Vai trò của di sản văn hóa đối với an ninh phi truyền thống
An ninh phi truyền thống (ANPTT) là một khái niệm được bàn đến vào khoảng cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI với nhiều quan điểm và các nghiên cứu khác nhau.
Một trong những nội dung được đề cập đến đó là các mối đe dọa ANPTT, trong đó tập trung vào hai nhóm, một là nhóm các quá trình, hiện tượng tự nhiên và xã hội bất lợi đến xã hội như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh truyền nhiễm, di cư bất hợp pháp… Và nhóm thứ hai là nhóm về các hành vi tiêu cực (phạm pháp) do cá nhân hoặc pháp nhân (tổ chức) thực hiện ảnh hưởng bất lợi đến xã hội như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao…; tương ứng còn gọi là tội phạm phi truyền thống.
Thuật ngữ "Di sản văn hóa" (DSVH) được thay đổi đáng kể trong những thập niên gần đây, một phần nhờ vào các tư duy và cách thức của UNESCO đã đưa ra. DSVH không dừng lại ở đền chùa hay tập hợp các đối tượng liên quan. Nó cũng bao gồm các truyền thống hay các hoạt động sống được kế thừa từ tổ tiên chúng ta và truyền lại cho con cháu chúng ta như truyền miệng, nghệ thuật biểu diễn, tập quán xã hội, các nghi lễ, các sự kiện lễ hội, các kiến thức, các hoạt động có liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ hay các kiến thức, kỹ năng để sản xuất đồ thủ công truyền thống. DSVH bao gồm vật thể và phi vật thể, tự nhiên và văn hóa, các tài sản động và bất động sản được kế thừa từ quá khứ. Nó vô cùng giá trị đối với hiện tại và tương lai của cộng đồng.
DSVH và các biểu tượng văn hóa ngày càng trở thành mục tiêu trực tiếp của các cuộc tấn công có chủ ý và có hệ thống của nhóm tội phạm phi truyền thống trong nhiều cuộc xung đột trên khắp thế giới. Văn hóa và bản sắc của các dân tộc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nên việc cố ý phá hủy và chiếm đoạt các DSVH hay các vi phạm quyền văn hóa là những yếu tố làm trầm trọng thêm xung đột vũ trang và là những trở ngại lớn đối với đối thoại, hòa bình và hòa giải. Điều này đặc biệt đúng trong các cuộc xung đột nội bộ của các nhà nước gần đây, thường xảy ra giữa các nhóm dân tộc và tôn giáo.
Tiếp cận, bảo tồn và giáo dục về DSVH là điều cần thiết cho sự tiến hóa và văn hóa của loài người. Và chắc chắn, DSVH đóng vai trò không nhỏ đối với vấn đề an ninh thế giới nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng.
Phá hủy di sản văn hóa như một mối đe dọa an ninh
Hiện nay, DSVH trở thành những mục tiêu của sự tàn phá của những xung đột cả dân sự và quốc tế. Hành động phá hủy DSVH thường gây ra cảm giác "bị sỉ nhục" và sự buộc tội lẫn nhau. Điều này cũng gây ra nhiều sự bất ổn trong mọi mặt của đời sống người dân cũng như việc đe dọa an ninh của quốc gia.
Việc phá hủy và chiếm đoạt DSVH, và cách thức nó tác động đến an ninh con người, quốc gia và quốc tế, phải được coi là một vấn đề quan trọng đối với các nghiên cứu an ninh quốc tế. Sự phá hủy như vậy không chỉ tạo ra những thách thức về an ninh vật chất, mà còn tạo ra sự bất an đáng kể về mặt bản thể học.
Liên hợp quốc công nhận rằng các cuộc tấn công vào DSVH trong chiến tranh có thể hoạt động như một công cụ mạnh mẽ, rằng nó "gieo rắc nỗi kinh hoàng và hận thù, xung đột giữa người sùng đạo và áp đặt các ý thức hệ cực đoan bạo lực"; Liên hợp quốc cũng tuyên bố rằng việc phá hủy DSVH là "xóa ký ức chung của một quốc gia, gây mất ổn định cộng đồng và đe dọa bản sắc văn hóa của họ".
Nói một cách đơn giản, nếu tồn tại các cộng đồng mà bản sắc và ký ức tập thể (tức là "an ninh bản thể học" của họ) gắn liền sâu sắc với các địa điểm, đối tượng hoặc tập quán nhất định (tức là "di sản văn hóa" của họ), thì bất kỳ cuộc tấn công nào vào DSVH này sẽ đe dọa gây mất ổn định an ninh bản thể học của cộng đồng đó.
Trong vô số cuộc xung đột và khủng hoảng trên khắp thế giới, DSVH ngày càng trở thành biểu tượng lớn lao, hầu hết là mục tiêu trực tiếp cho những kẻ hiếu chiến, những người sử dụng sự tàn phá văn hóa như một phương tiện để kích động bạo lực và cưỡng bức biến đổi bản sắc của các dân tộc. Hình ảnh về những vụ phá hủy như vậy - có thể là tượng Phật ở Bamiyan, Afghanistan năm 2001, lăng mộ ở Timbuktu, Mali năm 2012, thành phố ốc đảo cổ kính Palmyra, Syria năm 2015 hay cuộc tấn công Tòa Tháp Đôi ngày 11/9 nhằm vào nước Mỹ - đã để lại những vết sẹo sâu sắc trong ký ức công dân thế giới của chúng ta.
Nhìn nhận di sản văn hóa như là phương tiện đảm bảo cho hòa bình
Với thực tế, DSVH chính là biểu tượng, là đại diện của cuộc sống, linh hồn của người dân, thậm chí ở một góc độ khác DSVH như là một thế giới tâm linh, là tín ngưỡng xuyên suốt lịch sử của họ, là những bậc Thánh Thần mà người dân thờ phụng, thì DSVH đã trở thành một mục tiêu quan trọng và trực tiếp mà các nhóm khủng bố đã nhắm vào. Với ý thức rằng đánh vào DSVH cũng là đánh vào chính bản thân đối tượng mà nhóm khủng bố muốn gây chiến, muốn gây nên các cuộc xung đột thậm chí là để trả thù, kích động bạo loạn.
Mặt khác, bởi DSVH là biểu tượng, là đại diện, là đối tượng của nhóm tội phạm phi truyền thống nên DSVH cũng chính là phương tiện hữu hiệu hay là "phương thuốc đặc trị" đối với các mâu thuẫn xuất phát từ nhóm các tội phạm phi truyền thống. DSVH như là sợi dây kết nối giữa các bên nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy việc đối thoại giữa các nền văn hóa khác nhau và làm nền tảng cho sự phát triển bền vững an ninh quốc gia, trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Xây dựng hòa bình và hợp tác bằng DSVH là một cách tiếp cận mới của châu Âu trong các cuộc giải quyết về xung đột và các cuộc khủng hoảng. Ngày 21/6/2021, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua các kết luận công nhận vai trò then chốt của DSVH trong việc thúc đẩy hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững, cụ thể: "Di sản văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững bằng cách thúc đẩy sự khoan dung, đối thoại giữa các nền văn hóa và giữa các tín ngưỡng và sự hiểu biết lẫn nhau".
Đồng thời, nó cũng có thể được coi là công cụ kích hoạt và nhắm mục tiêu trong các cuộc xung đột. Châu Âu nhấn mạnh "Bảo vệ và phát huy DSVH là nhiệm vụ cấp thiết cho việc duy trì hòa bình và an ninh lâu dài". Và đây là điều mà các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam cần phải tham khảo, nghiên cứu và học hỏi trong công cuộc bảo vệ và duy trì nền hòa bình và an ninh lâu dài của chính mình.
Ngoài ra, EU còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và bảo vệ DSVH như một phần của phương pháp tiếp cận nhạy cảm với xung đột, xuyên suốt tất cả các giai đoạn của xung đột và khủng hoảng, đồng thời là cơ sở để phục hồi bền vững và hòa bình lâu dài. Bảo vệ và giữ gìn DSVH có thể góp phần ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực, chống lại thông tin sai lệch và tạo ra đối thoại tích cực và hòa nhập, cũng như đóng góp vào khả năng phục hồi chung của xã hội.
Bên cạnh đó, việc tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế có liên quan, các tổ chức khu vực, cũng như các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ có liên quan, đồng thời kêu gọi việc bảo vệ và giữ gìn DSVH được lồng ghép vào các công việc của mọi lĩnh vực thuộc Khối Đối ngoại chung và Chính sách Bảo mật là một nhiệm vụ quan trọng.
Việc nhận thức rõ vai trò của DSVH đối với ANPTT sẽ là tiền đề để Việt Nam mau chóng đưa ra các chiến lược và hành động tốt hơn, cụ thể và có giá trị sâu sắc nhằm thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế, hợp tác và duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng không chỉ đối với trong nước mà còn trên phạm vi của khu vực và quốc tế. Như EU đã nhấn mạnh "di sản văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững".