Vai trò của thương lái trong liên kết bền vững chuỗi giá trị lúa gạo
Các chuyên gia cho rằng cần gắn thương lái vào chuỗi giá trị lúa gạo để cùng doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã (HTX) chia sẻ rủi ro và lợi ích. Lực lượng thương lái có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Theo ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA), thương lái nắm giữ thông tin chi tiết về thời điểm thu hoạch, đội ngũ máy gặt đập liên hợp, ghe thu hoạch lúa và lịch mở, đóng cống thủy lợi. Họ có nguồn lực mạnh về phương tiện vận chuyển, máy móc và tài chính để cung cấp dịch vụ tốt cho doanh nghiệp. Khoảng 60% doanh nghiệp thích mua lúa qua thương lái hơn HTX vì thương lái làm việc nhanh chóng và đáp ứng đúng yêu cầu. Tuy nhiên, cũng có một số thương lái chưa tốt, sử dụng thủ đoạn để ép buộc nông dân.
Ông Hải đề xuất nên tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện để cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó giảm tình trạng bẻ kèo, nói không với những hành vi thiếu lành mạnh. Đồng thời, cần có chứng chỉ hành nghề hoặc giải pháp khác để phân biệt thương lái tốt và chưa tốt. Khi địa phương phối hợp với thương lái tốt, họ sẽ trở thành lực lượng giúp Nhà nước quản lý hiệu quả và linh hoạt hơn trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Ông Võ Quốc Trung, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cũng đề cao vai trò của thương lái khi 2,1 triệu tấn lúa ở địa phương được tiêu thụ phần lớn nhờ vào lực lượng này. Ông Trung cũng cho rằng một khi vị thế thương lái tiềm năng trong vùng có khả năng kết nối với doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu lúa gạo được quan tâm hỗ trợ đúng mức, cùng với việc củng cố lực lượng môi giới trung gian đủ uy tín ở địa phương gắn kết với nguồn lực của tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là động lực thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo phát triển ổn định, đáp ứng tiêu chí Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (viết tắt là Đề án 1 triệu ha lúa).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng đồng tình với quan điểm liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo thì không thể thiếu được thành phần thương lái. Bởi đây là nguồn cung cấp thông tin về giống lúa, sản lượng, giá cả cho DN. Điều này rất có ý nghĩa để thúc đẩy nhanh chuỗi sản xuất và tiêu thụ, mang lại lợi ích cho nông dân. Hiện nay vướng mắc phần lớn của thương lái là hợp đồng miệng với các HTX. Đó là hợp đồng phi chính thức, không được công nhận. Bộ NN&PTNT cũng đang trong quá trình tiếp thu ý kiến, đề xuất từ các bên để chỉnh sửa, bổ sung, cụ thể hóa bằng cơ chế, cơ sở pháp lý trong nghị định.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho rằng muốn cho liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo chặt chẽ thì bắt buộc phải chia sẻ lợi ích từ lúc sản xuất bắt đầu hay còn gọi hợp tác ngay từ đầu vụ. Bên cạnh đó là khuyến khích liên kết giữa DN, HTX và nông dân từ khâu sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp yêu cầu thị trường để có giá bán cao và giảm chi phí sản xuất cho nông dân, hạn chế bẻ kèo.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ) nhấn mạnh việc liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo đã nói nhiều nhưng chưa chặt chẽ. Vì cả DN, thương lái hay nông dân ai cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ đề xuất các bên tham gia trong chuỗi cần chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro và tạo lòng tin với nhau. Điều này cần có cơ chế để DN gắn kết với thương lái và nông dân. Đồng thời, mỗi DN cần gắn kết với lực lượng thương lái, xem họ là cánh tay nối dài.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo là một “nút thắt cổ chai”. Vì liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa DN và HTX chỉ khoảng 37%, còn lại là qua các kênh khác (thương lái chiếm 49,5% - PV). Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có đề cập đến việc đưa Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và VIETRISA cùng hợp tác để làm chuỗi liên kết nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung và trong đó có Đề án 1 triệu ha.