Vai trò của đội ngũ cán bộ là then chốt trong chuyển đổi số
Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư là CSDLQG rất quan trọng, gắn với từng người dân, từng gia đình - tế bào của xã hội. Đây là nền tảng, cơ sở dữ liệu lớn để hình thành công dân số, xã hội số, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính và tạo ra các tiện ích tối đa cho người dân. Để việc ứng dụng CSDLQG đi vào thực chất cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành và sự chuyển đổi mạnh mẽ trong chính đội ngũ cán bộ, công chức.
Định hình hệ sinh thái công dân số
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các ứng dụng của công nghệ đang ngày càng đi vào cuộc sống. Chính phủ kịp thời nắm bắt xu hướng tiến hành đẩy mạnh công tác chuyển đổi số quốc gia (CĐSQG) để tiến đến một nền chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Để thực hiện CĐSQG một cách toàn diện, sâu sắc, Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐSQG giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06/CP).
Hệ thống CSDLQG về dân cư ra đời với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, dữ liệu dân cư "gốc” của toàn bộ công dân Việt Nam. Từ đó là trung gian kết nối cơ sở dữ liệu của các cấp, ngành, địa phương để tạo sự liên thông dữ liệu phục vụ quản lý dân cư bằng phương thức hiện đại, làm căn cứ cho cơ quan Nhà nước khai thác, giúp giảm bớt các giấy tờ, khai báo thông tin, đơn giản hóa các hoạt động hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Tại tỉnh Hòa Bình, đến nay đã hoàn thành thu nhập 928.175/932.161 hồ sơ dữ liệu công dân, đạt 99,6%, là địa phương dẫn đầu toàn quốc về tiêu chí "làm sạch dữ liệu dân cư”. Việc triển khai Đề án 06/CP được tiến hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu đến cuối năm 2022, cơ bản người dân, doanh nghiệp sẽ được cấp số định danh, xác thực điện tử kết nối dịch vụ công quốc gia. CSDLQG về dân cư đã tích hợp 983 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Cổng dịch vụ công tỉnh, cung cấp 621 DVCTT mức độ 3, 1.002 DVCTT mức độ 4 đối với 40 thủ tục hành chính ở các lĩnh vực: Xuất nhập cảnh, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD), đăng ký quản lý con dấu, phòng cháy chữa cháy, đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cung cấp DVCTT mức độ 3 đối với 22 thủ tục hành chính ở các lĩnh vực: Cấp và quản lý căn cước công dân, đăng ký và quản lý phương tiện giao thông đường bộ, phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời mở rộng thu thập dữ liệu dân cư đối với thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiêm chủng, dữ liệu về cán bộ, giáo viên, cấp số định danh cho trẻ em... từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Theo lộ trình, tới đây, các thông tin về giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... tiếp tục được nghiên cứu tích hợp để thực hiện các yêu cầu của người dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cán bộ là gốc rễ của chuyển đổi số
Đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp, quản lý CCCD trực thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội là đơn vị chủ trì tham mưu triển khai Đề án 06/CP của Công an tỉnh. Đây là đầu mối thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư và chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành trên nền tảng DVCTT. Từ khi triển khai dự án CSDLQG về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD, cán bộ, chiến sỹ đơn vị làm việc liên tục, không có ngày nghỉ với phương châm "công dân còn đến thì còn phục vụ”. Trung tá Hà Thu Hiền, Đội trưởng Đội hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp, quản lý CCCD chia sẻ: Xác định CSDLQG về dân cư là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, mang lại lợi ích lớn, thúc đẩy CĐSQG và phát triển KT-XH, từ lãnh đạo, chỉ huy đến cán bộ, chiến sỹ dốc toàn lực, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ. Bởi nếu chậm ngày nào thì người dân sẽ bị ảnh hưởng ngày đó. Quá trình tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân, cán bộ, chiến sỹ luôn nêu cao trách nhiệm, tận tụy với công việc, tận tình hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho người dân. Bên cạnh đó, thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sỹ, nhất là việc ứng dụng công nghệ phục vụ nhiệm vụ theo phương châm "từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài”, "người biết trước hướng dẫn người biết sau”. Mặt khác, lãnh đạo đơn vị cử cán bộ trực tiếp xuống các xã hướng dẫn nghiệp vụ, thao tác trên máy tính để cán bộ cơ sở nắm bắt ngay công việc. Lựa chọn các đơn vị làm tốt để xây dựng điểm, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng các địa bàn khác. Cứ như vậy, mọi quy trình, thủ tục đều được thực hiện thống nhất và xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở.
Theo Đại tá Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cán bộ là gốc của mọi công việc. Nếu cán bộ tốt thì mọi việc sẽ trôi chảy, ngược lại cán bộ yếu kém thì công việc trì trệ, kém hiệu quả. Từ đó gây hậu quả khôn lường đối với nền hành chính công vụ, gây tắc nghẽn giữa các mắt xích, cản trở phát triển và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân. Điều đó đi ngược lại chủ trương của tỉnh là xây dựng chính quyền kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân. Để nâng cao chất lượng công vụ phục vụ chuyển đổi số đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời phải linh hoạt thích ứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới tư duy, không ngừng sáng tạo để kiến tạo, phát triển. Chung tay xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước…
Bên cạnh đó cần có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì sự phát triển của địa phương, tạo động lực để mỗi cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ Nhân dân. Có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo môi trường để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững KT-XH trong tình hình mới.