Vạch trần thủ đoạn của các ông trùm buôn lậu qua cảng biển Tiên Sa
Núp bóng sau các công ty 'ma', các đối tượng đã thực hiện hành vi để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm từ nước ngoài về cảng Tiên Sa (thành phố Đà Nẵng). Thế nhưng, liên tiếp các hành vi này đã bị lực lượng chức năng phát hiện, điều tra và đưa ra xét xử với những bản án thích đáng.
Lập công ty “ma” làm bình phong
Trong các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua cảng Tiên Sa những năm gần đây cho thấy, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn lập công ty “ma” nhằm “xóa dấu vết” khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Trong phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1989, trú tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) ngày 21/2 vừa qua, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng ghi rõ, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 9/2021, Nguyễn Đức Tài đã làm theo sự chỉ đạo của July (không rõ nhân thân, lai lịch), 2 lần lập công ty “ma” để nhập hàng hóa từ các nước châu Phi về Việt Nam qua cảng biển Đà Nẵng, nhưng kì thực là ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và xương sư tử. July thỏa thuận, với mỗi chuyến hàng trót lọt sẽ trả công cho Tài 20 triệu đồng.
Đối tượng July đã gửi bản sao Giấy chứng minh nhân dân của một người tên N.T.C (trú tại tỉnh Nghệ An) cho Tài thuê người làm thủ tục thành lập Công ty TNHH Nam Thái Cường, có trụ sở tại 180 Lý Nhân Tông, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Sau khi được Phòng Đăng ký kinh doanh thành phố Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, Tài tiếp tục cho khắc dấu công ty, tên giám đốc, đặt mua chữ kí số, kê khai thuế điện tử quý 2, 3 năm 2021 cho công ty. Tiếp đó, vào tháng 8/2021, thông qua mạng xã hội, Tài liên hệ với một đối tượng (không rõ nhân thân lai lịch) đặt làm giả một Chứng minh nhân dân tên Nguyễn Nhật Long (đề Công an Hà Tĩnh cấp ngày 27/8/2014) để thành lập Công ty TNHH Quang Nhật Long và tiến hành các thủ tục cần thiết như Công ty TNHH Nam Thái Cường.
Vào cuối tháng 11/2020, tại đường Yết Kiêu (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), lực lượng Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP); Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng (BĐBP thành phố Đà Nẵng) bắt giữ 2 container của Công ty Thiên Phú Thành Phát và Công ty Sunset chứa mỹ phẩm, đồ gia dụng trị giá khoảng 14,5 tỉ đồng không có tờ khai nhập khẩu thông quan, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Ngày 5/2, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Đà Nẵng) tiếp nhận điều tra vụ án buôn lậu từ Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng và đã lần lượt khởi tố các bị can: Ngô Duy Chính (52 tuổi), Trần Minh Huy (35 tuổi), Phan Thị Ngọc Nhàn (30 tuổi), cùng trú tại thành phố Hồ Chí Minh và Lương Thị Hạnh (33 tuổi), trú tại thành phố Đà Nẵng. Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi, thủ đoạn của các đối tượng này.
Theo đó, để thực hiện việc buôn lậu, các bị cáo sử dụng pháp nhân thành lập 9 công ty để thực hiện việc nhập khẩu 22 lô hàng từ nước ngoài về Việt Nam qua cảng Tiên Sa. Tuy nhiên, chỉ có Công ty TNHH Thương mại One Express đặt trụ sở tại nhà của Lương Thị Hạnh, các công ty còn lại đều không có trụ sở làm việc, không có nhân viên, không hoạt động kinh doanh. Qua xác minh của lực lượng chức năng, Công ty TNHH Thương mại Blue Bayou, người đại diện theo pháp luật là ông P.N.D (trú tại tỉnh Tiền Giang, đã chết năm 2017); Công ty TNHH Thiên Phú Thành Phát có người đại diện theo pháp luật là ông T.H.L (trú tại thành phố Hồ Chí Minh, đã chết năm 2020). Còn Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sunset, người đại diện theo pháp luật là ông P.V.T (trú tại thành phố Hồ Chí Minh, là người nghiện ma túy, đã bỏ nhà đi lang thang).
Khép kín quy trình đường dây
Không chỉ lập công ty “ma” bằng việc đưa người chết, người không rõ tung tích làm đại diện pháp nhân công ty, các đối tượng còn sử dụng rất nhiều thủ đoạn nhằm qua mặt cơ quan chức năng để đạt được mục đích của mình. Hai công ty do Nguyễn Đức Tài thành lập đã nhập khẩu 2 container từ Nam Phi và Negeria khai báo hàng hóa là sàn gỗ, hạt điều. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tại cảng Tiên Sa kiểm tra, đã phát hiện là sừng tê giác, xương sư tử, vảy tê tê và ngà voi với trọng lượng gần 10 tấn. Các container này được quá cảnh tại nhiều cảng của Singapore, Malaysia, Trung Quốc, chuyển qua nhiều tàu khác nhau nhằm làm “mất dấu nguồn gốc” mới cập cảng tại thành phố Đà Nẵng.
Để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam qua cảng Tiên Sa, Ngô Duy Chính yêu cầu Lương Thị Hạnh thành lập, cung cấp thông tin của một số doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng để đưa cho các chủ hàng báo cho bên xuất khẩu hàng hóa điền thông tin các doanh nghiệp này vào vận đơn với tư cách là đơn vị nhập khẩu. Sau khi nhận được vận đơn các chủ hàng gửi qua Viber, Chính chuyển và chỉ đạo Trần Minh Huy tự lập khống chứng từ nhập khẩu gồm hóa đơn, danh sách hàng hóa với thông tin hàng nhập khẩu là nước giặt, nước xả vải. Huy thực hiện bằng cách tra cứu trên mạng để chọn loại nước giặt, nước xả, thông tin trọng lượng… căn cứ vào tổng trọng lượng hàng hóa được ghi trên vận đơn để tính toán số lượng hàng cho phù hợp.
Về đơn giá, Huy tham khảo thị trường rồi lấy 1/3 giá này để ghi lên hóa đơn. Sau khi hoàn tất, Huy gửi lại cho Chính xem, xác nhận rồi gửi cho Hạnh để đóng dấu tên, dấu chữ ký giám đốc, pháp nhân của công ty nhập khẩu lên hóa đơn, danh sách hàng hóa rồi gửi lại cho Huy. Huy dùng chữ ký số của công ty nhập khẩu, vào máy tính đăng nhập hệ thống Hải quan điện tử, đăng chứng từ lên để làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu. Hạnh cho người mang bộ chứng từ bản giấy đến nộp tại Hải quan để làm thủ tục thông quan, nhận hàng. Khi có thông tin hàng về, Phan Thị Ngọc Nhàn chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng cho Hạnh để chi trả các chi phí liên quan đến lô hàng.
Các đối tượng cũng tính toán rất kĩ lưỡng, mặc dù hàng hóa trong các container nhập khẩu gồm nhiều mặt hàng khác nhau như sữa bột, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô… nhưng bằng thủ đoạn lập khống chứng từ nhập khẩu với thông tin hàng hóa nhập khẩu là nước giặt, nước xả vải cho phù hợp với tổng trọng lượng hàng hóa được ghi trên vận đơn. Nếu trót lọt, các đối tượng có thể hưởng tiền chênh lệch từ tiền thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước vài chục tỷ đồng.
Vụ án buôn lậu do Ngô Duy Chính cầm đầu được xem là lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Tiên Sa. 22 container được các bị cáo nhập về cảng Tiên Sa có trị giá 71,3 tỷ đồng. Với tội danh đã được làm rõ, Ngô Duy Chính bị tuyên phạt 18 năm tù về tội buôn lậu và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Lương Thị Hạnh, Trần Minh Huy, Phan Thị Ngọc Nhàn cùng mức án 7 năm tù về tội buôn lậu. Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng tuyên phạt Nguyễn Đức Tài 13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.