Vải thiều Thanh Hà nâng tầm nhờ khai thác đa giá trị và tiêu thụ đa kênh
Mùa vải năm 2025 của trái vải Thanh Hà (thành phố Hải Phòng) ghi nhận những bước tiến mới trong hành trình nâng tầm thương hiệu và giá trị. Vải được mùa, nông dân đa dạng hóa nguồn thu từ chính vườn vải của mình đã cho thấy những giá trị mới từ cây vải, góp phần đẩy mạnh thương hiệu cho loại trái cây đặc sản này.

Khâu phân loại vải tại nhà máy của Công ty cổ phần Ameii Việt Nam trước khi xuất khẩu.
Nâng tầm thương hiệu và giá trị
Xã Thanh Hà và Hà Đông (thành phố Hải Phòng) là hai địa phương trồng vải thiều Thanh Hà chủ lực. Xã Thanh Hà được thành lâp trên cơ sở hợp nhất xã Thanh Sơn, Thanh Tân, thị trấn Thanh Hà của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cũ. Xã hiện có 1.024,7 ha trồng vải; trong đó, có 250,13 ha diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Hà, năm nay, sản lượng vải của xã đạt trên 15.260 tấn. Giá vải đầu vụ dao động quanh mức 25.000 đồng/kg và giá vải muộn trung bình 12.000 đồng/kg. Bên cạnh tiêu thụ nội địa, trái vải thiều đã và đang được xuất khẩu tới nhiều quốc gia, khu vực.
Còn tại xã Hà Đông - xã được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ xã Thanh Hồng, Vĩnh Cường và Thanh Quang của huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương cũ), niên vụ vải 2025, toàn xã có 2.200 ha trồng vải; trong đó, 90% diện tích là vải sớm.
Theo Ủy ban nhân dân xã Hà Đông, sản lượng vải năm 2025 của xã đạt 20.000 tấn, tăng 2.500 tấn so với vụ vải năm 2024. Năm nay, các hộ nông dân thông qua Hợp tác xã tiêu thụ vải Thanh Hà để ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số công ty và tăng cường tiêu thụ tại các siêu thị nội địa. Cùng với đó, các hộ dân cũng sử dụng mạng xã hội để quảng bá và bán vải. Giá vải sớm đạt từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Địa phương ước tính doanh thu từ vụ vải năm nay đạt khoảng 125 tỷ đồng.
Để thuận lợi cho tiêu thụ, ngay từ đầu vụ, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến đã được chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp, Sở Công Thương tổ chức. Nổi bật là Lễ hội mở vườn và thu hái vải, cắt băng xuất khẩu chuyến vải đầu tiên; ký kết tiêu thụ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản với các hợp tác xã…
Vụ vải thiều năm 2025, một số doanh nghiệp lớn thu mua xuất khẩu vải thiều Thanh Hà như: Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Nhân Hòa. Riêng Công ty TNHH Sản xuất thương mại, dịch vụ Rồng Đỏ ký kết tiêu thụ nhiều nhất với 450 tấn vải. Các doanh nghiệp cam kết thu mua với giá cao hơn 20% so với giá thị trường.

Sơ chế vải thiều sấy khô xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, năm nay, thị trường xuất khẩu của vải thuộc địa bàn xã được mở rộng hơn; trong đó, có các thị trường cao cấp như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại xã Hà Đông, 60% sản lượng vải được tiêu thụ nội địa, khoảng 40% xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Australia…
Một trong những điểm mới thuận lợi cho tiêu thụ vải năm 2025 là hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp. Dự án nâng cấp đường tỉnh 390 đoạn từ cầu Hợp Thanh xuống cầu Quang Thanh; trong đó, có hạng mục cầu Hợp Thanh 2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 29/4. Cầu Hợp Thanh cũ nhỏ hẹp, khó khăn trong lưu thông. Dự án trọng điểm này hoàn thành, đưa vào khai thác trước khi vải vào kỳ thu hoạch giúp các chuyến xe tải, xe container đưa vải Thanh Hà đến với các thị trường trong và ngoài nước lưu thông thuận tiện hơn.
Tiêu thụ đa kênh - trải nghiệm mùa vải chín
Cùng với các kênh tiêu thụ có ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, vụ vải năm 2025 cũng chứng kiến sự thành công của các hộ nông dân khi chủ động đa dạng hóa tìm thị trường. Đặc biệt, nhiều hộ đã quảng bá và tiêu thụ vải qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tiktok. Nhờ đó, vải thiều Thanh Hà tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Gia đình chị Hoàng Thị Ngọc, thôn Lại Xá 3, xã Thanh Hà có 2 mẫu vải. Cách đây 4 năm, gia đình chị thử nghiệm canh tác vải định hướng hữu cơ song song với xây dựng fanpage facebook Vườn ông Chiến để chủ động giới thiệu, tiếp thị và bán vải. Vải vườn ông Chiến trồng theo hướng hữu cơ, dùng thuốc vi sinh để phòng trừ sâu bệnh.

Công đoạn đóng gói vải thiều Thanh Hà xuất khẩu.
Sau 2 năm thử nghiệm, từ năm 2024, gia đình chị đã làm chủ quy trình canh tác và thu được thành công bước đầu. Năm 2025, vườn vải bội thu. Thông tin về vườn và phương pháp canh tác được chia sẻ đều đặn từ 4 năm qua trên fanpage giúp vườn thu hút khách hàng hiệu quả. Vụ vải năm nay, vải vườn ông Chiến đã đến được nhiều tỉnh thành cả ba miền Bắc, Trung, Nam như: Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Vũng Tàu, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh. Về giá bán, giá vải sớm trung bình 25.000 đồng/kg, vải chính vụ giá 20.000 đồng/kg, cao hơn mặt bằng chung. Doanh thu từ vườn vải của gia đình chị năm 2025 khoảng 360 triệu đồng.
Các hộ nông dân không chỉ thành công trong tiêu thụ đa kênh, mà hiệu quả mang lại từ dịch vụ du lịch trải nghiệm mùa vải chín cũng không nhỏ. Mùa vải năm nay, du lịch miệt vườn trải nghiệm hái vải tại các địa phương trồng vải thiều Thanh Hà tiếp tục thu hút đông du khách, vừa mang lại nguồn thu từ dịch vụ vừa góp phần xây dựng thương hiệu cho loại quả đặc sản của địa phương.
Vẻ đẹp riêng có của xứ vải với không gian thanh bình và các món ngon đồng quê hấp dẫn du khách nhiều độ tuổi, nhất là giới trẻ. Du khách thích thú thưởng thức trái vải tươi ngon hái trực tiếp từ vườn, trải nghiệm thu hoạch vải cùng nông dân, tìm hiểu hành trình trái vải được sơ chế, đóng gói để xuất khẩu.
Đến với vườn vải của gia đình chị Phạm Thị Liêm ở khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn (xã Thanh Hà), du khách được trải nghiệm ngồi thuyền trên sông Hương chiêm ngưỡng các vườn vải bạt ngàn, bẻ vải, thưởng thức vải chín tại vườn, chụp ảnh lưu niệm mà còn được thưởng thức các món ẩm thực đồng quê trong khuôn viên vườn vải.
Những năm gần đây, hệ thống giao thông nông thôn được địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp giúp thương lái có thể vào tận vườn thu mua vải và giúp du khách dễ dàng đến tham quan trải nghiệm.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, vụ vải năm 2025, các điểm đến như: khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn, khu du lịch sinh thái sông Hương, khu vực cây vải Tổ ước đón khoảng 8.500 du khách. Lãnh đạo xã Thanh Hà khẳng định: “Du lịch sinh thái vùng vải thiều đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, tạo nguồn thu nhập mới cho người dân, cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ địa phương. Hướng đi này cũng giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - sinh thái của địa phương”.