Vai trò của các quốc gia vùng Vịnh trong việc định hình sự ổn định ở Trung Đông

Bằng cách thúc đẩy đối thoại, hợp tác kinh tế và giải quyết xung đột, các quốc gia vùng Vịnh có thể góp phần xây dựng khu vực Trung Đông ổn định và thịnh vượng hơn.

Rocket được phóng từ Liban vào lãnh thổ Israel ngày 18/10/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN

Rocket được phóng từ Liban vào lãnh thổ Israel ngày 18/10/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trung Đông, khu vực đa dạng về văn hóa, tôn giáo và lịch sử, đang đối mặt với nhiều thách thức và những cuộc xung đột dai dẳng, phức tạp. Bình luận trên tờ Arab News mới đây, Tiến sĩ Turki Faisal Al-Rasheed cho rằng Trung Đông đang ở một tình thế khó khăn, nhưng các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự ổn định và hòa bình. Các quốc gia này hiện không chỉ đối mặt với hậu quả của sự bất ổn trong khu vực, mà còn cần phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bền vững để đảm bảo hòa bình và phát triển.

Sự can thiệp từ bên ngoài và hậu quả

Trung Đông từ lâu đã chịu sự tác động mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và các cường quốc phương Tây khác. Các cuộc can thiệp quân sự, thao túng kinh tế và các cuộc đảo chính được hậu thuẫn từ bên ngoài đã định hình bối cảnh chính trị và an ninh của khu vực này. Cuộc đảo chính tháng 3/1949 ở Syria và việc lật đổ Thủ tướng Iran Mohammed Mosaddegh năm 1953 là hai ví dụ điển hình về những can thiệp trên. Những sự kiện đó đã làm gia tăng căng thẳng và góp phần vào sự bất ổn kéo dài, tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan.

Những tác động tiêu cực đó đã tạo ra một môi trường dễ bị tổn thương, nơi các nhu cầu cơ bản của người dân không được đáp ứng đầy đủ. Trong bối cảnh đó, các quốc gia vùng Vịnh đã phải đối mặt với áp lực lớn trong việc duy trì sự ổn định của chính mình.

Trước tình hình này, các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia, UAE và Qatar phải điều hướng sự cân bằng tinh tế giữa lợi ích quốc gia và động lực khu vực. Căng thẳng đang diễn ra với Iran, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen và hậu quả của cái gọi là Mùa xuân Arab buộc các quốc gia này phải đánh giá lại chính sách đối ngoại và chiến lược an ninh của mình, ưu tiên tính bền vững trong nước hơn là sự phù hợp với chương trình nghị sự của Mỹ.

Có thể nói bất chấp những thách thức hiện nay, tiềm năng hòa bình của khu vực vẫn tồn tại. Những nỗ lực ngoại giao gần đây của Saudi Arabia, bao gồm việc cải thiện quan hệ với Iran và làm trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột khu vực, cho thấy một sự thay đổi có thể hướng tới hợp tác. Ngoài ra, các nước vùng Vịnh ngày càng tập trung vào đa dạng hóa kinh tế và đổi mới công nghệ, có thể đóng vai trò là nền tảng cho sự ổn định trong tương lai.

Cùng với đó, bằng cách thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, các quốc gia này có thể giảm bớt động cơ xung đột và nuôi dưỡng một môi trường thuận lợi cho hòa bình. Việc thiết lập các khuôn khổ khu vực để giải quyết các thách thức chung, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, có thể tăng cường hơn nữa sự hợp tác.

Thách thức tiếp theo và triển vọng

Tuy nhiên, mối đe dọa chiến tranh vẫn còn nghiêm trọng. Nguy cơ xung đột hiện tại leo thang là rất lớn, đặc biệt là nếu những bên chủ chốt như Israel và Iran vẫn tiếp tục đối đầu. Việc gia tăng sức mạnh quân sự và lời lẽ hung hăng giữa các phe phái khác nhau làm dấy lên mối lo ngại về khả năng tính toán sai lầm dẫn đến xung đột rộng hơn.

Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, các nước vùng Vịnh có thể bị cuốn vào các cuộc đối đầu lớn hơn, gây nguy hiểm cho an ninh và sự ổn định kinh tế của họ. Hậu quả của những kịch bản như vậy sẽ vượt ra ngoài khu vực, có khả năng tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu và quan hệ quốc tế. Do đó, vai trò của các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Nga, sẽ rất quan trọng trong việc xác định liệu những xung đột này có thể được kiềm chế hay vượt khỏi tầm kiểm soát hay không.

Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của Trung Đông. Các tổ chức như Liên hợp quốc và các cơ quan khu vực phải tích cực tham gia vào các nỗ lực ngoại giao để hòa giải xung đột và tạo điều kiện cho đối thoại. Luật pháp quốc tế, đặc biệt liên quan đến nhân quyền và các vấn đề nhân đạo, nên định hướng các biện pháp can thiệp và hỗ trợ các giải pháp bền vững.

Thực tế đã cho thấy, việc thiếu hành động quyết đoán để ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo và việc không buộc những bên vi phạm luật pháp quốc tế phải chịu trách nhiệm làm dấy lên mối lo ngại về các khuôn khổ hiện có.

Nhìn về phía trước, số phận của Trung Đông phụ thuộc vào khả năng của các bên trong khu vực và quốc tế trong việc điều hướng sự cân bằng mong manh giữa hòa bình và chiến tranh. Mặc dù các cơ hội cho hòa bình vẫn tồn tại, nhưng chúng đi kèm với những thách thức đáng kể. Mối đe dọa chiến tranh vẫn là mối quan tâm cấp bách, trầm trọng hơn do các cuộc xung đột đang diễn ra và những tác động bên ngoài.

Tóm lại, Trung Đông là một khu vực có nhiều mâu thuẫn sâu sắc, nơi tiềm năng hòa bình song hành với mối đe dọa dai dẳng của chiến tranh. Các quốc gia vùng Vịnh, với tư cách là những nhân tố chủ chốt trong động thái này, có một cơ hội độc nhất để định hình một tương lai ổn định và hòa bình hơn.

Bằng cách thúc đẩy đối thoại, hợp tác kinh tế và giải quyết xung đột, các quốc gia này có thể góp phần xây dựng một khu vực ổn định và thịnh vượng hơn. Sự lựa chọn giữa hòa bình và xung đột giờ đây nằm trong tầm tay của họ, và thời gian để hành động là ngay bây giờ.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo arabnews.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vai-tro-cua-cac-quoc-gia-vung-vinh-trong-viec-dinh-hinh-su-on-dinh-o-trung-dong-20241019130108594.htm