Vai trò của người dân trong gìn giữ văn hóa truyền thống ở Như Thanh
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua các cấp, các ngành huyện Như Thanh luôn tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Từ đó, giúp các địa phương trong huyện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Là người Kinh nhưng sinh sống nhiều năm với đồng bào Thái tại thôn Mó 1, xã Cán Khê, ông Lưu Huy Sự rất am hiểu truyền thống văn hóa của dân tộc Thái và đã trăn trở tìm cách gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau. Ông Sự cho biết: “Bà con người Thái trên địa bàn xã hiện vẫn còn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, thể hiện rất rõ trong sinh hoạt hàng ngày, trong lễ hội và trang phục. Người Thái nơi đây có lễ hội Sết Boóc Mạy, là sinh hoạt văn hóa lâu đời, cũng là dịp để cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên địa bàn thể hiện mối quan hệ gắn bó, tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất. Tuy nhiên, theo năm tháng lễ hội bị mai một dần, đến năm 2017 được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, lễ hội được khôi phục, tôi cùng với những người Thái cao tuổi đã tìm tòi nhằm duy trì, bảo tồn và truyền dạy các giá trị truyền thống của lễ hội cho người dân trong thôn. Đến nay lễ hội đã được nhiều người biết đến và tổ chức định kỳ”.
Cùng chung tâm nguyện gìn giữ nghề truyền thống cho thế hệ trẻ, những năm qua ông Vi Trọng Ánh, người có uy tín trong đồng bào dân tôc Thái thôn Mó 1 luôn quan tâm truyền dạy nghề dệt cho người dân trong xã. Ông Ánh tâm sự: “Trong đời sống của người Thái, chúng tôi có nghề dệt trang phục từ lâu đời, nhưng ngày nay lớp trẻ không còn nhiều người biết dệt nữa. Bộ trang phục của dân tộc Thái, nhất là trang phục nữ được làm rất công phu, trang trí các loại hoa văn thể hiện trình độ, khiếu thẩm mỹ tinh tế của đồng bào. Lo sợ nghề truyền thống sẽ bị mai một, nhiều năm qua tôi và một số người cao tuổi đã tích cực bảo tồn và truyền dạy nghề dệt truyền thống cho người dân trong thôn. Ngày nay, các sản phẩm dệt truyền thống của chúng tôi còn là món quà du lịch cho du khách khi đến với Lễ hội Sết Boóc Mạy dịp đầu năm. Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt của người Thái không chỉ góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn đóng góp tích cực trong xây dựng sản phẩm du lịch, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương”.
Những năm qua, cùng với sự chung tay của người dân, huyện Như Thanh đã khôi phục lại nhiều lễ hội mang đậm bản sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện như: Lễ hội Sết Boóc Mạy của người Thái, xã Cán Khê, lễ hội cúng cơm mới của người Mường, xã Phượng Nghi, lễ hội Kin chiêng Boọc mạy của người Thái, xã Xuân Phúc... Cùng với đó, các hủ tục, tệ nạn trong lễ hội như lên đồng, xóc thẻ, gọi hồn sấm trạng, các trò chơi mang hình thức đánh bạc tại các lễ hội đã được giải quyết dứt điểm.
Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh Trịnh Xuân Phòng, cho biết: “Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, các địa phương trong huyện đã thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực, sự đóng góp của người dân trong việc xây dựng và tổ chức khôi phục gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống, qua đó từng bước hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những sai lệch, tiêu cực, có biện pháp giải quyết phù hợp và biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong xây dựng, gìn giữ văn hóa truyền thống.