Vai trò của các loại vi chất dinh dưỡng

Vi chất dinh dưỡng (VCDD) là các chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần với một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Những vi chất chủ yếu

Theo ThS. Trịnh Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các vi chất dinh dưỡng tham gia vào việc xây dựng nên các tế bào, các mô, vào các hoạt động hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào, xây dựng nên hệ thống miễn dịch của cơ thể, tham gia vào nhiều cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi các tế bào, các mô tổn thương, là thành phần chủ yếu để tạo ra các hoóc-môn, các dịch tiêu hóa… Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

Có khoảng 90 các vi chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể, bao gồm các vitamin tan trong nước như: nhóm B, C; các vitamin tan trong chất béo như: A, D, E, K và các chất khoáng sắt, kẽm, iode, đồng, mangan, magiê...

Những thực phẩm giàu vi chất

Vi chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm tự nhiên là biện pháp lâu dài và cơ bản, có tính bền vững cao là cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân, sao cho khẩu phần ăn cung cấp đầy đủ, cân đối nhu cầu về mặt dinh dưỡng, trong đó có các vi cất dinh dưỡng. Vi chất dinh dưỡng sẽ được lấy từ khẩu phần ăn đa dạng, có nhiều loại thực phẩm giàu vi chất, căn cứ vào nguồn gốc thực phẩm, ta có thể chia ra loại có nguồn gốc thực vật và loại có nguồn gốc động vật.

Nguồn thực vật: Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) có nhiều trong rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, cải bó xôi, xúp lơ xanh…), trong các loại rau màu xanh sẫm còn có nhiều chất sắt và vitamin C. Hàm lượng vitamin C cao sẽ giúp cho việc hấp thu sắt tốt hơn.

Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), đậu xanh nảy mầm cũng nhiều kẽm và dễ hấp thu. Hàm lượng I-ốt có trong 100 gam của các loại thực phẩm nguồn thực vật như sau: Tảo bẹ (Laminaria) 200mcg; Tảo tía (khô): 1800mcg; rau chân vịt: 164mcg; rau cần 160mcg; cải thảo: 9.8mcg; rau cải xoong 45mcg; khoai tây 4,5mcg;

Nguồn động vật: Vitamin A có nhiều trong các loại gan động vật, lòng đỏ trứng, thịt... ví dụ: trong 100 gam thịt gà có 120 mcg vitamin A; trong 100 gam lợn có 6000 mcg vitamin A; trong 100 gam cá trê có 93 mcg vitamin A; trong 100 gam lòng đỏ trứng gà có 960 mcg vitamin A…); Các loại thịt có màu đỏ có nhiều chất sắt, Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá…

Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Hàm lượng I-ốt có trong 100 gam của các loại thực phẩm nguồn động vật như sau: cá biển, cua biển: 80mcg; trứng gà: 9.7mcg; bầu dục 36,7mcg. Ngoài ra chúng ta cũng cần biết rằng trong 100g muối biển tự nhiên có chứa 2mcg i-ốt; 100g muối ăn có chứa 7600mcg i-ốt; 100g nước mắm có chứa 950mcg i-ốt.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/vai-tro-cua-cac-loai-vi-chat-dinh-duong-31208.html