Vắc xin COVID-19 tạo ra kháng thể ở những người suy giảm miễn dịch

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại Medellin, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN

* Pfizer hy vọng có vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi sớm nhất vào cuối thu

Vắc xin ngừa COVID-19 tạo ra phản ứng kháng thể ở gần 90% số người có hệ miễn dịch suy yếu, mặc dù mức độ phản ứng của họ chỉ bằng 1/3 so với phản ứng ở những người khỏe mạnh.

Thông tin trên là kết quả nghiên cứu công bố mới đây của Khoa Y thuộc Đại học Washington, Mỹ. Để xác định mức độ phản ứng của những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đối với vắc xin ngừa COVID-19, các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh dữ liệu của hai nhóm gồm 133 bệnh nhân và 53 người khỏe mạnh.

Các bệnh nhân này đang dùng ít nhất một loại thuốc ức chế miễn dịch trong điều trị một số bệnh như viêm ruột, viêm khớp dạng thấp, viêm đốt sống, bệnh lupus và bệnh đa xơ cứng.

Những người tham gia nghiên cứu được lấy máu trong vòng 2 tuần trước khi tiêm vắc xin của Pfizer hoặc Moderna mũi đầu tiên và trong vòng 3 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai. Các nhà nghiên cứu đã đo mức độ kháng thể và lượng tế bào sản xuất kháng thể trong mẫu máu của họ.

Trong thời gian này, tất cả các bệnh nhân tiếp tục tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, ngoại trừ ba bệnh nhân phải tạm dừng thuốc trong vòng một tuần kể từ khi tiêm vắc xin. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, tất cả những người khỏe mạnh đều phát triển kháng thể chống virus SARS-CoV-2. Tỉ lệ này ở những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch là 88,7%. Tuy nhiên, mức kháng thể và số lượng tế bào sản xuất kháng thể ở nhóm sử dụng thuốc ức chế miễn dịch chỉ bằng 1/3 so với nhóm khỏe mạnh.

Cũng theo nghiên cứu, chỉ 65% số người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch glucocorticoid và 60% số người dùng các liệu pháp làm suy giảm tế bào B hình thành các phản ứng kháng thể rõ rệt.

Ngoài ra, phản ứng miễn dịch của những người dùng thuốc chống chuyển hóa như methotrexate, thuốc ức chế TNF hoặc thuốc ức chế JAK không yếu hơn đáng kể so với những người không dùng những loại thuốc này. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine số ra ngày 30/8.

Trong diễn biến khác, kết quả một nghiên cứu khoa học công bố ngày 31/8 tại Mỹ cho thấy những người nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ bị viêm cơ tim cao gấp 16 lần so với những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim được cho là những tác dụng phụ hiếm gặp của vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer và Moderna, đặc biệt là ở trẻ em trai và nam giới trưởng thành trẻ tuổi. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, nguy cơ này cao hơn nhiều nếu mắc COVID-19.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích hồ sơ bệnh án của 1,5 triệu bệnh nhân COVID-19 và 35 triệu người không mắc COVID-19 để tính toán tỉ lệ phần trăm bị viêm cơ tim. Kết quả cho thấy COVID-19 có liên quan đáng kể đến nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim.

Theo các nhà nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim ở bệnh nhân COVID-19 xuất hiện rõ ràng nhất ở những người dưới 16 tuổi, cao gấp 37 lần so với những người không mắc COVID-19 ở cùng nhóm tuổi. Tiếp theo là các nhóm trên 75 tuổi, từ 65-74 tuổi và 50-64 tuổi. Nguyên nhân được cho là do virus SARS-CoV-2 làm tổn thương tim hoặc hội chứng viêm đa hệ thống ở những người dưới 16 tuổi.

Trong khi đó, trong bối cảnh học sinh trên toàn thế giới đang chuẩn bị bắt đầu năm học mới mà dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, đe dọa quyền được học tập của các em, chính phủ các nước và các hãng dược trên thế giới đang nỗ lực sản xuất vắc xin và lên kế hoạch tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.

Một lãnh đạo cấp cao của hãng dược Pfizer, Tiến sĩ Scott Gottlieb, vừa cho biết ông hy vọng cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 của hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa đông tới.

Theo Tiến sĩ Gottlieb, người từng giữ chức Giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, hãng này đã có dữ liệu về thử nghiệm vắc xin cho trẻ từ 5-11 và sẽ nộp lên FDA ngay trong tháng 9.

Tiến sĩ Gottlieb cho biết theo lịch trình, FDA cần khoảng từ 4-6 tuần xem xét trước khi đưa ra quyết định có cấp phép sử dụng khẩn cấp hay không. Tuy nhiên, ông Gottlieb cho rằng biến thể Delta, vốn là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch bệnh hiện nay ở Mỹ, có thể ảnh hưởng đến quá trình xem xét vắc xin cho trẻ em.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263424/vac-xin-covid-19-tao-ra-khang-the-o-nhung-nguoi-suy-giam-mien-dich.html