Vai trò mũi nhọn của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số
Phát biểu tại diễn đàn Khoa học Sinh viên Quốc tế lần thứ 7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Đức Anh kỳ vọng thế hệ trẻ tích cực nghiên cứu, học hỏi, dẫn dắt đất nước tiến vào thế giới số hóa.
Diễn đàn Khoa học Sinh viên Quốc tế lần thứ 7 diễn ra tại TP.HCM trong ba ngày 6, 7 và 8/10 đã tạo cầu nối để sinh viên Việt Nam và quốc tế được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề học thuật, sáng tạo, khoa học, nâng cao tinh thần hữu nghị và đã để lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh về nhận thức vai trò, vị trí của thanh niên và sinh viên trong chuyển đổi số là một việc rất quan trọng.
“Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số đối với mỗi quốc gia, địa phương trước mắt là kỹ năng số của người dân, sau đó là thói quen và văn hóa sống trong môi trường số. Với sinh viên, thanh niên, các bạn có điều kiện để tiếp cận và ứng dụng công nghệ nhanh chóng hơn các thế hệ đi trước. Các bạn là tương lai của đất nước, là những người dẫn dắt chúng ta vào thế giới số hóa. Sự sáng tạo, nhiệt huyết và kiến thức của các bạn sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn và thách thức", ông Đức khẳng định.
Điểm nhấn tại Diễn đàn Khoa học Sinh viên Quốc tế là sự góp mặt của 100 đại biểu ưu tú được ban tổ chức xét chọn, đại diện cho 37 trường đại học ở 10 quốc gia, gồm Campuchia (5), Ấn Độ (1), Indonesia (20), Lào (2), Malaysia (5), Myanmar (1), Philippines (18), Singapore (2), Thái Lan (8), Việt Nam (38).
Theo chị Trần Thu Hà - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM, việc tham gia diễn đàn chính là cơ hội để sinh viên Việt Nam được mở rộng kết nối với các đường đại học trong khu vực, đồng thời trao đổi kiến thức học thuật, văn hóa, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ giao tiếp.
Chia sẻ quan điểm về chuyển đổi số, nhóm sinh viên đến từ Philippines cho rằng ngoài những lợi ích nâng cao tiện nghi đời sống xã hội, xu hướng này vẫn tiềm ẩn nhiều hệ lụy đáng quan ngại, đặc biệt là đến môi trường.
“Quá trình chuyển đổi số càng được đẩy nhanh sẽ dẫn đến lượng chất thải điện tử, những thiết bị điện tử bị loại bỏ, thải ra môi trường ngày càng tăng. Nguy cơ ô nhiễm môi trường rất đáng lưu tâm.
Ngoài ra chuyển đổi số cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các cuộc tấn công mạng. Do đó, chúng tôi muốn thảo luận về những hệ lụy này để chúng ta sớm nhận biết, đề phòng, đồng thời tối ưu hóa những lợi ích mà thế giới số mang lại", Đại biểu Dianne C. Sherry (đoàn Phillipines) chia sẻ.
Nhắn nhủ đến 100 đại biểu, ông Dương Đức Anh mong muốn tất cả sinh viên hãy trở thành chủ thể tích cực trong công cuộc chuyển đổi số của mỗi quốc gia, giúp đất nước phát triển thịnh vượng trong thời đại số hóa.