Vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Chiềng Ngần nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong 3 khâu đột phá là 'Phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình cây ăn quả theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và hình thành vùng sản xuất tập trung; mô hình tập trung theo hướng phát triển du lịch cộng đồng'. Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng, nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, thực hiện hiệu quả khâu đột phá.

Ông Cà Văn Yêu, Bí thư Chi bộ bản Phường, xã Chiềng Ngần (đứng giữa) hướng dẫn bà con chăm sóc cây cà phê.

Ông Cà Văn Yêu, Bí thư Chi bộ bản Phường, xã Chiềng Ngần (đứng giữa) hướng dẫn bà con chăm sóc cây cà phê.

Đảng bộ xã có 465 đảng viên sinh hoạt tại 21 chi bộ trực thuộc. Ông Lò Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Ngần, cho biết: Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế; trong đó, xác định tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các chi bộ xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, đảm bảo rõ thời gian hoàn thành.

Xác định rõ nội dung đột phá và đề ra chỉ tiêu cụ thể, phân công giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đã phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nhiều đảng viên trong xã đã có thu nhập cao, từ 100-400 triệu đồng/năm. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của đảng viên Lù Văn Quý, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chiềng Ngần, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh còn tích cực vận động, giúp đỡ về kỹ thuật, cây giống cho nhân dân trong xã phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập tại địa phương.

Anh Quý cho biết: Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, gia đình đã chuyển đổi gần 2 ha đất trồng cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng nhãn, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật, cắt ghép, bón phân, dùng thuốc đúng hướng dẫn, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn quả.

Còn ông Cà Văn Yêu, Bí thư Chi bộ bản Phường, với mô hình 3 ha nhãn, xoài, mận, bưởi và cà phê kết hợp nuôi gà thả vườn, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ông Yêu chia sẻ: Gia đình đang thực hiện chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tạo nguồn phân chuồng bón cho cây ăn quả và cây cà phê theo hướng hữu cơ.

Hiệu ứng từ mô hình kinh tế của cán bộ, đảng viên đã tạo sự lan tỏa để các hộ trong bản, trong xã nhân rộng. Tiêu biểu như bà Quàng Thị Chom, bản Híp, nhờ được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và được tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu; được sự giúp đỡ của các đảng viên, bà đã phát triển trồng 1 ha cà phê; duy trì nuôi 10 con lợn thịt, một con lợn nái; 6 con bò... cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Bà Chom phấn khởi: Cán bộ xã, bản đã tư vấn, hướng dẫn bà con mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện, khả năng của gia đình và cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, Chiềng Ngần đã duy trì 614 ha cây trồng hằng năm; 737 ha cà phê; 1.252 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, có gần 600 ha xoài, trên 330 ha nhãn, 180 ha mận và 15,8 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu tập trung tại bản Phường, Nà Ngần, bản Pát, bản Híp, bản Muông... Chăn nuôi phát triển ổn định, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, toàn xã có trên 2.400 con trâu, bò; 3.000 con lợn, gần 460 con dê, trên 93.000 con gia cầm.

Bên cạnh đó, Đảng bộ xã còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các khu, cụm dịch vụ thương mại; phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch trải nghiệm, như mô hình trồng nho hạ đen trong nhà kính của Công ty cổ phần Thương mại Duy Khánh, quy mô 2.000 gốc nho trên diện tích hơn 5.000 m².

Với lộ trình, bước đi cụ thể, bám sát định hướng và phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, trên địa bàn xã Chiềng Ngần đang dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ; các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/vai-tro-tien-phong-guong-mau-cua-can-bo-dang-vien-trong-phat-trien-kinh-te-p07xZau4R.html