Vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Ngay sau khi về đích nông thôn mới vào năm 2019, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn) bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tiêu chí để đạt chuẩn tăng cả về số lượng và độ khó, xã đã và đang nỗ lực tìm hướng khắc phục nhằm về đích đúng lộ trình đề ra.

Người dân Bản Pẻn hiến đất và tích cực tham gia thi công đường liên thôn.

Người dân Bản Pẻn hiến đất và tích cực tham gia thi công đường liên thôn.

Năm 2022, sau khi rà soát, xã Dương Quang đề ra mục tiêu phấn đấu đạt 03 tiêu chí gồm: Quy hoạch; Thu nhập và Văn hóa. Cùng với đó, Dương Quang đang dồn lực để hoàn thành xây dựng nông thôn mới cho hai thôn là Bản Bung và Bản Giềng.

Ông Hoàng Văn Bách, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2022, xã được phân bổ gần 1 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Mặc dù tới tháng 10 mới được phân bổ vốn, song xã đã khẩn trương lập hồ sơ, thủ tục và triển khai. Số vốn trên giao được xã đầu tư trọng tâm vào Bản Bung, Bản Giềng và Bản Pẻn với các đầu việc như: Duy tu, nâng cấp 02 đường liên thôn, xây dựng 02 sân thể thao, đầu tư hệ thống bóng điện chiếu sáng và hỗ trợ thiết chế cho nhà văn hóa thôn.

Hoạt động thi công đã được triển khai khẩn trương từ trung tuần tháng 11. Trong quá trình thực hiện, xã làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên người dân đồng thuận cao. Sự đồng thuận, chung tay tích cực của người dân là điểm sáng trong công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tính chất nguồn vốn nông thôn mới có tỷ lệ đối ứng giữa Nhà nước và người dân là 70/30 và không có kinh phí bồi thường GPMB; đối ứng của người dân chủ yếu bằng công lao động và hiến đất. Do vậy, bên cạnh tuyên truyền vận động Nhân dân, cộng đồng dân cư thôn Bản Pẻn còn có sáng kiến đóng góp tiền để hỗ trợ phần nào cho gia đình hiến đất làm đường. Đơn cử khi làm đường vào Bản Pẻn, mặt đường cũ chỉ rộng 1,2 mét. Gia đình ông Nguyễn Duy Khoa đã hiến khoảng 160m2 đất ruộng hai vụ và khoảng 30m2 đất vườn để mở đường thôn đạt chiều rộng 2 mét.

Theo lãnh đạo xã, nếu tới đây các thôn Bản Bung và Bản Giềng đạt chuẩn nông thôn mới, Dương Quang sẽ có 7/9 thôn nông thôn mới. Qua rà soát ba tiêu chí gồm Quy hoạch, Thu nhập và Văn hóa, đến nay xã mới đạt được 2. Tiêu chí Văn hóa mới đang tiệm cận tiêu chuẩn vì tỷ lệ thôn văn hóa 5 năm liên tục chưa đạt. Do đó tính đến hết năm 2022, xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao (các tiêu chí chưa đạt gồm: Giáo dục, Văn hóa, Lao động, Hành chính công, Tiếp cận pháp luật, Môi trường, Chất lượng môi trường sống).

Giai đoạn 2021-2025 số tiêu chí để đạt thôn nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao đều tăng. Các tiêu chí mới bổ sung như Hành chính công (15) và Chất lượng môi trường sống (18) đều không dễ thực hiện đạt, rất cần sự ủng hộ và hưởng ứng của người dân. Vì thế, để đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, xã Dương Quang còn rất nhiều việc phải làm.

Trước tiên, xã cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận ủng hộ bằng những việc làm thiết thực như: Chủ động khai thác tiềm năng nông, lâm nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế; thay đổi tập quán sinh hoạt và sản xuất; xây dựng đời sống văn hóa mới; chung tay cùng chính quyền trong việc hiến đất, đóng góp nhân lực, vật lực xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh…

Đồng thời, xã cần nguồn lực hỗ trợ đầu tư nhiều và sớm hơn nữa của Nhà nước. Lâu nay, việc phân bổ vốn nông thôn mới chậm là thực trạng chung, không chỉ của Dương Quang, mà còn đối với các cấp tỉnh, huyện. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác triển khai thực hiện kế hoạch năm. Vốn rót về vào quý cuối của năm khiến việc thực hiện các bước triển khai cập rập và bị động. Cùng với đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện muộn cũng khiến cơ sở gặp những khó khăn nhất định. Bên cạnh thực hiện các tiêu chí mới, xã cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững./.

Đăng Bách

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/vai-tro-cua-nguoi-dan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-post2941.html