Vai trò, tầm quan trọng của công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu được trưng bày đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hậu cần và ngành Hậu cần Quân đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức trưng bày chuyên đề “Sức mạnh hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Khu trưng bày giới thiệu khái quát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, Hội đồng cung cấp mặt trận các cấp và Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) đã huy động lực lượng dân công, phương tiện, lương thực, thực phẩm lớn từ đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Trên cơ sở động viên và tổ chức toàn dân làm công tác bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội đồng cung cấp mặt trận đã kết hợp chặt chẽ khả năng bảo đảm hậu cần tại chỗ với hậu cần Trung ương, tạo sức mạnh tổng hợp trong tổ chức bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang, bảo đảm kịp thời, chủ động, đầy đủ trên các địa bàn tác chiến của chiến dịch.
Qua đó, khẳng định đây là một trong những yếu tố quyết định tạo nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; góp phần vào thành công của chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX.
Theo Trung tá Trần Thị Sâm, Phó Giám đốc Bảo tàng Hậu cần (Tổng cục Hậu cần), trong dịp này, Bảo tàng Hậu cần trưng bày gần 300 ảnh, hiện vật, tài liệu quý giới thiệu khái quát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, Hội đồng cung cấp mặt trận và Tổng cục Cung cấp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nội dung trưng bày gồm có 3 phần chính. Trong đó, phần một: Quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phần hai: Bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phần ba: Sức mạnh hậu cần trong Chiến thắng Điện Biên Phủ được tiếp nối và phát huy giá trị trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Trực tiếp tham gia trưng bày, giới thiệu về trưng bày “Sức mạnh hậu cần trong Chiến thắng Điện Biên Phủ”, Trung tá Lưu Thị Vân, nhân viên Bảo tàng Hậu cần cho biết: “Trưng bày mở cửa đón tiếp công chúng từ ngày 26/4/2024 đến hết ngày 7/5/2024. Sau 10 ngày mở cửa, trung bình mỗi ngày, chúng tôi đón tiếp, giới thiệu cho khoảng gần 10.000 lượt khách tham quan. Điều đặc biệt là khách tham quan với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có cả khách là người nước ngoài rất quan tâm”.
Có thể nói, những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu được trưng bày đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hậu cần và ngành Hậu cần Quân đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hoạt động này cũng góp phần cổ vũ, động viên mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động ngành Hậu cần Quân đội và toàn quân tự hào, tiếp bước truyền thống vẻ vang, chung sức, đồng lòng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm kịp thời hậu cần, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản hùng ca bất hủ được trao truyền cho muôn đời sau, nhất là thế hệ trẻ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.