Vai trò của thể chế đối với thực hiện bình đẳng giới trong chính trị ở Việt Nam hiện nay
Thể chế quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Thể chế có tác động thúc đẩy hoặc gây ra rào cản cho việc thực hiện bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong chính trị nói riêng. Do đó, cần có sự xem xét đánh giá tác động từ thể chế đối với thực hiện bình đẳng giới về chính trị để Việt Nam có thể tiếp cận và thực hiện tốt nhất các mục tiêu phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai; nâng cao vai trò của phụ nữ trong tham chính và phát triển đất nước.
Quan hệ giữa thể chế và bình đẳng giới trong chính trị
Giới (Gender) còn gọi là giới xã hội là khái niệm chỉ sự khác biệt giữa nam và nữ về mặt xã hội. Sự khác biệt đó thể hiện trong các mối quan hệ xã hội và tương quan về địa vị giữa nữ giới và nam giới.Tại Việt Nam, Điều 5 Luật Bình đẳng giới (năm 2006) quy định: Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội; Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó(1). Nữ giới và nam giới đều có vị trí như nhau trong xã hội, bình đẳng về quyền cơ bản và về cơ hội phát triển chứ không phụ thuộc vào giới tính, được đóng góp cho quá trình phát triển xã hội cũng như thụ hưởng như nhau những thành tựu của quốc gia trên mọi lĩnh vực. Các lĩnh vực khác nhau của bình đẳng giới được đề cập đến trong Luật Bình đẳng giới (từ Điều 11 đến Điều 18) là: Chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; y tế và gia đình.
Bình đẳng giới về chính trị là việc nam giới và nữ giới có vị trí, vai trò ngang nhau trong điều kiện phát triển năng lực cũng như cơ hội tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị. Luật Bình đẳng giới quy định: nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước; hoạt động xã hội, hoạt động hương ước của cộng đồng; bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, vào các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội...
Thể chế kinh tế - xã hội là hệ thống các quy định gồm: Hiến pháp, các luật, quy định, chế định... nhằm hài hòa các quyền, lợi ích và trách nhiệm của mọi công dân, tổ chức trong xã hội. Thể chế được điều chỉnh thích ứng với những thay đổi của chế độ chính trị, có vai trò quyết định đến sự hình thành và hoạt động của cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành và hành vi ứng xử của con người. Thể chế chính thức là hệ thống các quy định, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước; thể chế phi chính thức là các dư luận xã hội góp phần hình thành đạo đức, lối sống của con người.
Hiện nay, quan điểm chung của nhiều quốc gia là khuyến khích trao quyền và hỗ trợ phụ nữ tham chính nhiều hơn. Tuy nhiên, tăng quyền năng chính trị cho phụ nữ hướng tới bảo đảm bình đẳng giới vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tác động của các yếu tố thể chế trong xã hội. Tác động của thể chế đến thực hiện bình đẳng giới trong chính trị còn được thể hiện ở tỷ lệ đại diện trong bầu cử và chỉ tiêu giới trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý cũng như mức độ dân chủ.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã sớm khẳng định vị trí, vai trò và khả năng to lớn của phụ nữ đối với sự tiến bộ của xã hội; đồng thời, cũng chỉ ra nguồn gốc bất bình đẳng giới. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng chỉ ra các điều kiện, biện pháp để giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ; coi giải phóng phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cuộc cách mạng vô sản.
Tuy không có trước tác bàn riêng về vấn đề giải phóng phụ nữ, song những quan điểm mang tính phương pháp luận và lý luận quan trọng của C. Mác, Ph. Ăng-ghen về vị thế của phụ nữ, lao động và việc làm, áp bức phụ nữ, giải pháp giải phóng phụ nữ,... đã được thể hiện trong nhiều tác phẩm của các ông và được đánh giá có tầm ảnh hưởng lớn đến các tiếp cận lý thuyết, tư tưởng về bình đẳng giới. Ngay từ năm 1844, trong Bản thảo kinh tế - triết học, C. Mác lập luận vị trí của phụ nữ trong xã hội có thể được sử dụng như là một thước đo cho sự phát triển của toàn xã hội khi trích dẫn lại luận điểm nổi tiếng của Phu-ri-ê rằng, trong một xã hội nhất định, trình độ giải phóng của phụ nữ là cái thước tự nhiên dùng để đo sự giải phóng chung(2). Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và bộ Tư bản, các ông đã đề cập đến địa vị của người phụ nữ và ảnh hưởng của máy móc công nghiệp đến đời sống phụ nữ và gia đình của họ. Các ông khẳng định: Chỉ có thể giải phóng phụ nữ khi người phụ nữ có thể tham gia sản xuất trên quy mô xã hội rộng lớn(3).
Kế thừa quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin đánh giá cao vai trò, tiềm năng của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng. Trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, V.I. Lê-nin khẳng định, “không thể nào xây dựng được ngay cả chế độ dân chủ - chứ đừng nói đến chủ nghĩa xã hội, nếu phụ nữ không tham gia vào công tác xã hội, đội dân cảnh, sinh hoạt chính trị...”(4). Một yêu cầu được V.I. Lê-nin đưa ra trong xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa là “hủy bỏ mọi sự hạn chế, không loại trừ một sự hạn chế nào đối với các quyền chính trị của phụ nữ so với các quyền của nam giới... đặc biệt làm cho phụ nữ quan tâm tới chính trị”(5), bởi địa vị của phụ nữ về mặt pháp lý là cái tiêu biểu nhất cho trình độ văn minh. Muốn giải phóng con người và hiện thực hóa quyền con người cần phải dựa trên cơ sở sự giải phóng trước hết về chính trị. Do vậy, thực hiện quyền chính trị cho phụ nữ chính là cơ sở để thực hiện các quyền con người khác của phụ nữ.
Trong các thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, một số quốc gia đã đề cập quan điểm Phụ nữ trong phát triển (WID). Quan điểm này đòi hỏi thu hút sự tham gia của phụ nữ với tư cách là người hưởng thụ và thực hiện các mục tiêu phát triển. Tới những năm 90 của thế kỷ XX, quan điểm này nhấn mạnh sự công bằng giới (Gender Equity) và tăng quyền năng cho phụ nữ để đạt đến bình đẳng giới (Gender Equality) và đòi hỏi xem xét vấn đề giới trên tất cả phương diện. Quan điểm Lồng ghép giới (GM) xuất hiện cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, đưa vấn đề giới vào tất cả các lĩnh vực, như luật pháp, chính sách, khoa học, giáo dục, kinh tế để tiến tới bình đẳng giới một cách toàn diện.
Phụ nữ lãnh đạo và tham chính là một trong những vấn đề giới nổi bật trong thế kỷ XXI. Theo nhiều nhà khoa học chính trị, lãnh đạo nữ thường đưa ra những quyết định theo định hướng sáng tạo, để tạo ra sự ổn định và phát triển chung cho xã hội. Việc nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ cũng như tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, tham gia lãnh đạo, ra quyết định là điều mà tất cả các quốc gia cần quan tâm, hướng tới trong xu thế phát triển bền vững hiện nay.
Tác động của thể chế đến thực hiện bình đẳng giới trong chính trị ở Việt Nam
Quyền bình đẳng nam nữ đã được xác định ngay từ Hiến pháp đầu tiên (năm 1946). Tại Điều 9 quy định: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”. Hiến pháp Việt Nam trong những năm tiếp theo tiếp tục phát triển các nội dung của bình đẳng giới nói chung, trong chính trị nói riêng; thể hiện rõ việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. Hiến pháp năm 2013 hiến định: Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (Khoản 1, Điều 14); không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Khoản 1, 2, Điều 16); nam, nữ bình đẳng về mọi mặt (Điều 26). Cùng với Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội và thực hiện bình đẳng giới, như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Dân số,... Hệ thống luật pháp, chính sách về phụ nữ ngày càng được hoàn thiện, quyền của phụ nữ được khẳng định là động lực quan trọng để phát triển xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới, qua các kỳ Đại hội Đảng và trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, Đảng luôn khẳng định vị thế của phụ nữ Việt Nam. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12-4-1993, của Bộ Chính trị khóa VIII, Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 16-5-1994, của Bộ Chính trị khóa VIII, Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007,của Bộ Chính trị khóa X, Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khẳng định: Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”(6); “Hoàn thiện pháp luật chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện. Nghiên cứu sửa đổi Luật Bình đẳng giới, các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ thống nhất, đáp ứng yêu cầu tình hình mới”(7).
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2011 - 2020) xác định bảy mục tiêu về bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có bình đẳng giới về chính trị. Trong Chỉ tiêu 1, Mục tiêu 1, yêu cầu bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 30% trở lên trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, trong các cấp ủy đảng đạt từ 25% trở lên, hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% - 40% trở lên.
Trong các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, mục tiêu bình đẳng giới không ngừng được bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới được hình thành đồng bộ. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ được thành lập, cùng với Vụ Bình đẳng giới trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ chủ trì, quản lý lĩnh vực này. Hằng năm, Chính phủ có Báo cáo quốc gia về thực hiện bình đẳng giới.
Với sự tác động tích cực từ các yếu tố thể chế chính thức, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về thực hiện bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống các cơ quan chuyên trách về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ được kiện toàn trên cả nước, đặc biệt Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức chính trị rộng lớn dành cho phụ nữ hoạt động vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ, đã có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, phụ nữ đủ tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị. Điều đó góp phần đưa đến chất lượng tham chính của phụ nữ cũng được tăng lên về trình độ và năng lực quản lý.
Chất lượng tham gia của phụ nữ trong các cơ quan Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có xu hướng tăng qua các nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ Đại hội XII, số nữ trong Ban Chấp hành Trung ương là 17/200 (đạt 8,5%); trong Bộ Chính trị là 3/19 (đạt 15,79%, cao nhất trong các kỳ Đại hội).
Về tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021: Ở cấp tỉnh, đầu nhiệm kỳ, lần đầu tiên 4/63 tỉnh có bí thư tỉnh ủy là nữ (các tỉnh Ninh Bình, An Giang, Vĩnh Phúc và Yên Bái); đến nay thêm ba nữ bí thư tỉnh ủy (các tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Nam). Ở cấp huyện, tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ huyện và tương đương bốn nhiệm kỳ gần đây đều tăng: từ 11,68% lên 14,3% (nhiệm kỳ 1995 - 2000 đạt 11,68%; nhiệm kỳ 2000 - 2005 đạt 12,68%; nhiệm kỳ 2010 - 2015 đạt 14,74%; nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt 14,3%). Ở cấp xã, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở qua các nhiệm kỳ gần đây tăng nhanh, từ 18% ở nhiệm kỳ 2010 - 2015 lên 21,5% nhiệm kỳ 2015 - 2020(8). Như vậy, nhiệm kỳ này ghi nhận một số đột phá về vị trí chủ chốt mà phụ nữ Việt Nam được giao trong hệ thống Đảng.
Sự tham gia của phụ nữ trong chính trị còn thể hiện ở kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội: Khóa XI (2002 - 2007), phụ nữ chiếm 27,31% trong tổng số đại biểu Quốc hội; khóa XII (2007 - 2011): 25,76%; khóa XIII (2011 - 2016): 24.4%; khóa XIV (2016 - 2021): 26,7%. Đây là tỷ lệ tương đối cao qua các kỳ bầu cử quốc hội và đã đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan lập pháp cao nhất ở châu Á cũng như trên thế giới (trên 25%)(9).
Trong kỳ bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, ở cả ba cấp, tỷ lệ nữ trúng cử đều tăng: cấp tỉnh/thành phố đạt 26,6%, cấp quận/huyện đạt 27,5%, cấp xã/phường/ thị trấn đạt 26,6% (các con số này ở nhiệm kỳ 2010 - 2015 lần lượt là 25,2%, 24,6% và 21,7%(10)). Đặc biệt, ở một số địa phương, tỷ lệ đạt vượt dự kiến như: Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đạt 43%, Hội đồng nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội đạt gần 45%(11). Đó là những kết quả ghi nhận của công tác cán bộ nữ và sự tăng tỷ lệ nữ trong chính trị thời gian qua dưới tác động thúc đẩy từ yếu tố thể chế trong xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù đã đạt những kết quả rất quan trọng, việc thực hiện bình đẳng giới trong chính trị ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn như: Tỷ lệ đảng viên nữ tăng nhưng so với tỷ lệ đảng viên nam vẫn thấp (chiếm khoảng 1/3); nhiệm kỳ 2016 - 2021 mới có 21/63 đảng bộ có tỷ lệ cấp ủy viên nữ. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân bốn khóa gần đây đều tăng ở các cấp, song chưa đạt mục tiêu đề ra theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011 - 2020 (35% cho nhiệm kỳ khóa XIV); một số chức danh tăng nhưng không phải ở cấp quyết định, chủ yếu là các chức danh cấp phó. Tại các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương, chỉ có 2/22 (chiếm 4,55%) nữ bộ trưởng và tương đương trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 và giảm xuống còn 1/22 bộ trưởng là nữ tại nhiệm kỳ hiện tại 2016 - 2021; nữ thứ trưởng và tương đương là 11/142 (chiếm 7,7%). Tỷ lệ nữ vụ trưởng và tương đương đạt 7,8%, nữ vụ phó và tương đương đạt 13,4%. Tòa án nhân dân tối cao không có nữ lãnh đạo chủ chốt. Trong khối mặt trận và đoàn thể (trừ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chỉ có 4/21 cấp phó là nữ, ko có cấp trưởng là nữ ở các cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc(12).
Nhìn từ chiều cạnh tác động của các thể chế, chúng ta sẽ thấy những rào cản dẫn đến hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong chính trị ở nước ta trong thời gian qua xuất phát từ: 1- Rào cản từ khung chính sách: Một số chính sách, quy định có liên quan đến bình đẳng giới chưa phù hợp đã dẫn tới những hạn chế về điều kiện, cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ, như vấn đề tuổi nghỉ hưu, công tác cán bộ, chính sách nghỉ thai sản, các dịch vụ công hỗ trợ cho phụ nữ làm việc... 2- Rào cản trong công tác cán bộ: Nhiều cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành còn chưa nhận thức đầy đủ công tác cán bộ nữ; gây trở ngại đối với phụ nữ tham gia chính trị; cơ quan có thẩm quyền thiếu quy hoạch, kế hoạch đào tạo, sắp xếp cán bộ nữ. Ở khâu quy hoạch, cán bộ nữ cũng gặp phải những bất lợi, chẳng hạn như thời điểm được quy hoạch rơi vào giai đoạn lập gia đình và sinh con. Thực tế cho thấy, có khoảng trống giữa chính sách và thực thi chính sách đối với cơ hội đào tạo của cán bộ nữ. Một số nghiên cứu ở tuyến tỉnh cho thấy công tác quy hoạch cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý đa phần vẫn đang được thực hiện thụ động và chưa có hiệu quả(13). 3- Rào cản đến từ các yếu tố văn hóa chính trị, truyền thống, định kiến xã hội, từ chính gia đình và bản thân người phụ nữ. Tất cả những yếu tố đó vẫn tồn tại, rất khó để xóa bỏ và vượt qua đối với xã hội và với chính bản thân người phụ nữ.
Một số khuyến nghị thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong chính trị
Để khắc phục những rào cản và hạn chế từ chiều cạnh thể chế trong thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, thực chất các quan điểm của Đảng và Nhà nước đề ra. Các nghị quyết, quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng cần được triển khai ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở.
Nâng cao vai trò của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đặc biệt là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng như các cơ quan, thiết chế xã hội khác nhằm bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và quyền chính trị của phụ nữ ở nước ta. Qua đó, thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính trị và xã hội về vai trò của phụ nữ. Hoàn thiện các yếu tố thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có tác động thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong chính trị của phụ nữ. Yếu tố chính trị bao gồm toàn bộ môi trường chính trị, hệ thống các chuẩn mực chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quá trình tổ chức thực hiện, tác động tới tất cả các chủ thể chính trị và bản thân mỗi công dân. Yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ tạo cơ sở vật chất, tinh thần, trách nhiệm xã hội trong việc Nhà nước bảo đảm thực hiện quyền chính trị của phụ nữ; qua đó giảm khoảng cách giới trên tất cả mọi lĩnh vực, để phụ nữ được trao quyền, ra quyết định ở các cấp lãnh đạo cao hơn. Hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ và bảo đảm thực hiện những cam kết, tuyên bố và luật pháp quốc tế cũng như luật pháp quốc gia về quyền chính trị của phụ nữ. Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để triển khai thực hiện thành công các dự án trọng tâm của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác bình đẳng giới tại Việt Nam.
Cần rà soát, hoàn thiện chính sách về cán bộ nữ: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về đội ngũ cán bộ ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Qua đó cũng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chính trị của phụ nữ, tạo điều kiện tăng số cán bộ nữ có đủ trình độ và năng lực được giới thiệu vào các vị trí nhân sự lãnh đạo và quản lý. Để khắc phục những rào cản, định kiến xã hội, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong chính trị cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân. Bản thân phụ nữ, nhất là phụ nữ ở các vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, còn thiếu tự tin và ít được gia đình ủng hộ, do vậy cần giúp phụ nữ khắc phục, vượt qua tâm lý mặc cảm, tự ti, mạnh dạn phát huy thế mạnh của bản thân. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cần tiến hành theo nhiều hình thức, từ giáo dục đến việc thông qua những sinh hoạt cộng đồng và phải được tiến hành thường xuyên ở mọi cấp, ngành, địa phương./.
------------------------------
(1) Xem: Luật Bình đẳng giới (Hiện hành), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 9
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 20, tr. 361
(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, 1995, t. 21, tr. 241
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 23, tr. 39
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, t. 30, tr. 257
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 163
(7) Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban Bí thư khóa XII, Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, xem: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-21-cttw-ngay-2012018-cua-ban-bi-thu-ve-tiep-tuc-day-manh-cong-tac-phu-nu-trong-tinh-hinh-moi-3978
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2017, tr. 91(9) Nguyễn Thị Tố Uyên: “Thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay”,Tạp chí Lý luận chính trị, số 4-2018, tr. 53
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 90
(11) Xem: Trần Quốc Cường: “Tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước”,http://tcnn.vn/news/detail/37053/Tang_ty_le_phu_nu_tham_gia_lanh_dao_quan_ly_dap_ung_yeu_cau_hoi_nhap_va_phat_trien_dat_nuocall.html (đăng ngày 30-6-2017)
(12) Trần Thị Minh Thi: Bình đẳng giới trong chính trị từ chiều cạnh thể chế, văn hóa và hội nhập quốc tế, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, tr. 136
(13) Trần Thị Minh Thi: “Rào cản thể chế văn hóa đối với sự tham gia chính trị của phụ nữ Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, Số 2-2016, tr. 55.