Vai trò của tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa
Chiều 23/4, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh mới'.

Toàn cảnh Hội thảo "Tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh mới".
Hội thảo tập trung vào hai nhóm nội dung chính là nhận diện hệ giá trị của tôn giáo và vai trò của tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay.
Gần 40 tham luận và các ý kiến phát biểu tại hội thảo cho thấy, ở Việt Nam, hệ giá trị quốc gia được xác lập qua các triều đại đều chủ trương yêu chuộng hòa bình, khoan dung, đức trị, lấy dân làm gốc. Trong hệ giá trị này, tôn giáo đã góp phần không nhỏ. Các triều đại Lý-Trần ở Việt Nam (thế kỷ XI-XV) được đánh giá là phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến vì đã tôn vinh Nho-Phật-Đạo, nhiều bậc danh tăng được trọng dụng. Các nhà vua đã sử dụng tư tưởng “lục hòa”, thuyết tứ vô lượng tâm (từ-bi-hỉ-xả) của Phật giáo trong ứng xử chính trị, góp phần quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Theo các đại biểu, hệ giá trị quốc gia nêu trên đúng với cả thời đại ngày nay.
Khi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đóng vai trò chủ đạo thì các học thuyết, triết thuyết tôn giáo tuy khác biệt về hệ tư tưởng nhưng vẫn được tôn trọng và tạo điều kiện phát triển. Các giá trị văn hóa tôn giáo đã góp phần tạo nên và làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất, giàu tính nhân văn. Dấu ấn của hệ giá trị văn hóa tôn giáo thể hiện rõ trong nền văn hóa dân tộc, cả văn hóa vật thể và phi vật thể.
Hội thảo cũng nhấn mạnh việc văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định giá trị văn hóa tôn giáo khi yêu cầu phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Từ đó, đại biểu cho rằng, tôn giáo cần tiếp tục thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”; phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.