Vai trò của HTXDVNN trong thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng

Trong sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa đã và đang từng bước được đưa vào các công đoạn sản xuất trên đồng ruộng theo hướng đồng bộ, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là ở 2 vụ lúa, trong đó các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) đóng vai trò 'xương sống'.

Xác định, phát triển cơ giới hóa trên đồng ruộng là nhiệm vụ trọng tâm của các HTXDVNN trong giai đoạn hiện nay, nhiều năm qua, HTXDVNN Thi Sơn (Kim Bảng) đã thực hiện cơ giới hóa từ khâu lấy nước, làm đất, đến thu hoạch… Những vụ gần đây, Hội đồng quản trị HTX lựa chọn tiếp tục mở rộng cơ giới hóa vào khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa. Cách đây 3 năm, HTXDVNN Thi Sơn đã tổ chức làm thí điểm sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích 5 ha. Sau đó mở rộng ra toàn cánh đồng mẫu 30 ha bảo đảm gọn vùng, thuận tiện cho máy bay hoạt động. Hiện, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật được triển khai trên 50% diện tích lúa của HTX.

Ông Phạm Huy Hỗ, Phó Giám đốc HTXDVNN Thi Sơn cho biết: Để đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, HTX đã tổ chức tốt từ khâu gieo cấy để bảo đảm cây lúa cùng giống, cùng trà, gọn vùng; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về hiệu quả, lợi ích của áp dụng cơ giới hóa cho bà con nông dân. Do đó, tạo sự đồng thuận trong việc áp dụng các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất, từng bước mở rộng quy mô sản xuất bằng cơ giới…

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Nguyễn Úy (Kim Bảng).

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Nguyễn Úy (Kim Bảng).

Đến thời điểm này, nhiều HTXDVNN trong tỉnh đang tích cực triển khai đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Điển hình như: HTXDVNN Thanh Hà (Thanh Liêm) có diện tích sản xuất trên 400 ha. Những năm gần đây, do chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nhiều lao động nông nghiệp chuyển sang lao động phi nông nghiệp, dẫn đến tình trạng thiếu lao động thời điểm gieo cấy. Để bảo đảm cấy hết diện tích và đúng yêu cầu thời vụ, HTXDVNN Thanh Hà đã tổ chức sản xuất và liên kết với đơn vị dịch vụ thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy. Sau 2 năm thực hiện, diện tích lúa cấy máy tại địa phương đã đạt khoảng 200 ha, chiếm 50% diện tích... Hay như HTXNN Nhân Phúc, xã Phú Phúc (Lý Nhân) xuất phát từ tình trạng lúa cỏ phát sinh, gây hại mạnh trên lúa gieo thẳng, HTX đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, đến thu hoạch trên diện tích 20 ha. Đồng thời, HTXNN Nhân Phúc tổ chức mở rộng mô hình ra phần lớn diện tích lúa trên địa bàn. Do vậy, tại HTXNN Nhân Phúc có trên 80% diện tích lúa (khoảng hơn 100 ha) đã đưa cơ giới hóa vào tất cả các khâu sản xuất. Theo ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTXNN Nhân Phúc, máy móc cơ giới tạo bước đột phá mới trên đồng ruộng. Sản xuất được bảo đảm, nâng cao năng suất, giá trị của cây lúa. Cơ giới hóa sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển trên đồng ruộng của HTX trong thời gian tới.

Có thể nhận thấy rõ vai trò của HTXDVNN trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng ngày càng được khẳng định, nhất là trong công tác tổ chức sản xuất, từ khâu quy hoạch, bố trí đồng ruộng đến lựa chọn vùng sản xuất phù hợp… Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được các HTX quan tâm triển khai hiệu quả tới các hộ xã viên. Do đó, tạo sự đồng bộ cao khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên đồng ruộng. Để vận động, khuyến khích bà con áp dụng mô hình cơ giới hóa, những vụ đầu, các HTX đều hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí dịch vụ để người dân yên tâm sản xuất…

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Cơ giới hóa giúp đem lại nhiều lợi ích cho sản xuất trên đồng ruộng. Khi áp dụng cơ giới vào các khâu sản xuất tạo ra những cánh đồng quy mô rộng cấy cùng giống, cùng trà, thuận tiện cho quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Đồng thời, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị. Cơ giới hóa giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, công lao động cho người dân. Chỉ tính riêng khâu gieo cấy bằng máy hiện nay các địa phương đều đang áp dụng mức giá xung quanh 300 nghìn đồng/sào (tính cả tiền thóc giống). Nếu làm thủ công theo phương pháp tự gieo mạ, cấy tay, trường hợp phải thuê người thì chỉ riêng công cấy khoảng 400 nghìn đồng/sào, người dân vẫn phải mua thóc giống, làm đất gieo mạ, chăm sóc, nhổ mạ... Khâu phun thuốc bảo vệ bằng máy bay điều khiển từ xa, công phun bằng 60 - 70% thực hiện thủ công. Không những vậy, quá trình phun bảo đảm chất lượng, đúng thuốc, đúng liều lượng. Khi phun xong, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được tập trung và thu gom đưa đi xử lý triệt để không gây ô nhiễm môi trường đồng ruộng… Cơ giới hóa còn góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu lao động thời vụ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là gieo cấy và thu hoạch.

Qua đánh giá về hiệu quả kinh tế, lúa sản xuất được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nâng cao giá trị từ 20 – 25% so với ngoài mô hình. Đây là hướng phát triển tất yếu của sản xuất trong giai đoạn mới theo hướng hàng hóa, tập trung.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/vai-tro-cua-htxdvnn-trong-thuc-hien-co-gioi-hoa-tren-dong-ruong-134055.html