Vai trò của báo chí, truyền thông trong giao thương

Báo chí, truyền thông luôn “kề vai sát cánh” trong quá trình bắc nhịp cầu giao thương hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới về thương mại, đầu tư và dịch vụ để đạt đến sự thịnh vượng mong đợi. Việt Nam thành công đáng kể trong mở rộng giao thương trong nước và quốc tế, trong đó cần nhìn nhận cụ thể vai trò báo chí, truyền thông. Bài viết của PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho Mekong ASEAN.

Giao thương được dẫn dắt trực tiếp bởi Chính phủ thông qua chủ trương, chính sách và các quy định để thực hiện mục tiêu phát triển quan hệ đa dạng giữa các quốc gia. Các chủ trương chính sách luôn cần được truyền thông rộng rãi, đầy đủ, kịp thời, chính xác đến doanh nghiệp, công chúng, đối tác quốc tế và các đối tượng hữu quan khác để vừa nâng cao nhận thức, vừa đẩy nhanh quá trình đưa chính sách vào cuộc sống…

Sứ mệnh đó chủ yếu thực hiện thông qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đại chúng của báo chí, truyền thông được phát huy khi những vấn đề chuyên sâu, phức tạp, đa dạng và bao trùm về chính sách, thương mại, đầu tư, dịch vụ được truyền tải với ngôn ngữ thông dụng làm tăng tối đa quy mô độc giả, tối đa hóa tác động lan tỏa thông tin.

Chính sách cần được truyền thông rộng rãi, kịp thời, đầy đủ và chính xác bao nhiêu, vai trò truyền thông của báo chí và phương tiện khác càng gia tăng bấy nhiêu. Thậm chí, báo chí, truyền thông đi trước một bước để thăm dò, định hướng dư luận trước khi ban hành chính sách để tăng tính thực tiễn.

Khi triển khai thực hiện, chính sách được đánh giá mức độ tác động. Việc phản hồi tác động hay phản ứng của đối tượng chịu tác động để hoàn thiện chính sách được báo chí, truyền thông thực hiện. Các ý kiến chỉ ra hạn chế thậm chí "lỗ hổng" chính sách có thể được phát hiện nhờ báo chí, truyền thông từ tình huống thực tế, điển hình, tạo căn cứ hoàn thiện chính sách, tăng tính toàn diện, hiệu năng và hướng đích thực chất của chính sách.

Trong điều kiện tiến bộ vượt bậc công nghệ truyền tin của báo chí, truyền thông, nhất là sự xuất hiện nền tảng trực tuyến, mạng lưới kết nối rộng rãi, trí tuệ nhân tạo, tính kịp thời của thông tin được cải thiện với tốc độ chưa từng có. Điều đó càng phát huy vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông.

Báo chí, truyền thông bao phủ hầu hết lĩnh vực của giao thương cũng như các lĩnh vực liên quan khác như công nghệ, môi trường thúc đẩy phát triển giao thương trong nước và quốc tế. Hàng loạt hiệp định, thỏa thuận về thương mại tự do và đầu tư, diễn đàn, hội thảo, hội nghị, sự kiện kết nối doanh nghiệp, cá nhân và đối tượng hữu quan trong nước và quốc tế đều được truyền thông qua báo chí và phương tiện khác.

Các cam kết quốc tế về thuế, công cụ và biện pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật, ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, công chúng, đối tác về tác động tích cực và tiêu cực này đến các bên liên quan đều được báo chí, truyền thông đưa tin. Đây là cách thức tiết kiệm thời gian và chi phí của đối tượng hữu quan khi tiếp cận thông tin.

Chẳng hạn, quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) và các hiệp định khác cũng như nội dung cơ bản của chúng đều được báo chí, truyền thông đưa tin kịp thời, chi tiết, làm thuận lợi hoạt động nghiên cứu, hoạch định chính sách, doanh nghiệp, công chúng và đối tượng hữu quan tiếp cận nhanh chóng và tin cậy thông tin.

Giao thương để doanh nghiệp tham gia sâu và nối dài chuỗi giá trị, vượt ra ngoài phạm vi nền kinh tế, theo đó, nâng cao giá trị gia tăng từ các nguồn lực bên ngoài đất nước. Doanh nghiệp càng có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi, thậm chí là cơ hội làm chủ được các công đoạn giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi, thì giá trị mang lại cho doanh nghiệp và nền kinh tế càng lớn.

Để tham gia sâu vào chuỗi giá trị, từng khâu hay công đoạn trong chuỗi, cần được cung cấp thông tin đầy đủ như hình thành ý tưởng mới, nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất thử, sản xuất đại trà, marketing và bán hàng và dịch vụ sau bán hàng khác. Cho dù tham gia vào khâu nào, ít hay nhiều, cục bộ hay toàn bộ, doanh nghiệp đều thu được lợi ích.

Thông tin điều tra, khảo sát chuỗi giá trị từng mặt hàng, thị trường, đối tác đầy đủ, tin cậy, được xử lý khoa học và truyền thông phù hợp là căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược và chính sách tham gia sâu chuỗi giá trị theo lộ trình thích hợp.

Việc tham gia sâu của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu góp phần làm tăng giá trị doanh nghiệp, phát huy hiệu quả năng lực, cải thiện hình ảnh doanh nghiệp trên trường quốc tế. Nhiều hợp đồng, dự án, chương trình thương mại và đầu tư trong nước và quốc tế kể cả các hợp đồng quy mô lớn được đàm phán, ký kết thành công nhờ vai trò xúc tác quyết liệt của báo chí, truyền thông.

Báo chí, truyền thống truyền tải thông tin doanh nghiệp đến với công chúng và đối tác trong nước và quốc tế, khách hàng, nhà cung ứng, cải thiện hình ảnh doanh nghiệp, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mới trong nước và quốc tế, theo đó, thu lợi ích theo quy mô.

Những vụ việc giao thương thiếu tuân thủ, vi phạm quy định pháp luật như gian lận, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, rửa tiền, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được báo chí, truyền thông điều tra, phát giác, phanh phui và “công luận hóa” tạo điều kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, công bằng, thượng tôn pháp luật, tăng độ tin cậy của chính sách, giảm chi phí phi chính thức, tham gia đấu tranh chống tham nhũng. Qua đó, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới môi trường kinh doanh thân thiện, liêm chính.

Báo chí, truyền thông với sức mạnh của đội ngũ về trí tuệ sắc sảo, công nghệ và kỹ năng chuyên nghiệp cùng với kết nối chuyên gia rộng rãi, còn đưa ra được các lời tư vấn có giá trị để doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững. Thông tin về đối tác quốc tế được báo chí, truyền thông đưa tin công khai như thông tin về các tập đoàn xuyên quốc gia, thông tin tiến bộ công nghệ, sản phẩm và những tiềm năng thị trường mới tạo động lực mạnh để doanh nghiệp trong nước nâng cao bản lĩnh kinh doanh, sẵn sàng “dấn thân” vào thương trường quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp CEO Tim Cook của tập đoàn Apple. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp CEO Tim Cook của tập đoàn Apple. Ảnh: VGP.

Nhiều hình ảnh tập đoàn toàn cầu đã đến với Việt Nam như Apple, Microsoft, Samsung, Huawei, Google…đều được truyền thông rộng rãi thông qua báo chí và phương tiện truyền thông tạo cảm hứng để doanh nghiệp trong nước điều chỉnh chiến lược và tăng cường ý chí vươn lên.

Tàu chở xe Vinfast cập cảng Benicia (California).

Tàu chở xe Vinfast cập cảng Benicia (California).

Hình ảnh của tập đoàn Vingroup, Viettel, FPT, TH True Milk… của Việt Nam ngày càng lan xa ra ngoài biên giới quốc gia cũng có sự đóng góp đáng kể của báo chí, truyền thông trước hết là báo chí, truyền thông đối ngoại.

Giao thương để có kết quả kỳ vọng, cần kết nối giữa các tác nhân chủ chốt như Chính phủ, doanh nghiệp, công chúng, đối tác trong nước và quốc tế. Tất cả các đối tác cần gắn kết chặt chẽ trong hệ sinh thái cùng đồng hành và vận động đồng bộ, thúc đẩy quá trình sáng tạo giá trị mới tối ưu cho đất nước và nhân dân.

Việc kết nối cung- cầu thông tin giao thương là yếu tố then chốt để phát triển hệ sinh thái giao thương. Nguồn thông tin phong phú, đa dạng, nhiều chiều, tin cậy là cơ sở để đa dạng hóa quan hệ giao thương. Thị trường thông tin báo chí, truyền thông toàn cầu tăng nhanh, tăng khả năng tiếp cận thông tin theo các nguyên tắc thị trường của báo chí, truyền thông, hướng đến việc gia tăng giá trị của thông tin.

Các quốc gia xây dựng được hệ sinh thái giao thương phù hợp và hiệu quả dựa trên phát huy vai trò nền tảng và sứ mệnh thông tin báo chí, truyền thông sẽ thúc đẩy giao thương gia tăng vượt mức kỳ vọng.

Đồng thời, với kết nối và lan tỏa thông tin chính sách đến với doanh nghiệp, công chúng, đối tác trong nước và quốc tế, báo chí, truyền thông còn là nền tảng quan trọng phát triển hệ sinh thái giữa các đối tượng hữu quan để hệ sinh thái này hỗ trợ, đồng hành và vận hành đồng bộ, hiệu năng cao, huy động mọi nguồn lực và cố gắng của các tác nhân.

Báo chí, truyền thông làm giảm tình trạng thiếu thông tin của các đối tác, theo đó, giảm thiểu tình trạng bất cân xứng thông tin, khai thác thông tin theo chiều sâu, cải thiện nhận thức của các tác nhân để hành động hợp lý. Sự đồng hành của các tác nhân sẽ tăng cao khi khắc phục sự thiếu thông tin và bất cân xứng thông tin. Báo chí, truyền thông truyền tải thông tin tích cực, khách quan sẽ là công cụ kết nối, đồng hành hiệu quả, tăng lòng tin giữa các chủ thể, hình thành cấu trúc vận hành mới giữa các chủ thể theo hướng hỗ trợ và bổ sung sứ mệnh, thế mạnh cho nhau, giảm thiểu xung đột, sai lệch trong hệ thống, tiết kiệm chi phí xã hội, giảm thiểu chi phí cơ hội.

Các tác nhân sẽ phát huy tối đa vai trò trong hệ sinh thái, theo đó, sự vận hành của hoạt động giao thương sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí, gia tăng cường độ và quy mô giao thương hay góp phần mở rộng quy mô thương mại, đầu tư, dịch vụ, di chuyển công nghệ, tri thức giữa các quốc gia.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cấp cao của Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vai-tro-cua-bao-chi-truyen-thong-trong-giao-thuong-post35915.html