Vài ý kiến về xử lý ùn tắc giao thông và ô nhiễm ở Hà Nội

Hà Nội thủ đô ngàn năm văn hiến luôn là niềm tự hào, hãnh diện của người dân đất Việt. Hà Nội là thành phố văn hóa, thành phố vì hòa bình; là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học; trung tâm kinh tế lớn thứ 2 của Việt Nam.

Giao thông Hà Nội - Ảnh: Internet

Giao thông Hà Nội - Ảnh: Internet

Những năm đổi mới, nhất là sau khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, thủ đô đã lớn mạnh, phát triển không ngừng. Hà Nội là điểm đến của các nguyên thủ quốc gia, nơi tổ chức hội nghị, hội thảo và tham quan du lịch của hàng chục triệu người khắp thế giới. Thành tựu mà Hà Nội đã có được là không thể bàn cãi: vĩ đại và rất to lớn. Tuy nhiên còn quá nhiều điều cần thẳng thắn nhìn nhận, xem xét, điều tra đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan để tìm ra giải pháp, chính sách, dự án, chủ trương… làm cho Hà Nội ngày càng đẹp hơn, lớn hơn, sạch hơn, xanh hơn và phát triển hơn xứng tầm với đất nước 100 triệu dân và ngàn năm văn hiến.

Tôi đã có nhiều lần phát biểu, đề xuất với các nhà lãnh đạo Hà Nội và đất nước. Tôi cũng đã viết thư kiến nghị tới Bí thư, Chủ tịch Hà Nội một vài lần. Họ cũng đã trả lời, tôi đã viết bài trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bản thân tôi cùng các cộng sự cũng đã trực tiếp tham gia một số dự án góp chút nhỏ mọn sức lực, trí tuệ, tài lực cho một số công trình của Thủ đô. Nhưng rất tiếc là sự chuyển biến hình như chưa nhiều ở lĩnh vực môi trường, không gian, không khí, nước sông hồ…, đặc biệt là chất lượng không khí, nếp văn hóa văn minh đô thị, trước hết cho cư dân thủ đô và sau là cho du khách thăm Hà Nội.

Trong bài này, tôi chỉ nhắc lại, đề xuất giải pháp cá nhân tôi về vấn đề nóng giao thông và xử lý ô nhiễm cho Hà Nội.

Giao thông Hà Nội - một vấn đề quá lớn. Đã có không ít dự án, chương trình, chủ trương, chỉ đạo thành nghị quyết, quyết định của mọi cấp, nhưng tình trạng tắc giao thông Hà Nội vẫn thật sự chưa chuyển biến theo hướng tích cực. Thậm chí tình hình càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Với dân số gần 10 triệu người, số lượng hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu ô tô cùng 7 triệu xe máy… là phương tiện giao thông chính đã tạo ra ùn tắc, khói bụi độc hại vô cùng lớn, đáng báo động. Người ta đã tính được các thiệt hại vật chất, tinh thần và sức khỏe do sự lựa chọn phương tiện giao thông cá nhân tại Hà Nội.

Tôi nhắc lại đề xuất cả chục năm trước của mình là: “Cấm xe máy và hạn chế ô tô cá nhân” lưu thông tại thủ đô. Theo tôi, nhiều nước trên thế giới mà tôi có dịp đến đều làm thế. Họ tăng cường phương tiện giao thông công cộng: Tàu điện, xe điện, xe đạp, metro và đi bộ. Tôi cho rằng Hà Nội nên mạnh dạn xây dựng chương trình, ra nghị quyết của HĐND TP, báo cáo chính phủ hoặc Thường vụ Quốc hội về việc cấm xe máy… có lộ trình 10 năm theo nguyên tắc “vết dầu loang", lấy phố cổ và hồ Hoàn Kiếm làm điểm trung tâm, rồi mở rộng ra.

Chương trình cấm này nên kèm theo các chương trình khuyến khích, ưu tiên cho mọi người, mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế kể cả FDI, tham gia đầu tư các phương tiện giao thông cá nhân, công cộng với công nghệ sạch - xanh. Nên giao cho các tập đoàn công nghiệp lớn như Vingroup, Vietel, FPT, CMC, Thaco, Dầu khí… đầu tư ô tô, xe điện cũng như các cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông nội đô. Chính phủ và chính quyền Hà Nội cần có cơ chế ưu đãi như vốn vay, lãi suất, thuế GTGT, thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ và thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi như với công nghệ cao… Đồng thời cần quyết liệt đưa các trường đại học - cao đẳng, các nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội thành (việc này đã triển khai hơn 20 năm mà chưa có kết quả).

Song song với đó là quy hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông tĩnh, kết hợp tuyên truyền, giáo dục, thưởng phạt công minh, đặc biệt cần xử lý nghiêm khắc đối với người và phương tiện vi phạm. Khuyến khích "văn hóa đi bộ” của mọi người. Điều này sẽ khiến đường sá thông thoáng, tạo sự an toàn giao thông, nâng cao sức khỏe cộng đồng, làm hài lòng khách du lịch tới thủ đô...

Năm 2003, khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, tôi đã mạnh dạn chỉ đạo triển khai dự án ô tô buýt từ Buôn Ma Thuột xuống các xã và tới Gia Nghĩa, là tuyến xe buýt dài cả trăm cây số đầu tiên của cả nước và đã thành công. Từ thực tế ấy, tôi tin Hà Nội làm được và cũng sẽ thành công. Tất nhiên ban đầu sẽ có những ý kiến phản đối, không đồng tình. Điều đó là tất nhiên khi ta thay đổi thói quen, nếp sống bao đời nay, nhất là ở Hà Nội "đất chật người đông". Nhưng khó mấy cũng phải làm thì mới có thể giải bài toán giao thông thông thoáng văn minh cho Hà Nội.

Vấn đề ô nhiễm môi trường. Về chất lượng không khí, các nhà khoa học đã nói, đã nêu quá nhiều rồi. Theo tôi, trước hết nếu ta giải quyết được việc cấm xe máy và hạn chế xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch theo kế hoạch, lộ trình đã định thì lượng khí thải và nhiệt độ tỏa ra từ hàng triệu xe cộ kia giảm dần và có thể chấm dứt vào năm 2035.

Xử lý kiên quyết bằng quản lý, quản trị đối với các công trình xây dựng, các phương tiện chở vật liệu, chở rác, chất thải một cách nghiêm túc sẽ giảm đáng kể tình trạng phát thải ô nhiễm ra bầu không khí nội thành. Đối với ngoại thành, cần vận động việc “không đốt rơm rạ” sau mỗi mùa thu hoạch, mà thay vào đó là khuyến khích, tạo điều kiện triển khai công nghệ hiện đại xử lý rơm rạ, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp biến thành năng lượng tái tạo và phân bón, thậm chí làm nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm mới theo chu trình khép kín hữu cơ.

Việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp, rác độc hại cần được tiếp tục mở rộng quy mô, đưa công nghệ mới tiên tiến từ nước ngoài và cả các công nghệ Việt đang có để kết hợp triển khai, làm rốt ráo hơn. Hà Nội đã có các khu xử lý rác lớn ở Sóc Sơn, Xuân Sơn, Xuân Mai… bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, bằng các lò đốt công nghệ với nhiệt độ gần 1.000 độ C. Nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu không chỉ đơn thuần xử lý rác thải, mà là công nghệ “đốt rác phát điện”. Tất nhiên chi phí xử lý rác và giá mua điện phải được đặc biệt ưu đãi. Ở vùng nông thôn ngoại ô thủ đô, nên áp dụng mô hình xử lý rác ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) và những nơi khác đã thực hiện thành công, cho kết quả tốt.

TS Nguyễn Văn Lạng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vai-y-kien-ve-xu-ly-un-tac-giao-thong-va-o-nhiem-o-ha-noi-231960.html