Vai trò của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thực hiện các chương trình lồng ghép nhằm từng bước đưa kinh tế tập thể phát triển theo hướng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành liên quan xây dựng mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) giúp hội viên nông dân và Nhân dân liên kết sản xuất nông nghiệp, ngày càng được củng cố và phát triển.

Lao động HTX nông nghiệp Ngọc Thạch chăm sóc cây màu giống.

Lao động HTX nông nghiệp Ngọc Thạch chăm sóc cây màu giống.

Mô hình THT, HTX là bước khởi điểm cho kinh tế tập thể phát triển, việc phối hợp giữa Hội Nông dân với các ngành liên quan của tỉnh chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế tập thể trọng tâm, từ đó hàng năm thành lập trên 100 điểm mô hình kinh tế làm nền tảng xây dựng THT, HTX, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, qua đó thay đổi dần nhận thức, tập quán của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất sản phẩm hàng hóa chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tiến tới nền nông nghiệp xanh.

HTX nông nghiệp Ngọc Thạch, ấp Bông Ven, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang đi vào hoạt động cuối năm 2019 với 10 thành viên là các hộ Khmer, tổng vốn điều lệ 300 triệu đồng, nay đã nâng lên 40 thành viên với tổng vốn điều lệ 600 triệu đồng với hình thức chuyên cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, cây giống, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Ông Thạch Dươne, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Thạch cho biết: với hơn 10 năm học tập, làm việc và nghiên cứu ở lĩnh vực nông nghiệp về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nên ông mạnh dạn phát triển HTX và liên kết vùng sản xuất, tiêu thụ và bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế cho thành viên HTX. Hiện HTX liên kết sản xuất 100ha; trong đó, 50ha trồng lúa, 20ha trồng lúa hữu cơ, 20ha trồng bắp giống, diện tích còn lại trồng rau màu các loại. Ngoài ra, HTX sản xuất gần 0,3ha cây giống các loại cung cấp cho thành viên với giá thấp hơn thị trường nên giảm chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Dươne trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cách quản lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng để đạt năng suất cao; đồng thời, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 20 - 30%. Đối với cây lúa, thành viên đạt lợi nhuận 20 triệu đồng/vụ/ha, cây màu đạt từ 30 - 35 triệu đồng/vụ/ha; cao hơn từ 05 - 10 triệu đồng/vụ/ha so với khi chưa tham gia HTX.

Riêng lúa thương phẩm, HTX cung cấp thị trường gần 1.200 tấn/năm. Vụ lúa hè - thu năm 2023, HTX trồng thử nghiệm 20ha lúa hữu cơ và chuẩn bị thu hoạch. Mô hình thành công mở ra hướng đi mới cho HTX, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện HTX đang hoàn thiện thủ tục cấp mã số vùng trồng cho cây lúa để hướng đến liên kết xuất khẩu.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cụ thể hóa các văn bản từ Nghị quyết số 04, 05, 06, ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp. Đây là giải pháp hình thành các THT hoạt động dưới hình thực Tổ hội nghề nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh hình thành 5.420 tổ với 101.599 hội viên, thành lập 55 Chi hội nghề nghiệp 1.512 thành viên, trong này có 01 Chi hội nông dân 44 hội viên thuộc Khoa Nông nghiệp thủy sản Trường Đại học Trà Vinh, một số Chi hội hoạt động hiệu quả, nâng cấp chuyển dần sang mô hình HTX.

Theo đồng chí Ngô Hene, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: sự hình thành và phát triển tổ kinh tế hợp tác và HTX trong thời gian qua đã huy động được tất cả mọi nguồn lực của hội viên và nông dân, phù hợp với trình độ quản lý sản xuất hiện nay ở mức độ liên kết sản xuất, từng bước liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong hội viên, nông dân cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình qua hình thức hùn vốn, cây giống, con giống để cùng nhau sản xuất thành các loại sản phẩm có chất lượng nhằm tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo giá thỏa thuận với phương châm đôi bên cùng có lợi.

Nhiều THT hình thành các mô hình dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hộ theo hướng bền vững như cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, làm đất, thu hoạch chế biến nông sản; tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định... Chính từ các hoạt động trên của các tổ kinh tế hợp tác đã góp phần tích cực phát triển kinh tế hộ ở địa phương, giải quyết việc làm lao động nhàn rỗi của hội viên nông dân và Nhân dân.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế tập thể, HTX trong hội viên nông dân. Phát huy vai trò của lực lượng trí thức trẻ, cán bộ khoa học - kỹ thuật trẻ được đào tạo, nhiệt huyết tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để lựa chọn bố trí làm chi hội trưởng, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp.

Hướng dẫn và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, xây dựng HTX nông nghiệp, hỗ trợ giúp các HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi theo quy định, khuyến khích HTX ứng dụng khoa học và công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Chú trọng xây dựng mô hình kinh tế theo lĩnh vực, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh nhằm hỗ trợ, hình thành các mô hình kinh tế tập thể, HTX.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/vai-tro-cua-hoi-nong-dan-trong-phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-30987.html