bao lâu để vắc xin có hiệu quả
Sau khi tiêm vắc xin của Moderna, những biện pháp bảo vệ đầu tiên sẽ được kích hoạt bắt đầu từ 10-14 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Khả năng bảo vệ đầy đủ 1 tuần sau mũi tiêm thứ 2.
Tác dụng của vắc xin Pfizer sẽ kích hoạt những biện pháp bảo vệ đầu tiên sẽ sau từ 10-14 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Khả năng bảo vệ đầy đủ 1 tuần sau mũi tiêm thứ 2.
Vắc xin của Johnson & Johnson cũng kích hoạt những biện pháp đầu tiên được sau 14 ngày tiêm. Khả năng bảo vệ đầy đủ sau 28 ngày.
Khả năng bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh
Ở hạng mục này, vắc xin của Johnson & Johnson là loại yêu cầu ít khắt khe nhất khi có thể bảo quan ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường và kéo dài trong 3 tháng.
Vắc xin của Moderna có thể bảo quản và sử dụng tốt trong 30 ngày, còn vắc xin của Pfizer chỉ phát huy hiệu quả trong 5 ngày.