Vạch trần quảng cáo sai sự thật về thuốc lá
Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề 'Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo' với mục tiêu nhằm phơi bày chiến thuật của các tập đoàn thuốc lá trên thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá là sản phẩm không có hại nhằm thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.

Sử dụng thuốc lá là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe cộng đồng
Theo WHO, sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới đã và đang phải đối mặt. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó 1,3 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động.
Tại Việt Nam, với hơn 15 triệu người hút thuốc, việc sử dụng thuốc lá hiện đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm với con số ước tính lên tới hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm.
Nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế Việt Nam năm 2022 cho thấy, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật, tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hàng năm ở Việt Nam ước tính là 108 nghìn tỷ đồng. Con số này lớn hơn 05 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế từ sản phẩm thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Với những nỗ lực của Bộ Y tế, các Bộ, ngành, các tỉnh thành phố và sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hơn 10 năm qua, công tác phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả.
Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc là trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe” là quan điểm chỉ đạo trong Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/5/2023. Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15, trong đó có nội dung “cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng kể từ ngày 01/01/2025.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu trong nam giới trưởng thành tại Việt Nam giảm (trung bình giảm 0,5% mỗi năm). Tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Hiện nay, công tác PCTH của thuốc lá đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới các kết quả đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời ảnh hưởng tới các nỗ lực trong việc đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc theo Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030.
Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo
WHO nhấn mạnh, Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2025 là dịp để phơi bày các cách thức mà các tập đoàn thuốc lá trên thế giới sử dụng để quảng bá, tiếp thị các sản phẩm gây nghiện cũng như chỉ rõ các chiêu thức quảng cáo sai sự thật, lừa dối mọi người, làm cho các sản phẩm thuốc lá trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên.

Thông điệp tuyên truyền Ngày thế giới không thuốc lá 31/5/2025 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2025
Nicotine và các sản phẩm thuốc lá gây nghiện rất nguy hiểm cho sức khỏe nhưng luôn được các tập đoàn thuốc lá trên thế giới tìm cách để thu hút mọi người sử dụng. Không có bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào và không có mức độ tiếp xúc nào đối với thuốc lá được coi là an toàn cho sức khỏe bao gồm cả thuốc lào, xì gà, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá tự cuốn, thuốc lá tẩu và các sản phẩm thuốc lá không khói.
Thuốc lá, thuốc lá mới và các sản phẩm chứa nicotin rất có hại cho sức khỏe thậm chí gây tử vong cho cả người hút và người không hút nhưng thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, các sản phẩm này có thể làm suy yếu nghiêm trọng sự phát triển não bộ.
Năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo” với mục tiêu nhằm phơi bày chiến thuật của các tập đoàn thuốc lá trên thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá không có hại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong giới trẻ.
Phân tích của WHO cho thấy, các tuyên bố của tập đoàn thuốc lá trên toàn cầu đã gây hiểu lầm về tác hại thuốc lá đối với sức khỏe.
Trên toàn cầu, ngành công nghiệp thuốc lá bán hàng nghìn tỉ điếu thuốc mỗi năm. Ngoài thuốc lá điếu thông thường, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và túi nicotine được các công ty quảng bá với tên gọi là "sản phẩm giảm hại". Điều này đã làm cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, hiểu lầm rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không có hại, không gây nghiện.
Ngoài ra, việc quảng bá sản phẩm cũng gây nhầm lẫn. Trong đó, một số tổ chức liên minh với các tập đoàn thuốc lá có tên gọi của tổ chức giống như tên của các tổ chức hoạt động PCTH thuốc lá. Cụ thể như: “Tổ chức Hành động toàn cầu chấm dứt hút thuốc lá”, “Quỹ xóa bỏ lao động trẻ em trong trồng thuốc lá”, “Quỹ vì một thế giới không khói thuốc” của Tập đoàn Philip Morris nhưng thực chất các quỹ này có sự liên kết chặt chẽ với các công ty thuốc lá.
WHO kêu gọi các nước cùng chung tay thực hiện Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới Không Thuốc lá 31/5 năm 2025 vì một tương lai khỏe mạnh hơn.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/vach-tran-quang-cao-sai-su-that-ve-thuoc-la-40328.html