Vạch trần thủ đoạn chống phá Đảng từ 'Công đoàn độc lập', đến lợi dụng nhân quyền: Bài 2: Đảm bảo quyền con người, phát huy dân chủ ở cơ sở
Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chủ yếu lưu vong ở nước ngoài móc nối với một số thành phần phản động, chống phá trong nước, mang đậm tâm lý bất mãn, thù hằn và ấu trĩ; đặc biệt là không hòa mình vào cuộc sống thực tiễn của Việt Nam - đất nước “của dân, do dân, vì dân”, đặt người dân vào trung tâm của quyết sách.
Trong khi đó, người dân, người lao động (NLĐ) cả nước đang phát huy quyền dân chủ của mình ngay từ cơ sở, hăng say lao động và sản xuất để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
* Đề cao quyền con người trong các quy định pháp luật về lao động
Có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013 - quy định tương đối đầy đủ và toàn diện hệ thống các quyền con người phù hợp với thực tiễn Việt Nam và với chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Bên cạnh quy định về quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp và nơi làm việc, Hiến pháp năm 2013 còn quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho NLĐ; Nhà nước có nghĩa vụ hàng đầu trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ hài hòa, ổn định.
Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp với những nội dung mới mang lại lợi ích cho cả NLĐ và người sử dụng lao động; bảo đảm thúc đẩy quyền con người trong lĩnh vực lao động như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động bổ sung thêm đối tượng là NLĐ làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản; bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc không phân biệt giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc…
Đáng chú ý là bộ luật này dành riêng Chương XIII quy định về tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, quy định rõ: quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở; thành lập, gia nhập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (DN)…
* Công nhân lao động phát huy quyền dân chủ ngay tại cơ sở
Tại Việt Nam, các quyền trong lĩnh vực lao động việc làm không chỉ được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật, mà còn được thực thi một cách nghiêm túc, đầy đủ, sinh động ngay tại cơ sở, đến tận các xưởng, các chuyền sản xuất của mỗi DN.
Theo đó, Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. NLĐ tự nguyện tham gia tổ chức Công đoàn. Tại tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn này, giai cấp công nhân được phát huy quyền, nghĩa vụ của mình; thấy được vai trò, sứ mệnh của giai cấp; được Công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng… nên đã tích cực tham gia, góp phần đưa tổ chức Công đoàn thực sự lớn mạnh ngay tại cơ sở. Ở nhiều DN trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ đoàn viên Công đoàn lên đến 90%, thậm chí nhiều DN có tỷ lệ công nhân lao động tham gia tổ chức Công đoàn đạt 100%.
Để phát huy quyền làm chủ của NLĐ ngay tại cơ sở, hàng năm, cán bộ, công chức, NLĐ tham gia hội nghị NLĐ. Tại hội nghị này, NLĐ được nghe phương hướng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, báo cáo tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm; việc thực hiện dân chủ tại DN, đơn vị…, từ đó, NLĐ tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến, đề đạt những kiến nghị.
Không chỉ tổ chức hội nghị NLĐ, mà định kỳ hoặc đột xuất, các DN, Công đoàn cơ sở còn tổ chức các buổi đối thoại lấy ý kiến công nhân lao động tại nơi làm việc để nắm bắt tâm tư, lắng nghe ý kiến của NLĐ. Qua đối thoại, công nhân lao động được đảm bảo quyền lợi, ngày càng yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với DN. Đồng thời, công nhân cũng hiểu hơn quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia đóng góp ý kiến về các chính sách.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Pousung Việt Nam, ngoài hội nghị NLĐ và đối thoại trực tiếp hàng tháng, công nhân còn gửi ý kiến thông qua các tổ sản xuất hoặc hộp thư góp ý. Chỉ tính riêng năm 2023, công ty đã ghi nhận gần 450 ý kiến của công nhân để từ đó cải thiện một số chế độ cho công nhân. Nhờ đó, NLĐ giữ tinh thần làm việc ổn định, quan hệ lao động thêm thắt chặt, đoàn kết.
Ông TẠ CHÍ MINH, người Đài Loan (Trung Quốc), Giám đốc điều hành Công ty TNHH Pousung Việt Nam (tại huyện Trảng Bom):
Chúng tôi yên tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Gần 20 năm xây dựng và phát triển tại Đồng Nai, DN không ngừng đổi mới, phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho hơn 17 ngàn lao động địa phương. DN tạo môi trường làm việc văn hóa, cải thiện điều kiện làm việc, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập NLĐ hàng năm.
Để ổn định sản xuất, DN luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của các cấp chính quyền Đồng Nai, tạo thuận lợi để các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động sản xuất hiệu quả, lo việc làm thường xuyên cho công nhân lao động. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn luôn đồng hành với DN để ổn định sản xuất và quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Còn Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina (thành phố Biên Hòa) Đinh Sỹ Phúc cho hay, Công đoàn công ty luôn tận dụng tất cả kênh giao tiếp từ mạng xã hội tới đối thoại trực tiếp với NLĐ. Khi có chính sách mới ban hành hoặc góp ý dự thảo luật sửa đổi, lãnh đạo công ty, Công đoàn đều xuống tận xưởng sản xuất phổ biến, giải đáp thắc mắc cho công nhân, lấy ý kiến của NLĐ…
Cũng nhờ phát huy dân chủ ở cơ sở, thông qua thương lượng tập thể, ngày càng có nhiều bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết mới hoặc bổ sung với những điều khoản nâng cao điều kiện làm việc tốt hơn cho NLĐ. Điều này cho thấy vai trò của Công đoàn, cũng như DN ngày càng quan tâm đến đời sống NLĐ.
Tại Đồng Nai, tính đến hết quý I-2024, đã ký mới 9 bản thỏa ước lao động tập thể; sửa đổi bổ sung, ký lại 40 bản, nâng tổng số bản thỏa ước lao động tập thể hiện có trên địa bàn Đồng Nai là 1.343 bản/1.640 DN có Công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh (không bao gồm Công đoàn ngành trung ương).
* Nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người
Trước vai trò, vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, bên cạnh các thế lực thù địch bày tỏ sự tức tối, hằn học, thường xuyên vu cáo, chống phá, còn có một số tổ chức muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam nên đưa ra những nhận định thiếu khách quan, phủ nhận các thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực này.
Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc được công bố quốc tế vào tháng 4-2024 cung cấp tình hình cập nhật với những dẫn chứng, thông tin và số liệu cụ thể, qua đó khẳng định nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.
Theo đó, từ năm 2019 đến tháng 11-2023, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền với 44 luật thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Về việc rà soát, gia nhập các Công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng đã tham gia đàm phán và chính thức tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM).
Không chỉ tích cực tham gia các công ước quốc tế, Việt Nam còn hoàn thành tốt nghĩa vụ báo cáo về việc thực hiện các công ước mà Việt Nam là thành viên, góp phần duy trì quan hệ đối ngoại thân thiện với các ủy ban theo dõi việc thực hiện các công ước. Theo Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV, trong số 241 khuyến nghị Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị, chiếm 86,7%; thực hiện một phần 30 khuyến nghị, chiếm 12,4% và còn 2 khuyến nghị đang xem xét thực hiện vào một thời điểm phù hợp.