Vai trò quân sự của Nhật Bản tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Trong cuộc trao đổi với The Diplomat, học giả Robert Ward* đã đưa ra những nhận định về vai trò quân sự hiện nay của Nhật Bản tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng
Sách Trắng thường niên năm 2021 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì 4 lý do.
Thứ nhất là việc tài liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tại Eo biển Đài Loan và mối liên hệ với an ninh của chính Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên điều này được đề cập trong Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Thứ hai là sự tập trung vào mối quan hệ Mỹ-Trung, trong đó Bộ Quốc phòng Nhật Bản lưu ý rằng, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung hiện là một bối cảnh quan trọng cho chính sách quốc phòng của xứ sở hoa anh đào.
Thứ ba là sự nhấn mạnh về việc mở rộng các mối quan hệ đối tác an ninh của Nhật Bản vượt ra ngoài khu vực và cả Mỹ, theo đó bao gồm Canada, Pháp và Anh.
Thứ tư là sự tập trung nhiều hơn vào nhu cầu đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) của Nhật Bản với các công nghệ tiên tiến.
Trong bản tóm tắt nội dung Sách Trắng 2021 bằng tiếng Anh, từ “nghiên cứu” được đề cập tới 17 lần, so với chỉ 2 lần trong phiên bản năm 2020.
Cũng không thể không lưu ý tới trang bìa đặc biệt của Sách Trắng quốc phòng 2021. Khác biệt rõ rệt với những trang bìa trừu tượng của các năm về trước, bìa Sách Trắng năm nay là một bức vẽ bằng màu đậm hình một chiến binh Samurai đang cưỡi trên một con ngựa chiến mạnh mẽ.
Đây là một phần trong nỗ lực của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhằm thu hút sự quan tâm của các độc giả trẻ tuổi hơn nhằm đẩy mạnh việc tuyển mộ vào quân đội, đồng thời nhằm khuyến khích sự ủng hộ dành cho các sáng kiến chính sách của Bộ Quốc phòng.
Thúc đẩy vai trò quân sự
Vai trò quân sự của Nhật Bản bị hạn chế bởi “hiến pháp hòa bình” của nước này cùng những ràng buộc chính trị ở trong nước.
Mặc dù vậy, Tokyo đã rất tích cực trên nhiều mặt trận khi vừa nỗ lực cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc, vừa đóng một vai trò lớn hơn trong liên minh của Mỹ.
Chẳng hạn, đất nước mặt trời mọc đã mở rộng danh sách các quốc gia mà nước này cùng tiến hành tập trận quân sự chung.
Theo đó, lần đầu tiên chứng kiến cuộc tập trận chung với Pháp vào tháng 5 vừa qua ngay trên đất Nhật Bản.
Nước này cũng công khai bày tỏ sự ủng hộ hành trình của Nhóm Tác chiến tàu sân bay của Anh trong khu vực. Số lượng các cuộc tập trận chung của Nhật Bản với Mỹ cũng đã gia tăng.
Quốc gia này còn tập trung vào việc xây dựng năng lực tại Đông Nam Á trên quan điểm là hỗ trợ các quốc gia ven biển củng cố năng lực thực thi luật pháp.
Đối thoại An ninh Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) cũng đang ngày càng có động lực hơn, phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn vào các mối liên minh cùng chí hướng của chính quyền Tổng thống Biden, cũng như sự tích cực trở lại của Ấn Độ sau những căng thẳng trong quan hệ của nước này với Trung Quốc.
Động lực này được thể hiện trong cuộc tập trận Malabar 2020, với lần đầu tiên có sự tham gia của Australia, bên cạnh Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ.
Động lực này cũng kéo theo sự mở rộng các hoạt động của Bộ tứ khi không chỉ còn bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung, mà lan sang cả các lĩnh vực như an ninh kinh tế, chẳng hạn như chuỗi cung ứng, vấn đề biến đổi khí hậu và phân bổ vaccine.
Đối với Nhật Bản, Bộ tứ là một môi trường quan trọng để nước này củng cố sự ủng hộ dành cho trật tự dựa trên các quy tắc trong khuôn khổ tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Ưu tiên chiến lược trong quan hệ Mỹ-Nhật
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden coi Nhật Bản là một bên đối thoại quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Suga Yoshihide là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm ông chủ Nhà Trắng sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Ngoài việc Washington hối thúc Tokyo "đóng góp nhiều hơn" trong liên minh an ninh song phương, chính quyền của ông Biden có hai ưu tiên chiến lược chính trong quan hệ Mỹ-Nhật:
Đầu tiên là đảm bảo sự đóng góp của Tokyo vào nỗ lực đẩy mạnh an ninh kinh tế của Washington.
Yếu tố công nghệ cao trong nỗ lực này đặc biệt quan trọng, do Mỹ lo ngại về ảnh hưởng của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei trong các hệ thống 5G toàn cầu và về tham vọng của Bắc Kinh trở thành một nhà thiết lập quy tắc công nghệ.
Thứ hai là tăng cường hợp tác giữa các nước Bộ tứ.
Bất chấp những lợi thế chiến lược của nước đi này, chính quyền của Tổng thống Biden khó có khả năng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận thương mại khổng lồ của khu vực - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Do đó, Bộ tứ là một công cụ quan trọng về mặt chiến lược đối với sự can dự của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ba rủi ro địa chính trị của Nhật Bản
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung gia tăng, ba rủi ro địa chính trị hàng đầu mà Nhật Bản phải đối mặt đều liên quan đến quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Cấp thiết nhất là mối lo ngại của Tokyo về cường độ ngày càng dày đặc của các hoạt động thăm dò quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Bắc Kinh trong thời gian gần đây, đặc biệt là với Luật Hải cảnh (CCG) mới của nước này.
Thứ hai, và liên quan đến vấn đề thứ nhất, là quan ngại của Tokyo về một tình huống bất ngờ xảy ra ở Đài Loan, vì những tác động địa chính trị của nó đến khu vực.
Thứ ba là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Có nhiều ví dụ về điều này, trong đó có việc Bắc Kinh từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế, vốn không công nhận yêu sách “Đường 9 đoạn” của nước này ở Biển Đông, việc nước này củng cố và mở rộng các đảo trên biển, vùng xám và các hoạt động cưỡng chế của đội tàu đánh cá lớn của Trung Quốc trong khu vực.
Sự bất ổn ở Biển Đông là mối đe dọa trực tiếp đối với sự duy trì các tuyến hàng hải của Nhật Bản cũng như của các đồng minh của quốc gia này trong khu vực.
*Ông Robert Ward hiện là Chủ tịch nhóm nghiên cứu về Nhật Bản, đồng thời là Giám đốc mảng Địa Kinh tế và Chiến lược của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.