'Vắc-xin số' nền tảng cho thời cuộc mới

Năm cũ khép lại, năm mới mở ra với vận hội và thách thức đan xen. Trải qua những dập vùi của khó khăn do dịch Covid-19, những ứng dụng công nghệ được các doanh nghiệp và doanh nhân quan tâm nhiều hơn. Một sự xoay chuyển về tư duy ứng dụng công nghệ có thể sẽ mở ra một thời đại mới trong chuyển đổi số áp dụng trong kinh doanh.

Bước chuyển thói quen sau mùa đại dịch

Dịch Covid-19 là tâm điểm lớn của năm 2021, những khó khăn mất mát từ dịch là rất lớn, nhưng ở một góc độ khác, đây cũng là giai đoạn có tính bản lề trong việc chuyển đổi tư duy của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về ý nghĩa vai trò của chuyển đổi số.

Gốm Bát Tràng có thể bán khắp thế giới nếu làm chủ công nghệ.

Kể từ năm ngoái - năm 2020, giai đoạn các doanh nghiệp và người dân bắt đầu phải làm quen với làm việc giãn cách, nhưng thời kỳ giãn cách hồi năm 2020 khá ngắn (chỉ khoảng từ 15 đến 21 ngày tùy địa phương), thời kỳ giãn cách trong năm 2021 đã dài và cam go hơn nhiều so với năm trước.

Thời gian giãn cách xã hội ở TP. Hồ Chí Minh trong năm 2021 đã kéo dài dai dẳng suốt từ ngày 9/7 đến hết tháng 9/2021. Thời gian giãn cách xã hội ở Hà Nội cũng kéo dài tới gần 2 tháng, từ ngày 24/7 đến ngày 21/9/2021. Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng phải thực hiện thời gian giãn cách từ 2 đến 3 tháng.

Trong bối cảnh khó khăn này, doanh nghiệp đã phải căng mọi nguồn lực để thích nghi và một trong những giải pháp thông thường nhất được áp dụng là làm việc trực tuyến. Đây có thể coi là một bước ngoặt trong thói quen của doanh nghiệp và người dân về một phương thức làm việc mới và thói quen này vẫn có thể tiếp tục duy trì ngay cả khi việc giãn cách để phòng chống dịch đã được nới lỏng, thậm chí có thể ngay cả khi không còn bóng dáng dịch bệnh.

Theo báo cáo do tổ chức tài chính quốc tế Deloitte về chủ đề “Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi”, một thực tế đáng ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp tư nhân tin rằng họ trở nên kiên cường hơn trong môi trường sau đại dịch, bất chấp những thách thức to lớn trên thị trường trong năm qua.

Ông Richard Loi - Phó Tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private Đông Nam Á và Singapore cho biết, nghiên cứu này cũng mang lại nhiều giá trị cho một số khách hàng doanh nghiệp tư nhân của Deloitte tại Đông Nam Á - nơi đại dịch buộc các nhà lãnh đạo phải tăng tốc độ chuyển đổi để ứng phó với những thách thức của một môi trường chuyển động nhanh và không chắc chắn.

“Mặc dù chuyển đổi có thể đã là một yêu cầu bắt buộc rõ ràng, nhưng lộ trình triển khai còn gặp nhiều thách thức. Các giải pháp số ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp khi các CEO vừa tìm cách tối ưu hóa nguồn lực hiện tại, vừa tìm cách xây dựng một nền tảng sẵn sàng cho sự đổi mới và lợi thế cạnh tranh trong tương lai” - ông Richard Loi nói.

Những nội dung trên không phải của doanh nghiệp toàn cầu mà gắn rất gần gũi với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private, Việt Nam, dựa vào dữ liệu thu thập và phân tích của chuyên gia Deloitte từ báo cáo, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới, từ đó hoạch định chiến lược và trở nên kiên cường để vững vàng chèo lái doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức.

Đi tìm “vắc-xin” công nghệ

Giữa làn sóng Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam, một doanh nghiệp ngành công nghệ là Công ty cổ phần FPT đã khảo sát hơn 400 doanh nghiệp về thực trạng hoạt động của họ trước những diễn biến của dịch bệnh. Kết quả cho thấy có tới 45% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải thu hẹp hoạt động hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh và 8,8% phải ngừng hoạt động. Những doanh nghiệp còn hoạt động thì hiệu suất công việc suy giảm khi giãn cách xã hội kéo dài, trong khi môi trường kinh doanh cũng đang có những thay đổi nhanh chóng.

Có 3 khó khăn kỹ thuật trong vận hành công việc hàng ngày của doanh nghiệp tại thời điểm này. Đó là năng suất suy giảm khi làm việc từ xa; ùn ứ giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng khi làm việc từ xa và gián đoạn liên lạc, trao đổi công việc.

Một vài ví dụ đơn giản nhất là việc ký các loại hồ sơ, văn bản, giấy tờ nội bộ hay hợp đồng, giao kèo với khách hàng. Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay, việc trình ký trực tiếp với đối tác, khách hàng hay thậm chí là ký trong nội bộ dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Khi đó, điều mà mọi người cùng nghĩ đến đó là sự hỗ trợ của công nghệ, ví dụ cụ thể là chữ ký số, hợp đồng điện tử… Khi đó, việc ký kết có thể được thực hiện nhanh chóng và thông suốt chỉ trong vài phút và ở bất cứ đâu.

Đây cũng chính là lý do để có tới 94% doanh nghiệp theo khảo sát của FPT khẳng định là sẵn sàng đầu tư cho việc số hóa các hoạt động như quản lý nhân sự, văn phòng không giấy tờ…

Ở góc độ phòng chống dịch bệnh về mặt sinh học, việc thực hiện tiêm vắc-xin, áp dụng các biện pháp giãn cách đang là giải pháp để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng. Nhưng ở góc độ duy trì hoạt động kinh tế để sống chung với dịch thì một vắc-xin khác đã được nghĩ đến, đó là “vắc-xin số”. Đây là một hình ảnh ví von khá thú vị được ông Vũ Anh Tú - Giám đốc công nghệ FPT, dùng để nói về giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động thích nghi với bối cảnh dịch bệnh. Ông Tú chia sẻ, “vắc-xin số” sẽ giúp các doanh nghiệp gỡ bỏ được phần nào những khó khăn rất lớn hiện nay để phục vụ kinh doanh.

Dịch bệnh rồi sẽ đi qua, cuộc sống cũng sẽ sớm trở lại bình thường, những thói quen đã thay đổi trong việc quan tâm áp dụng các ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh và cuộc sống có thể là nền tảng cho một thời cuộc mới.

Doanh nhân Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, từng chia sẻ, chúng ta đang sống trong một thế giới 2 trong 1 và phần liên quan đến thế giới số sẽ ngày càng lớn hơn. Với nhãn quan của một người vừa dày dạn kinh nghiệm thương trường vừa là một người xuất thân khoa học, ông Chính nhìn thấy rất rõ ràng cơ hội. Trước hết là cho những doanh nghiệp làm công nghệ (chẳng hạn như CMC), sau đó là cơ hội cho mọi người, kể cả những người… nông dân.

Cơ hội của kỷ nguyên số đang mở ra trước cửa mọi nhà

Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch Tập đoàn CMC, đã từng đích thân đi phỏng vấn những nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống và cả những người nông dân trong các nông trại. Một kết quả thú vị được ông thu lượm là không ít các gia đình làng nghề truyền thống của Việt Nam đã tiếp xúc các đối tác lớn qua môi trường công nghệ để bán hàng ra thế giới. Quy mô các đơn hàng của họ cũng rất đa dạng, từ những đơn hàng đơn lẻ đến quy mô nhiều container…

Gốm Bát Tràng, bưởi Năm Roi hay bất cứ loại nông sản nào đều có bán khắp thế giới nếu làm chủ công nghệ. Sức mạnh của thế giới số có thể làm cho mọi thứ trở nên sòng phẳng và một kỷ nguyên mới có thể đang mở ra trước mặt mọi người, trước cửa mọi nhà.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vac-xin-so-nen-tang-cho-thoi-cuoc-moi-99633.html