Vai trò chính quyền kiến tạo thể hiện rõ nét ở Đồng Tháp

Kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp 6 tháng đầu năm 2023 đạt nhiều thành tựu. Vai trò kiến tạo của chính quyền địa phương được thể hiện rõ nét qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chụp hình lưu niệm với đoàn doanh nhân, nhà đầu tư Ấn Độ tại Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chụp hình lưu niệm với đoàn doanh nhân, nhà đầu tư Ấn Độ tại Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp

Nhiều điểm sáng

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X diễn ra mới đây, ông Phan Văn Thắng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp nhận định, trong bối cảnh tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục phát triển ổn định, đạt kết quả khá trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 5,89%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước 2,06% (6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,83%).

“Vai trò kiến tạo của chính quyền địa phương được thể hiện rõ nét qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người lao động từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyển biến tích cực, khởi sắc”, ông Thắng đánh giá.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ, sớm nhận diện những khó khăn, thách thức khi tình hình quốc tế có nhiều diễn biến bất lợi, nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm, sức mua yếu, dẫn đến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, trong đó có những mặt hàng chủ lực của Đồng Tháp, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm.

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đã có bước phát triển khá toàn diện, vững chắc. Từ một địa phương thuần nông, trở thành điểm sáng của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. PCI của tỉnh nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc trong 15 năm liên tục. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Đồng Tháp đã từng bước nâng cao chất lượng sống của nhân dân bằng sự kết hợp hài hòa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

(Trích phát biểu của Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Đồng Tháp ngày 17/7/2023)

Thứ nhất, kinh tế phục hồi và tiếp tục phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng của Đồng Tháp ước đạt 5,89%, xếp thứ 6 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy kinh tế đang phục hồi và phát triển ổn định trên cả 3 khu vực.

Điểm sáng nhất là lĩnh vực nông nghiệp, tăng trưởng 5,38% nhờ vụ lúa đông xuân đạt năng suất cao. Nuôi trồng thủy sản dù gặp khó nhưng vẫn duy trì tăng trưởng khá.

Ngành du lịch phục hồi và phát triển khá nhanh. Nhiều hoạt động thúc đẩy du lịch được tổ chức như lễ hội, diễn đàn, sự kiện văn hóa, du lịch, thương mại. Bên cạnh đó, các khu di tích, điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, mở các sản phẩm du lịch mới… Ước tính trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh thu hút 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,99% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 65,79% kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 61,11% kế hoạch năm.

Ngành xây dựng mặc dù gặp nhiều khó khăn nội tại, nhưng đã phấn đấu đạt mức tăng trưởng khá, với 7,23%.

Thứ hai, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, ngày càng thông thoáng hơn, theo chủ trương "đồng hành với doanh nghiệp". Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế tiếp tục được triển khai, tạo thêm nhiều triển vọng, cơ hội cho hoạt động kinh doanh - đầu tư của doanh nghiệp, người dân, kích thích khu vực kinh tế tư nhân phát triển và gia tăng đóng góp trong GRDP.

Đến nay, Đồng Tháp có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Đáng ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, dù nền kinh tế gặp nhiều bất lợi, Đồng Tháp vẫn có thêm 325 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.930 tỷ đồng.

Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai tích cực, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, có 10 dự án được chấp thuận về chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, quy mô tổng vốn cao gấp 4,8 lần so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, sức mua hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 13,14% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương, quảng bá sản phẩm, nhất là kết nối tiêu thụ nông sản được tổ chức như: Lễ hội xoài Đồng Tháp năm 2023, Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023. Đây được xem là lối mở cho mặt hàng nông sản và thu hút đầu tư của Đồng Tháp nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư. Tỉnh đang tập trung triển khai 23 dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn. Các công trình đang được Trung ương và tỉnh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ như: cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn I), cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (giai đoạn I), nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ, tuyến tránh Quốc lộ 30 - TP. Cao Lãnh.

Với quan điểm xem đầu tư công là động lực chính để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, Đồng Tháp đã tập trung chỉ đạo với những giải pháp kiên quyết. Kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 46,83%, cao hơn 22,08% so với cùng kỳ, cao hơn 22,77% so với mức trung bình của cả nước, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về kết quả giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ tư, các chính sách an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, số lao động được giải quyết việc làm gia tăng.

Lễ hội xoài tại Đồng Tháp là sự kiện thu hút đông đảo du khách tham gia

Lễ hội xoài tại Đồng Tháp là sự kiện thu hút đông đảo du khách tham gia

Kiên định mục tiêu tăng trưởng 7,5%

Tăng trưởng 6 tháng đầu năm của Đồng Tháp tuy cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp so với kế hoạch đặt ra cho năm 2023 là tăng 7,5%.

Dù nhận định còn nhiều khó khăn, thách thức, song UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn kiên định mục tiêu đã đề ra, đó là tiếp tục tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện 13 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 đạt 7,5% trở lên.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp; thường xuyên đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận vốn, ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các chương trình đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới quy trình sản xuất.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án công nghiệp trọng điểm, có vai trò quan trọng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp để sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2023. Củng cố và cải tiến chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, gắn với hỗ trợ khôi phục và phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường kết nối, phát triển thị trường. Tổ chức Festival hoa kiểng Sa Đéc lần I vào cuối năm 2023.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực. Khắc phục điểm yếu, tồn tại. Tập trung triển khai các giải pháp cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023.

Quản lý chặt, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cân đối thu - chi ngân sách. Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án sẽ khởi công mới trong năm 2023. Thúc đẩy công tác giải ngân, nhất là giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh cả năm đạt 100%...

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi có niềm tin vững chắc rằng, với những chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm, cùng sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Đồng Tháp tự tin sẽ phát triển, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu HĐND tỉnh đã đề ra”.

Trúc Giang

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vai-tro-chinh-quyen-kien-tao-the-hien-ro-net-o-dong-thap-d195240.html