Vaccine Sinopharm: Độ tin cậy, hiệu quả và khả năng chống lại biến chủng mới Covid-19?

Vaccine Sinopharm là loại vaccine Covid-19 đầu tiên được phát triển bởi một quốc gia không thuộc phương Tây, được sự phê duyệt của WHO, có 'hiệu quả khả quan' và mang lại kết quả trong việc ngăn chặn các ca bệnh trở nặng và tử vong.

Vaccine Sinopharm: Độ tin cậy, hiệu quả và khả năng chống lại biến chủng gây bệnh Covid-19 đến đâu. (Nguồn: Reuters)?

Vaccine Sinopharm: Độ tin cậy, hiệu quả và khả năng chống lại biến chủng gây bệnh Covid-19 đến đâu. (Nguồn: Reuters)?

Vaccine Sinopharm có thể chống lại các biến chủng Covid-19 nguy hiểm?

Sau thành công của Vero Cell, Sinopharm - nhà sản xuất vaccine Covid-19 Trung Quốc lại đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra một loại vaccine “cập nhật” khả năng bảo vệ, chống lại hiệu quả các biến thể virus SARS-CoV-2 mới như chủng Delta hay Beta.

Nhà sản xuất thuốc Sinopharm cho biết, họ đang phát triển một phiên bản cập nhật vaccine Covid-19 nhằm tăng cường khả năng bảo vệ, chống lại các biến thể Delta và Beta của virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, các thử nghiệm lâm sàng về một mũi tiêm nhắc lại cũng đang được tiến hành.

Trong một tuyên bố mới đây, Zhang Yuntao, Phó Chủ tịch Sinopharm, cho biết, công ty đang nghiên cứu để cập nhập vaccine bất hoạt đối với các chủng virus mới và dữ liệu đang được cung cấp cho cơ quan quản lý dược phẩm.

Biến thể Delta lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ, có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến chủng khác, thậm chí có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở một số bệnh nhân, dù điều này vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu. Delta hiện đang trở thành chủng virus chiếm ưu thế ở hầu hết các quốc gia, trong khi Beta lần đầu tìm thấy ở Nam Phi, hiện được phát hiện có khả năng vượt trội trong kháng các loại vaccine hiện tại.

Đại diện Sinopharm cho biết, có khả năng một loại vaccine cập nhật và một mũi tiêm nhắc lại sẽ được cung cấp cùng một lúc. Như vậy, đối với hầu hết mọi người trong giai đoạn này, “lựa chọn đầu tiên là tiêm một mũi nhắc lại”. “Nếu khoảng thời gian giữa mũi thứ hai và thứ ba dài hơn một chút, chẳng hạn từ sáu tháng trở lên, thì lượng kháng thể được tạo ra về cơ bản sẽ cao hơn đáng kể. Cách giãn thời gian giữa các lần tiêm sẽ giúp cơ thể có cơ hội kéo dài giai đoạn phản ứng ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật, do các biến thể gây ra”, Phó Chủ tịch Sinopharm Zhang Yuntao phân tích.

Ông Zhang Yuntao đề xuất, mũi tiêm nhắc lại có thể được thực hiện sau khi cộng đồng đạt được miễn dịch và khi tất cả những người đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 đã được tiêm liều thứ hai. Tuy nhiên, Đại diện Sinopharm vẫn khuyến cáo, những người có nguy cơ cao nhất nên được ưu tiên.

Các hướng dẫn tiêm vaccine Covid-19 hiện tại ở Trung Quốc yêu cầu phải sử dụng cùng một công nghệ vaccine cho cả hai liều tiêm chủng và quy định đó cũng sẽ được áp dụng nếu mũi tiêm nhắc lại (mũi thứ ba) được chấp thuận. Đại diện Sinopharm cho biết, sẽ phải có thêm các yêu cầu để đảm bảo an toàn, nếu tiêm các mũi tăng cường sử dụng công nghệ vaccine khác.

Loại vaccine cập nhật nhằm chống lại các biến chủng mới và mũi tiêm nhắc lại sẽ phải được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc thông thường, sau khi trải qua quá trình thử nghiệm, kiểm tra tính an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, ông Zhang không cho biết khi nào những nghiên cứu này hoàn tất.

Trong một tuyên bố vào đầu tháng này, Sinopharm cho biết, các thử nghiệm giai đoạn đầu đối với mũi tiêm nhắc lại đã được hoàn tất với các đối tượng trên ba tuổi. Kết quả chưa được đánh giá đồng cấp, nhưng báo cáo của Sinopharm cho thấy, thử nghiệm ba liều vaccine - với mũi thứ hai được tiêm vào ngày thứ 28 sau mũi 1 và liều thứ ba vào ngày thứ 56 - cho thấy vaccine an toàn. Các phản ứng phụ thường gặp nhất là đau tại chỗ tiêm, phát ban, sốt và mệt mỏi. Hai phản ứng sau cũng được thấy ở nhóm dùng giả dược. Tuyên bố trên cũng cho biết, nghiên cứu đã cho thấy phản ứng miễn dịch sau ba liều tốt hơn hai liều.

Trước đó, một nghiên cứu không được đánh giá ngang hàng được công bố trên medRxiv.org cho biết, mức độ kháng thể đã giảm đáng kể trong 6 tháng sau khi tiêm đủ hai liều, nhưng liều vaccine thứ ba được tiêm sau mũi thứ hai 6 tháng, có thể làm tăng nồng độ kháng thể lên gấp ba đến năm lần.

Vaccine Sinopharm - hiệu quả và độ tin cậy?

Vero Cell là tên của Vaccine Covid-19 bất hoạt, được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh, thuộc Tập đoàn Y Dược Trung Quốc (Sinopharm). Loại vaccine Trung Quốc này được phát triển theo phương pháp truyền thống, sử dụng các phần tử virus bất hoạt, khác vaccine Pfizer và Moderna của Mỹ được bào chế theo công nghệ mRNA.

Sinopharm là đơn vị sản xuất vaccine lớn nhất Trung Quốc, có hơn 1.500 công ty con và hơn 200.000 nhân viên trải rộng khắp toàn cầu. Năm 2020, đơn vị này được xếp hạng 145 trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới, với doanh thu đạt hơn 70 tỷ USD.

Vaccine Vero Cell củaSinopharm hoạt động như thế nào?

Cũng giống như các loại vaccine bất hoạt khác, sau khi virus bất hoạt trong vaccine Vero Cell được tiêm vào cơ thể, chúng kích thích hệ thống miễn dịch sinh ra các kháng thể và làm cho cơ thể sẵn sàng để ứng phó với tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2. Thành phần vaccine Vero Cell được bổ sung hydroxit nhôm để tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch.

Chú ý, vaccine Sinopharm nên được bảo quản ở 2 º– 8oC và không được để đông. Lọ vaccine chưa mở bảo quản ở nhiệt độ 2ºC– 8ºC được phép sử dụng trong vòng 24 tháng kể từ ngày sản xuất. Lọ vaccine đã mở chỉ được sử dụng trong vòng 6 giờ kể từ khi mở và phải được bảo quản ở 2ºC–8oC. Bảo quản tránh tiếp xúc trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời.

VaccineSinopharm hiệu quả đến đâu?

Ngày 7/5/2021, vaccine Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) với hiệu quả bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh Covid-19 lên đến 78,2%, theo kết quả hậu lâm sàng, được khuyến cáo cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Trong khi đó, vaccine Sinopharm có hiệu quả 79% trong việc giảm tỷ lệ nhập viện khi mắc Covid-19 và các trường hợp không phải vào phòng chăm sóc đặc biệt. Đánh giá chung về vaccine Sinopharm, các chuyên gia cho biết, vaccine phát huy hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp, là một mắt xích trong việc giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Ngày 3/6/2021, Việt Nam chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện vaccine Sinopharm, trong trường hợp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vaccine Sinopharm hiện được cung cấp cho hơn 70 quốc gia, trong đó có các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Philippines và Singapore.

Tuy nhiên, dữ liệu để đánh giá mức độ an toàn của vaccine với những đối tượng trên 60 tuổi chưa nhiều do chưa đủ mẫu nghiên cứu lâm sàng.

Nên tiêm vaccine Sinopharm như thế nào để hiệu quả tốt nhất?

Theo Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO (SAGE), vaccine Sinopharm được dùng dưới dạng tiêm bắp, với liều lượng mỗi liều là 0,5 ml, với phác đồ 2 liều tiêm, mũi 2 cách mũi 1 từ 3 - 4 tuần.

Vaccine Vero Cell của Sinopharm được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. Nếu liều thứ hai bị trì hoãn quá 4 tuần, thì cần được tiêm trong thời gian sớm nhất có thể.

Các phản ứng sau tiêm chủng vaccine Sinopharm có thể gặp phải?

Giống như bất cứ loại vaccine nào khác, Vaccine Vero Cell của Sinopharm có thể có một số tác dụng phụ ở một số đối tượng. Các biến cố bất lợi ghi nhận được hầu hết là nhẹ đến trung bình và tồn tại trong thời gian ngắn và thường sẽ biến mất sau vài ngày, trong hầu hết các trường hợp. Để giảm bớt tác dụng phụ, bạn có thể chườm mát tại vị trí tiêm. Uống thật nhiều nước và mặc trang phục nhẹ nhàng để giảm cảm giác khó chịu do sốt.

Phản ứng tại chỗ tiêm (Rất phổ biến ≥1 / 10): Đau ở chỗ tiêm, đỏ, sưng, cứng, ngứa

Phản ứng toàn thân (Rất phổ biến ≥1 / 10): Đau đầu, sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa

Phản ứng toàn thân (Không phổ biến ≥1 /1.000 đến

+ Chóng mặt, chán ăn, đau hầu họng, khó nuốt, chảy nước mũi.

+ Táo bón, quá mẫn cảm.

+ Hôn mê, buồn ngủ, khó ngủ, hắt hơi, viêm mũi họng.

+ Nghẹt mũi, khô họng, cúm, giảm cảm, đau chân tay, đánh trống ngực.+ Đau bụng, phát ban, niêm mạc da bất thường, mụn trứng cá, bệnh nhãn khoa, tai.

+ Khó chịu, nổi hạch

+ Ớn lạnh, rối loạn chức năng vị giác, mất vị giác, dị cảm, run, rối loạn chú ý,

+ Chảy máu cam, hen suyễn, kích ứng cổ họng, viêm amidan, khó chịu, cổ đau, đau hàm, u cổ, loét miệng, đau răng, rối loạn thực quản.

+ Viêm dạ dày, đổi màu phân, bệnh nhãn khoa, mờ mắt, kích ứng mắt,

+ Đau tai, căng thẳng, tăng huyết áp, hạ huyết áp, tiểu tiện không tự chủ, chậm kinh nguyệt.

+ Phản ứng phản vệ.

Ở một số đối tượng không gặp tác dụng phụ khi tiêm vaccine Sinopharm, nhưng điều này không có nghĩa là vaccine không phát huy tác dụng bảo vệ.

Có nên tiêm trộn vaccine Sinopharm với các vaccine Covid-19 khác?

Chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế vaccine Sinopharm với vaccine phòng Covid-19 khác. Khuyến cáo tiêm đủ 2 liều của cùng một loại vaccine phòng Covid-19.

Cuối cùng, đối với câu hỏi được hỏi nhiều nhất hiện nay rằng một số vaccine tốt hơn hoặc hiệu quả hơn các loại khác?

WHO khẳng định, vaccine Sinopharm hiệu quả, lợi ích mà vaccine này đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra

Tất cả các vaccine đã được WHO phê duyệt vào danh sách Sử dụng Khẩn cấp đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế. Các vaccine đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do Covid-19 gây ra.

WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vaccine này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vaccine.

Các dữ liệu tính đến ngày 6/8 cho thấy, vaccine vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.

"Thông điệp từ WHO rất rõ ràng, đó là hãy tiêm bất kỳ loại vaccine có sẵn khi đến lượt. Vaccine giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh bạn. Vaccine cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới".

(theo Scmp, WHO)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vaccine-sinopharm-do-tin-cay-hieu-qua-va-kha-nang-chong-lai-bien-chung-moi-covid-19-157146.html