Vai trò quan trọng của 'Hiến pháp về biển và đại dương' trong tình hình hiện nay

Cách đây 30 năm, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (hay còn gọi là UNCLOS) chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự ra đời của văn kiện quan trọng, được mệnh danh là bản 'Hiến pháp về biển và đại dương', điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương, chiếm hơn 70% bề mặt trái đất.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.

UNCLOS là một hiệp ước quốc tế được tạo ra trong Hội nghị về Luật Biển Liên hợp quốc lần thứ 3 diễn ra từ năm 1973 cho đến năm 1982. Tuy nhiên, công ước này phải qua nhiều lần chỉnh sửa mới chính thức có hiệu lực kể từ ngày 16/11/1994.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm UNCLOS 1982 có hiệu lực, được tổ chức tại Hà Nội sáng 10/12, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho biết, trải qua ba thập kỷ, UNCLOS, được mệnh danh là bản “Hiến pháp về biển và đại dương”, đã hình thành nên một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia dù có biển, không có biển hay gặp bất lợi về mặt địa lý, trong việc sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau.

UNCLOS không chỉ đảm bảo công bằng và bền vững trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển, mà còn đề ra các nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia trong việc bảo vệ môi trường biển, là cầu nối trong việc hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.

Vấn đề nghiên cứu khoa học biển cũng được điều chỉnh một cách hài hòa, cân bằng chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển với nhu cầu hợp tác, yêu cầu gia tăng hiểu biết để có thể quản trị tốt biển và đại dương. UNCLOS cũng đã đặt ra cơ sở vững chắc để xác định các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển, đồng thời quy định cơ chế giải quyết tranh chấp tương đối toàn diện nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan. Phán quyết của các cơ quan tài phán được thành lập theo quy định của UNCLOS cũng góp phần làm sáng tỏ các quy định, bảo đảm tính toàn vẹn cũng như việc thực thi hiệu quả Công ước.

Được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 30 năm UNCLOS có hiệu lực, lễ kỷ niệm có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đại diện các cơ quan quốc tế, đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam cùng nhiều học giả trong và ngoài nước. Đây là dịp nhìn nhận lại giá trị, vai trò của UNCLOS cũng như chặng đường Việt Nam thực thi những quy định của công ước này trong 30 năm qua. Đồng thời, lễ kỷ niệm là cơ hội để các đại biểu, chuyên gia cùng thảo luận về những thách thức mới nổi mà công ước đang phải đối mặt và định hướng cho sự đóng góp của Việt Nam và các nước vào tương lai phát triển của UNCLOS.

Các diễn giả, chuyên gia thảo luận, đánh giá tầm quan trọng của UNCLOS trong bối cảnh hiện nay.

Các diễn giả, chuyên gia thảo luận, đánh giá tầm quan trọng của UNCLOS trong bối cảnh hiện nay.

Tại lễ kỷ niệm cũng diễn ra phiên thảo luận với sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia trong và ngoài nước, tập trung vào các chủ đề: Các giá trị nổi bật của UNCLOS trong 30 năm qua; Sử dụng cơ chế trọng tài trong UNCLOS để giải quyết tranh chấp biển; Vai trò và thực tiễn của Tòa án Luật biển Quốc tế trong việc giải thích và áp dụng UNCLOS; Nghĩa vụ của các quốc gia trong bảo vệ môi trường biển và thích ứng với biến đổi khí hậu hay áp dụng UNCLOS trong giải quyết tranh chấp trên biển của Việt Nam...

Là một quốc gia ven biển, với đường bờ biển dài trên 3.260 km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam luôn nhận thức rõ ràng vai trò và tầm quan trọng của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước. Việc tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS hoàn toàn phù hợp và nhất quán với chủ trương, chính sách của Việt Nam từ trước đến nay.

Trong những năm qua, nhằm thực thi UNCLOS, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển và đại dương, trong đó có Luật biển Việt Nam năm 2012, ban hành các văn bản, chiến lược, kế hoạch xây dựng chính sách phục vụ nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, và vận dụng các quy định trong UNCLOS để xác định các vùng biển và ranh giới biển, quản lý và sử dụng biển.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc giải quyết các vấn đề phân định biển với các nước láng giềng, nổi bật là, cùng với Thái Lan giải quyết vấn đề phân định biển trong Vịnh Thái Lan 1997, Hiệp định phân định biển đầu tiên của ASEAN sau khi UNCLOS có hiệu lực; là nước đầu tiên và duy nhất cho đến nay có Hiệp định phân định biển với Trung Quốc - phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000; cùng với Indonesia giải quyết vấn đề phân định thềm lục địa và sau đó là vùng đặc quyền kinh tế lần lượt vào năm 2003 và năm 2022.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo công ước, đóng góp nhiều sáng kiến nổi bật, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực có liên quan đến biển và đại dương, như tại các tiến trình đại dương và luật biển của Liên hợp quốc.

Duy Tiến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/vai-tro-quan-trong-cua-hien-phap-ve-bien-va-dai-duong-trong-tinh-hinh-hien-nay-i752854/