Vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026

Ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia; Quốc hội cũng đã có Nghị quyết lấy Chủ nhật, ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử. Đây là nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia tổ chức tốt các bước, các công việc để ngày bầu cử 23/5/2021 thực sự là ngày hội của toàn dân.

Quang cảnh Phiên họp thứ hai của Hội đồng Bầu cử quốc gia chiều ngày 18/01/2021. Ảnh: Quang Vinh

Quang cảnh Phiên họp thứ hai của Hội đồng Bầu cử quốc gia chiều ngày 18/01/2021. Ảnh: Quang Vinh

Cơ sở chính trị và pháp lý

Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong bầu cử được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (sau đây gọi tắt là Luật Bầu cử), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành luật liên quan. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện "là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước”.

Luật Bầu cử có 98 điều thì có 40 điều quy định về vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử1. Theo đó, nội dung công tác của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong bầu cử bao gồm 6 nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng với cơ quan nhà nước thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp.

Hai là, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ba là, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử.

Bốn là, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử.

Năm là, tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử.

Sáu là, thực hiện quyền giám sát việc bầu cử thông qua việc cử đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc tự mình tổ chức các đoàn giám sát thực hiện các công việc bầu cử.

Việc tổ chức cuộc bầu cử kỳ này có một số thuận lợi: Luật Bầu cử đã được ban hành từ năm 2015, qua thực tiễn bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp. Như vậy, những nội dung lớn liên quan đến bầu cử đã được quy định và hướng dẫn. Tuy nhiên, qua tổng kết bầu cử và thực tiễn đặt ra cũng cần phải hướng dẫn một số nội dung như: Việc phải có số dư khi hiệp thương, về thành phần các hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, về tỷ lệ tín nhiệm không đạt trên 50%... cần phải cụ thể, rõ thêm. Nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung và Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương.

Những công việc Mặt trận Tổ quốc đã và đang chuẩn bị

Tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử

Tổ chức phụ trách bầu cử ở Trung ương: Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, tổ chức phụ trách bầu cử ở Trung ương là Hội đồng bầu cử quốc gia, trong đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia Hội đồng bầu cử quốc gia với vai trò là Phó Chủ tịch; đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia là thành viên Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin tuyên truyền của Hội đồng bầu cử quốc gia; cán bộ cấp vụ tham gia Tổ giúp việc Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc và ban hành Kế hoạch số 204/KH-MTTW-BTT ngày 26/10/2020 thực hiện công tác bầu cử.

Tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương: Theo quy định tại Điều 22, 24, 25 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Ủy ban nhân dân các cấp sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử ở địa phương.

Căn cứ vào cơ cấu, thành phần, số lượng của các tổ chức phụ trách bầu cử tại Điều 21, Điều 22, Điều 24 và Điều 25 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cử đại diện lãnh đạo tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử.

Nghiên cứu, đề xuất ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn, chỉ đạo phục vụ công tác bầu cử

Theo trách nhiệm được pháp luật quy định và Kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang triển khai các công việc sau:

- Chủ trì xây dựng 2 nghị quyết: dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung (hướng dẫn khoản 5 Điều 45, khoản 4 Điều 52, khoản 6 Điều 54 và khoản 2 Điều 92 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân); dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nội dung này đã tập trung trong tháng 11 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 12/2020, hiện đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/1/2021, Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 1186/2021/UBTVQH14 ngày 11/1/2021 Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.

- Đã ban hành 2 Thông tri của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Thông tri hướng dẫn việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và Thông tri hướng dẫn việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chuẩn bị cho việc tổ chức các hội nghị hiệp thương

Theo Điều 38, Điều 39, Điều 43, Điều 44, Điều 48, Điều 49, Điều 50, Điều 53, Điều 56 Luật Bầu cử, Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm phối hợp tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử. Cụ thể như sau: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (trước 95 ngày). Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (trước 65 ngày). Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (trước 45 ngày). Việc thực hiện công tác hiệp thương phải bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng thời gian và đúng các quy định của pháp luật.

Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội

Chuẩn bị nội dung, chương trình các hội nghị của Đảng đoàn, Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch về bầu cử (có lịch cụ thể); Tham gia chuẩn bị dự kiến cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương; Chuẩn bị cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Trung ương; Giới thiệu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhân sự cán bộ chủ chốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), chức sắc tôn giáo để phân bổ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; Chuẩn bị hồ sơ nhân sự người ứng cử của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chuẩn bị các văn bản về nhân sự cho các hội nghị hiệp thương ở Trung ương; Ban hành văn bản đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn nơi có người ứng cử đại biểu Quốc hội do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu cư trú ở địa phương để tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; Theo dõi, tổng hợp số liệu, báo cáo tình hình toàn quốc thực hiện các bước của quy trình hiệp thương.

Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Xây dựng xong các văn bản hướng dẫn và các biểu mẫu trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tiếp nhận và xử lý các báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử cấp tỉnh về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo dõi, tổng hợp số liệu, báo cáo tình hình toàn quốc thực hiện các bước của quy trình hiệp thương. Mặt trận Tổ quốc các cấp căn cứ vào nhiệm vụ, trách nhiệm được pháp luật quy định, các văn bản hướng dẫn về bầu cử chủ động phối hợp với thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tham mưu với cấp ủy để thực hiện các nhiệm vụ về bầu cử.

Xây dựng kế hoạch, lịch trình thực hiện các nội dung công tác bầu cử thuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú theo đúng các văn bản hướng dẫn.

- Xây dựng kế hoạch giám sát, ban hành quyết định thành lập các đoàn giám sát, xây dựng đề cương báo cáo giám sát của các đoàn giám sát, xây dựng các báo cáo giám sát...

- Xây dựng kế hoạch tiếp công dân trong công tác bầu cử. Tiếp công dân về nội dung liên quan đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử.

- Hướng dẫn công tác tuyên truyền bầu cử cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương. Tập hợp dư luận xã hội về công tác bầu cử. Thực hiện các hình thức để tuyên truyền về bầu cử...

Hệ thống hóa các văn bản về bầu cử, biên tập tài liệu, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác bầu cử của Mặt trận Tổ quốc

Biên tập bộ tài liệu phục vụ công tác tham gia tổ chức bầu cử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phối hợp với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chuẩn bị hội nghị tập huấn toàn quốc về bầu cử. Tổ chức hội nghị tập huấn toàn quốc về bầu cử trong hệ thống Mặt trận. In ấn và phát hành bộ tài liệu về công tác bầu cử trong hệ thống Mặt trận. Xây dựng kế hoạch kinh phí bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ công tác bầu cử.

Một số nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử kỳ này

Từ thực tiễn công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua, để góp phần thành công cuộc bầu cử, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, Mặt trận Tổ quốc các cấp bám sát nhiệm vụ được pháp luật quy định và quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động, tích cực tham gia ý kiến vào các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo bầu cử. Xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể. Tổ chức tốt các hội nghị tập huấn để cán bộ Mặt trận nắm vững pháp luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, để các nội dung thực hiện phải đúng luật, tránh sai sót dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

Hai là, trong quá trình tham gia tổ chức bầu cử, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đi đôi với chủ động, trách nhiệm của mỗi cơ quan trong hệ thống chính trị; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan; giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp là điều kiện quan trọng đảm bảo cho Mặt trận và các cơ quan hoàn thành trách nhiệm của mình trong bầu cử.

Ba là, chuẩn bị chu đáo, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng luật các bước trong quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; bảo đảm về tiêu chuẩn đồng thời đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân. Phối hợp với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp, các cơ quan làm tốt việc tuyên truyền, giải quyết những vướng mắc, thắc mắc của người ứng cử, của cử tri; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định. Đây là tiền đề quan trọng, quyết định đến chất lượng đại biểu, thành công của cuộc bầu cử.

Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải phát huy vai trò chủ trì trong việc chuẩn bị, điều hành các hội nghị hiệp thương, tạo điều kiện để các đại biểu tham dự hiệp thương được có đầy đủ thông tin, được trao đổi, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình và có quyết định đúng đắn. Tăng cường các hình thức trao đổi, bàn bạc trong Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp để hội nghị hiệp thương có sự tập trung trí tuệ của các thành viên khối Mặt trận, tăng cường trao đổi dân chủ để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mà pháp luật đã quy định, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Bốn là, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức Công đoàn phối hợp với thủ trưởng cơ quan đơn vị trong tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nơi làm việc, công tác; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phường, thị trấn trong tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để giới thiệu, nhận xét, tín nhiệm người ứng cử trước khi hiệp thương lần thứ ba giới thiệu danh sách người ứng cử. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các ứng viên tham gia bảo đảm số dư theo đơn vị bầu cử. Phát huy vai trò của Mặt trận trong tổ chức các hội nghị để người ứng cử đại biểu vận động tranh cử theo đúng quy định của pháp luật.

Năm là, xây dựng kế hoạch tổng kết, báo cáo tổng kết công tác bầu cử. Theo dõi, tổng hợp số liệu toàn quốc trong quá trình thực hiện các bước hiệp thương và xây dựng báo cáo tổng kết công tác bầu cử. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong bầu cử. Phối hợp chặt chẽ giữa các ban, đơn vị trong các hoạt động bảo đảm phục vụ công tác bầu cử. Xây dựng văn bản hướng dẫn khen thưởng và xét khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bầu cử. Tổ chức hội nghị tổng kết công tác bầu cử. Xây dựng kỷ yếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngô Sách Thực

Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1. Các Điều: 4, 8, 9, 12, 15, 18, 22-25, 36, 38, 39, 41-46, 48, 49, 50, 52-58, 60, 62, 66, 76, 77, 81-85, 90 và 98 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/vai-tro-trach-nhiem-cua-mttq-viet-nam-trong-bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap-nhiem-ky-2021-2026-38261.html