Giúp phụ nữ Tây Nguyên xây dựng kỹ năng và tự tin làm nông nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế
Cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích nhằm thay đổi nhận thức của phụ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ nông dân, chương trình She Feeds the World - Tôi Vui Gieo tại Việt Nam đã hỗ trợ hơn 8.000 người tiếp cận và áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, cải thiện sinh kế.

Phụ nữ khu vực Tây Nguyên được cung cấp kiến thức, thông tin, xây dựng kỹ năng và sự tự tin trong thực hành nông nghiệp bền vững
Thay đổi xanh cho đời lành
Đến xã Ea Mdróh, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, gặp chị Đàm Thị Phương, có thể cảm nhận được niềm vui của người phụ nữ nông dân chất phác này khi được tham gia vào nhóm sinh kế trồng rau sau nhiều năm làm nông nghiệp. Tham gia vào nhóm sinh kế trồng rau của dự án Tôi Vui Gieo từ đầu năm 2024, chị Phương mạnh dạn đăng ký làm mô hình điểm và đã vay từ quỹ của nhóm để đầu tư giống, hệ thống tưới phun sương và vật tư. Đây là động lực để chị thay đổi cách canh tác cây trồng
Chị Phương chia sẻ, từ một người nông dân phụ thuộc vào các sản phẩm phân bón vô cơ, chị đang dần thay thế bằng chế phẩm vi sinh bản địa (IMO) và phân bón hữu cơ cho vườn rau của mình. Qua các buổi tập huấn từ dự án, chị và các thành viên trong nhóm được cung cấp những kiến thức nông nghiệp hoàn toàn mới và hữu ích, không chỉ giúp tiết kiệm, giảm chất hóa học mà còn tốt cho môi trường sống của con người.

Chị Đàm Thị Phương (trái) được cung cấp những kiến thức nông nghiệp hoàn toàn mới, giúp tiết kiệm, giảm chất hóa học trong canh tác
Chị Phương dự định thời gian tới sẽ mở rộng sản xuất rau và thương mại hóa chế phẩm IMO để có thêm nguồn thu nhập và cùng lan tỏa lối canh tác gieo trồng xanh và lành đến với nhiều phụ nữ hơn.
Tự tin biến sở thích thành sinh kế
Tìm kiếm nguồn thu nhập từ trồng nấm tại nhà là mong muốn của chị H' Nối Byă và nhiều chị em phụ nữ ở xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Thế nhưng, ước mơ ấy vẫn chỉ nằm trong suy nghĩ cho đến khi chị H' Nối Byă tham gia dự án Tôi Vui Gieo. Những hỗ trợ nhỏ nhưng kịp thời từ dự án đã giúp chị mạnh dạn bắt đầu hiện thực hóa mong mỏi của mình.
Sau các buổi tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thị trường, chị H'Nối cùng một số chị em trong buôn đã thành lập nhóm trồng nấm. Họ cùng nhau sản xuất, khảo sát thị trường và bán hàng qua mạng xã hội. Nhờ chất lượng tốt và được người tiêu dùng ủng hộ, nấm làm ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí không đủ cung cấp.
Từ 200 bịch phôi nấm ban đầu chị mạnh dạn đầu tư nâng quy mô lên 1.000 bịch. Nhờ đó, chị có thêm hơn 3 triệu đồng thu nhập mỗi tháng. Không chỉ mang lại kinh tế, nấm còn giúp gia đình chị cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Trồng nấm khiến tôi tự tin hơn. Khi chị em đến tận nhà xem tôi tưới và thu hoạch nấm, thấy họ hào hứng, tôi cảm thấy rất tự hào.
Chị H’ Nối Byă, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
Việc trồng nấm còn góp phần bảo vệ môi trường. Những nguyên liệu bỏ đi như rơm rạ, bẹ ngô sau thu hoạch được tận dụng hiệu quả. Đặc biệt, các hộ không trồng nấm cũng có thể bán lại rơm cho các hộ trồng với giá 50.000 đồng/bó, tạo thêm nguồn thu nhập thụ động cho cả buôn làng.
Theo chị H'Nối, trồng nấm không quá phức tạp, phù hợp với cả những người có ít vốn và thời gian. Với nhu cầu tiêu dùng nấm sạch ngày càng cao, đây là sinh kế bền vững và tiềm năng. Hiện chị cũng đang liên kết với nhà hàng để ổn định đầu ra.
Với những nữ nông dân vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió như chị Đàm Thị Phương, chị H'Nối Byă, Dự án Tôi Vui Gieo không chỉ giúp họ được nâng cao kiến thức, kỹ năng, giảm nghèo về thông tin mà còn thay đổi cuộc sống và mở ra cơ hội để họ nhìn thấy tương lai tươi sáng hơn, từ những điều tưởng như nhỏ bé.

Đời sống của chị H' Nối Byă được cải thiện nhờ trồng nấm
Tôi Vui Gieo là một phần của chương trình She Feeds the World toàn cầu. Tại Việt Nam, chương trình được triển khai hiệu quả nhờ sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường - Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (NAEC), CARE và Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) nhằm giải quyết các thách thức mà những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại Tây Nguyên đang gặp phải.
Sáng kiến này đã trao quyền cho nông dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ, giúp họ cải thiện sinh kế bền vững lâu dài.
Ông Bạch Thành Tuấn, Giám đốc CDC Đắk Lắk
Được khởi động vào tháng 9/2022 đến nay, chương trình tập trung vào cung cấp hỗ trợ nhằm giúp phụ nữ xây dựng kỹ năng và sự tự tin trong thực hành nông nghiệp bền vững, tham gia thị trường, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng - từ đó tăng năng suất và thu nhập. Thông qua đào tạo và nâng cao kỹ năng, chương trình không chỉ cung cấp các công cụ cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường.

Nhờ có chương trình, chị em phụ nữ khu vực Tây Nguyên được cung cấp kiến thức, thông tin, xây dựng kỹ năng và sự tự tin trong thực hành nông nghiệp bền vững
Hỗ trợ hơn 8.000 người tiếp cận nguồn lực sản xuất
Tính đến tháng 4/2025, chương trình She Feeds the World tại Việt Nam đã tạo ra những tác động rõ rệt, hỗ trợ hơn 8.000 người tiếp cận và áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, nâng cao quyền kiểm soát, tiếp cận nguồn lực sản xuất và cải thiện khả năng tham gia thị trường.
Thông qua chương trình này, chúng tôi không chỉ tăng năng suất mà còn giúp nông dân tiếp cận thị trường, cải thiện thu nhập, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và tương lai tốt đẹp hơn cho các gia đình.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Chương trình đã góp phần thay đổi phương pháp canh tác thông qua những đổi mới quan trọng như áp dụng công nghệ theo dõi sức khỏe đất, hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước và giải pháp bón phân cải tiến sử dụng phân hữu cơ. Những thay đổi này đã giúp tăng 20% năng suất, giảm 30% việc sử dụng phân bón hóa học và giảm 20% lượng nước tiêu thụ.
Cũng thông qua chương trình, mạng lưới khuyến nông cộng đồng cũng tham gia tích cực tổ chức các khóa đào tạo thực hành, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng tài liệu hướng dẫn về các mô hình chuỗi giá trị nhằm nhân rộng trên toàn quốc.

Nhiều phụ nữ được hỗ trợ, tự tin phát triển kinh tế
Kết quả chương trình cho thấy thu nhập của nông dân đã được cải thiện đáng kể nhờ năng suất cao hơn, khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn và áp dụng kỹ thuật canh tác mới. Một thành tựu nổi bật là chương trình tập trung hỗ trợ nông dân, với hơn 60% người tham gia là phụ nữ. Sáng kiến này đã giúp họ có thêm quyền kiểm soát trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Chương trình đã thúc đẩy vai trò chủ động của phụ nữ trong quá trình sản xuất.
Bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia CARE Việt Nam
Bắt đầu từ thay đổi nhận thức, thói quen, chương trình đã có những đóng góp vào việc cải thiện an ninh lương thực, nâng cao sinh kế cho nông dân quy mô nhỏ và tạo ra những bước tiến đáng kể trong phát triển nông nghiệp bền vững tại khu vực Tây Nguyên và truyền cảm hứng cho các sáng kiến tương tự trên toàn cầu, cổ vũ phụ nữ và thực hành nông nghiệp bền vững vì một tương lai tốt đẹp hơn.