'Vai lớn' của HTX đưa Thạnh Phú trở thành điểm sáng giảm nghèo bền vững

Nhiều mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao với vai trò đóng góp to lớn của các HTX, tổ hợp tác đã góp phần giúp cho huyện Thạnh Phú là điểm sáng giảm nghèo bền vững ở tỉnh Bến Tre. Điều này có thể thấy rõ từ hai HTX điển hình như HTX Nông nghiệp Thới Thạnh và HTX Lúa - tôm Thạnh Phú.

Ông Phạm Văn Hà là thành viên của HTX Nông nghiệp Thới Thạnh ở xã Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú). Trong 3 năm nay ông canh tác 1,7ha dừa đạt chuẩn hữu cơ với hiệu quả khá cao.

Nâng cao đời sống cho nông dân trồng dừa

Theo ông Hà, đầu vào, đầu ra sản phẩm quả dừa rất ổn định do được HTX bao tiêu. Hiện nay, người dân sử dụng phân hữu cơ với giá gốc tại công ty.

“Đối với những hộ dân có nhân công được cán bộ chuyên môn tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ tại nhà để sử dụng nên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Hàng tháng, đội nhân công của HTX đến tận vườn thu hoạch dừa hữu cơ cung ứng cho doanh nghiệp”, ông Hà chia sẻ.

Cách làm hiệu quả của HTXnông nghiệp Thới Thạnh giúp cho nông dân trồng dừa nâng cao đời sống.

Còn theo một phụ nữ ở địa phương là bà Trần Ngọc Phấn, 56 tuổi (ngụ tại xã Thới Thạnh), từ khi HTX nhận làm gia công dừa cho công ty, bà và nhiều người dân ở đây có việc làm ổn định với tiền công khoảng 300 ngàn đồng/ngày. Khi HTX hoạt động hiệu quả, người trồng dừa và người lao động cũng ổn định cuộc sống.

Hiện tại, HTX nông nghiệp Thới Thạnh giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương với công việc gia công dừa cho công ty chế biến. Tại đây, dừa khô sau khi lấy nước sẽ được nhân công cạy, gọt vỏ lụa để giao phần cơm dừa cho công ty ép dầu.

HTX Nông nghiệp Thới Thạnh được đánh giá là HTX điển hình của địa phương thực hiện rất tốt việc thu mua, bao tiêu nông sản của nông dân. HTX được thành lập năm 2017, chuyên trồng dừa, thu mua, gia công mặt hàng từ dừa…

Hiện tại có 99 thành viên HTX tham gia canh tác dừa hữu cơ trên diện tích 150ha. Việc thu gom nông sản, làm trung gian cung ứng vật tư đầu vào với giá gốc giúp nhiều thành viên HTX an tâm sản xuất dù nhiều thời điểm giá dừa tại địa phương xuống thấp.

Ông Trần Quốc Ửng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, cho biết: HTX đã ký hợp đồng liên kết đầu vào với công ty phân bón hữu cơ tại tỉnh Bình Định, công ty thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Tp.HCM.

Đồng thời, HTX còn cung ứng cho Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (chuyên kinh doanh các mặt hàng dừa xuất khẩu) với giá cao hơn thị trường khoảng 20%. Quy trình canh tác dừa hữu cơ được kiểm soát chặt chẽ bởi chuyên gia người nước ngoài của công ty thuê nên bảo đảm chất lượng.

Hiệu quả mô hình lúa – tôm

Từ cách làm hay, hoạt động hiệu quả của HTX nêu trên đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở xã Thới Thạnh đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, tạo công ăn việc làm cho lao động nghèo nông thôn.

Mô hình của HTX Lúa - tôm Thạnh Phúmang lại hướng đi bền vững cho nông dân địa phương.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ở xã Thới Thạnh đã đạt hơn 61 triệu đồng/năm. Xã có diện tích vườn dừa 1.468 ha được nhân dân chăm sóc và phát triển tốt, đang cho trái 100% diện tích.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao hồi năm 2022, thời gian tới xã Thới Thạnh sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để tăng thu nhập; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào các HTX, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm góp phần phát triển kinh tế bền vững,...

Nhắc đến huyện Thạnh Phú phải kể thêm một HTX điển hình khác là HTX Lúa - tôm Thạnh Phú (ở xã An Nhơn). Năm 2017, từ tiền thân là một tổ hợp tác, HTX này được thành lập để sản xuất lúa sạch ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp và tập trung xây dựng phát triển nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú để tiếp cận các thị trường lớn.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Lúa - tôm Thạnh Phú là ông Hồ Văn Cương cho biết: HTX hiện có 110 thành viên chuyên sản xuất theo mô hình lúa - tôm với diện tích khoảng 80ha tại xã An Nhơn.

Đối với con tôm và cây lúa đều hợp đồng cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm nên đầu ra ổn định. Hiện tại, HTX đã ký hợp đồng với Công ty Hoa Nắng (chuyên kinh doanh lúa gạo xuất khẩu) để bao tiêu sản phẩm lúa ST25 sản xuất theo quy trình hữu cơ với giá 10.500 đồng đến 11.000 đồng/kg.

Ngoài ra, thành viên còn sản xuất theo mô hình lúa sạch với các giống như: Đài Thơm 8, OM 4900, OM 6162, Nàng Keo, Tép Trắng…bán giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg nên hiệu quả khá cao.

Gia đình ông Phan Văn Chí ngụ ấp An Bình (xã An Nhơn) là thành viên của HTX, cho biết trước đây, gia đình ông chỉ làm lúa 1 vụ, còn những tháng mùa nắng thì bỏ không, chẳng thu hoạch được gì. Từ khi tham gia HTX, toàn bộ diện tích gần 1ha được gia đình ông đào đất xung quanh để làm bờ bao và chỉ chừa phần giữa ruộng để trồng lúa, còn lại thì nuôi thủy sản.

Phát huy thế mạnh kinh tế hợp tác

Ông Chí cho biết: “Mô hình lúa - tôm của HTX có tính bền vững do giữa con tôm, cua và cây lúa hỗ trợ cho nhau phát triển. Cả hai sản phẩm thủy sản và lúa đều bảo đảm sạch nên bán được giá cao hơn”.

An Nhơn là một xã thuộc tiểu vùng III của huyện Thạnh Phú, với diện tích tự nhiên hơn 2.500ha. Mô hình lúa - tôm của HTX được xem là hướng đi bền vững cho nông dân nơi đây và đang được xã nhân rộng.

Phát huy thế mạnh của kinh tế hợp tác giúp huyện Thạnh Phú là điểm sáng giảm nghèo bền vững.

Phát huy thế mạnh của kinh tế hợp tác giúp huyện Thạnh Phú là điểm sáng giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, xã An Nhơn còn xây dựng được mô hình sản xuất lúa - tôm hữu cơ, cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Trong xã còn có nhiều mô hình tổ hợp tác trong chăn nuôi như: 10 tổ hợp tác chăn nuôi bò - dê sinh sản, có 176 thành viên tham gia.

Nhờ vào việc phát triển kinh tế hợp tác với những bước tiến vững chắc đã giúp cho An Nhơn là xã có tỷ lệ hộ nghèo ít nhất huyện Thạnh Phú. Đời sống người dân nơi đây ngày một khấm khá, có nhà cửa khang trang.

Bên cạnh hai HTX điển hình nêu trên ở hai xã Thới Thạnh và An Nhơ thì huyện Thạnh Phú còn có nhiều HTX với mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

Đơn cử như HTX dừa Phú Nông áp dụng công nghệ khoa học trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa theo chuỗi giá trị cây dừa. Hay như HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Phong xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm OCOP từ dịch vụ cây xoài (xoài sấy, nước ép xoài…).

Thời gian qua, huyện Thạnh Phú đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình và kế hoạch trọng tâm nhằm tạo động lực cho kinh tế tập thể phát triển bền vững. Nhiều mô hình HTX không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tính ra, toàn huyện Thạnh Phú hiện có 17 HTX đang hoạt động, hơn 1.500 thành viên, và 168 tổ hợp tác với hơn 3.400 tổ viên. Nhờ chú trọng khai thác thế mạnh của kinh tế hợp tác đã giúp huyện này là điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững ở Bến Tre.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thạnh Phú giảm từ 17,08% (năm 2015 ) xuống còn 6,71% (cuối năm 2019), tương đương giảm từ 6.194 hộ nghèo xuống còn 2.350 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,59%/năm. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1.306 hộ nghèo, tỷ lệ 3,39%; hộ cận nghèo 1.454 hộ, tỷ lệ 3,78%. Năm 2023, huyện Thạnh Phú phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,7 - 1%, kéo giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 1,3 - 1,5%.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/vai-lon-cua-htx-dua-thanh-phu-tro-thanh-diem-sang-giam-ngheo-ben-vung-1094073.html