'Ván bài' điện hạt nhân và thông điệp của Saudi Arabia
Saudi Arabia cho biết họ sẽ xem xét việc hợp tác với Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc hoặc Nga... để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nếu không nhận được sự trợ giúp thích hợp từ Mỹ.
Lời đề nghị “hóc búa”
Dù là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và có trữ lượng dầu được kiểm chứng lớn thứ nhì, Saudi Arabia vẫn đang nỗ lực chuẩn bị cho một tương lai ít phụ thuộc vào dầu mỏ. Vương quốc này muốn tích hợp điện hạt nhân vào hỗn hợp năng lượng quốc gia, và từ năm 2018, họ đã đặt ra mục tiêu tới năm 2030 sẽ đạt được tỷ lệ năng lượng sạch 50%, trong đó bao gồm cả năng lượng hạt nhân.
Để xây dựng các cơ sở hạt nhân dân sự, Saudi Arabia hiện đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ và xem như đây là một trong những yêu cầu chính trong một thỏa thuận tiềm năng nhằm bình thường hóa quan hệ giữa vương quốc này với Israel. Đối với Mỹ, tạo ra bước đột phá trong quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia sẽ là một chiến thắng ngoại giao lớn của chính quyền của Tổng thống Joe Biden, do đó, Mỹ cũng coi đây là một ưu tiên hàng đầu trong các vấn đề đối ngoại.
Nhưng, cái khó của Washington là Saudi Arabia muốn Mỹ hỗ trợ mà không kèm theo hạn chế nào ngăn cản họ làm giàu uranium hoặc khai thác các mỏ uranium của riêng mình. Đây là nút thắt lớn khiến hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Yêu cầu của Saudi Arabia đặt chính quyền Tổng thống Biden vào thế khó. Washington từ lâu đã đặt điều kiện cấm làm giàu uranium khi đàm phán hợp tác hạt nhân dân sự với các quốc gia Vùng Vịnh. Ví dụ, họ đã thuyết phục Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ bỏ mong muốn và phản đối tham vọng theo đuổi việc làm giàu uranium thương mại của Jordan.
Theo ông John Hannah - Cố vấn an ninh quốc gia của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney và là thành viên tại Viện An ninh Quốc gia Do Thái của Mỹ - chính quyền Israel cùng một số nhà lập pháp ở Washington cũng lo ngại chương trình hạt nhân dân sự của Saudi Arabia có thể mở đường cho vương quốc này phát triển vũ khí hạt nhân.
Để tháo gỡ tình hình, hồi cuối tháng 7 vừa qua, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman gặp gỡ Jake Sullivan - Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, tại thành phố Jeddah. Nỗ lực này dẫn tới việc đôi bên bắt đầu thảo luận các chi tiết cụ thể trong việc giải quyết các yêu cầu của Saudi Arabia liên quan tới mong muốn được Mỹ giúp phát triển chương trình hạt nhân dân sự.
Tuy nhiên, kết quả của các cuộc thương thảo, cho đến những ngày cuối tháng 8 này, cũng vẫn chưa có gì rõ ràng. Theo giáo sư Simon Henderson, Giám đốc Chương trình Bernstein về Chính sách Vùng Vịnh và Năng lượng tại Viện Washington, nhiều nhà lập pháp Mỹ vẫn lo ngại việc chấp thuận đề nghị của Riyadh sẽ tạo ra một “Aramco hạt nhân”, tức là lặp lại lịch sử những năm 1930, khi các công ty Mỹ hợp tác với Saudi Arabia khai thác dầu rồi cuối cùng dẫn đến việc vương quốc này sở hữu hoàn toàn công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới: Aramco.
Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng đề cập tới khả năng Saudi Arabia có thể bị cuốn vào cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân với đối thủ lớn nhất của họ ở khu vực là Iran. “Washington chắc chắn cũng nhớ lại nhận xét về hạt nhân của thái tử (Mohammed bin Salman) rằng “Saudi Arabia không muốn có bất kỳ quả bom hạt nhân nào, nhưng chắc chắn nếu Iran phát triển bom hạt nhân, chúng tôi sẽ làm theo càng sớm càng tốt”, khi trả lời chương trình 60 Minutes của đài CBS năm 2018”, giáo sư Henderson viết trên website của Viện Washington hồi giữa tháng 8 năm nay.
Sẵn sàng gây sức ép
Trước thái độ cứng rắn hoặc lừng khừng tùy theo cách hiểu của mỗi người, từ phía Mỹ, Saudi Arabia đang xem xét các đề nghị thay thế từ các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, Nga, Pháp và Hàn Quốc, để phát triển cơ sở hạt nhân dân sự của riêng mình. Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược của Israel, Ron Dermer hồi đầu tháng này cũng cho rằng, Saudi Arbabia có thể quay sang Trung Quốc hoặc các nước khác nếu Mỹ từ chối hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Theo đánh giá của Báo Financial Times, điều quan trọng đối với Saudi Arabia là các quốc gia kể trên có thể không đưa ra những điều kiện khắt khe về làm giàu uranium trong nước đối với Riyadh. Ngoại trừ Hàn Quốc, vốn sử dụng công nghệ của Mỹ, sẽ cần phải tuân thủ các hạn chế xuất khẩu của Washington.
Hiện tại, Saudi Arbia đang nỗ lực tìm kiếm nhà thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh miền Đông gần biên giới với Qatar và UAE. Có tên Duwaiheen, nhà máy dự kiến sẽ có 2 lò phản ứng, công suất 2,8 gigawatt.
Các nhà thầu bao gồm EDF của Pháp và Kepco của Hàn Quốc ban đầu được đưa vào danh sách rút gọn. Kepco vốn đã được chọn để xây dựng nhà máy hạt nhân ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nhà máy đầu tiên tại Trung Đông, hiện đang hoạt động. Trong khi đó, EDF cho biết “đề xuất của công ty đáp ứng mọi kỳ vọng từ các bên liên quan của Saudi Arabia”.
Nhưng, theo Báo Wall Street Journal, Tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC), đang nổi lên như một ứng viên tiềm năng. Một số quan chức Saudi Arabia cho biết, nước này lâu nay vẫn ưu tiên phương án hợp tác với Mỹ nhưng Thái tử Mohammed bin Salman sẵn sàng chuyển hướng xem xét gói thầu của công ty Trung Quốc nếu các cuộc đàm phán với Mỹ kết thúc thất bại.
Justin Dargin, một thành viên không thường trú của Tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie, chuyên về năng lượng Trung Đông, cho biết Trung Quốc có thể sẽ không áp đặt các yêu cầu khắt khe như Mỹ, khiến nước này trở thành đối tác thuận lợi hơn đối với Saudi Arabia. Còn theo Báo Wall Street Journal, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác với Saudi Arabia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự đồng thời tuân thủ các quy định quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Khi thế giới không còn đơn cực
Động thái mới nhất về kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Saudi Arabia được xem như nước cờ gây sức ép mạnh mẽ với Mỹ và cũng là một bước đi nữa của vương quốc này nhằm khẳng định vị thế độc lập trong một thế giới ngày càng đa cực hơn.
Thay vì chịu ảnh hưởng của Mỹ như trước, những năm gần đây, Saudi Arabia đã mở rộng các hoạt động ngoại giao theo hướng đa phương, trong đó điểm nhấn là việc họ trở thành đối tác đối thoại của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và mới đây được mời tham gia nhóm BRICS vốn gồm các nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Dù vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ an ninh của Mỹ và muốn Washington đồng ý một hiệp ước quốc phòng nhưng Saudi Arabia cũng đang xích lại gần hơn với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Năm ngoái, Saudi Arabia đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị thượng đỉnh Vùng Vịnh và vài tháng sau, Bắc Kinh đã làm trung gian cho việc nối lại quan hệ giữa Saudi Arabia với đối thủ lớn nhất của Riyadh trong thế giới Hồi giáo là Iran.
Các bước đi của Saudi Arabia được cho là đang đem lại tác dụng đáng kể. Báo Times of Israel tuần trước cho hay, Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược của Israel, Ron Dermer, đang gửi đi tín hiệu rằng nước này có thể để ngỏ khả năng chấp nhận yêu cầu của Saudi Arabia về việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân dân sự, như một phần của thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Riyadh và Tel-Aviv do Mỹ làm trung gian.
Bộ trưởng Dermer, vốn được xem như nhân vật thân tín với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài PBS sau đó cũng đã rút ra sự khác biệt giữa việc theo đuổi năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và vũ khí hạt nhân. “Các quốc gia trong khu vực có thể có năng lượng hạt nhân dân sự. Đó là một câu chuyện khác với chương trình vũ khí hạt nhân”, ông Dermer nói, đồng thời lập luận rằng Saudi Arabia có thể tìm đến Trung Quốc hoặc Pháp để xây dựng chương trình hạt nhân và do đó sẽ tốt hơn nếu việc này có sự tham gia của Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel.
Dù tuyên bố của ông Dermer đã bị lãnh đạo phe đối lập ở Israel, Yair Lapid phê phán và Văn phòng Thủ tướng Netanyahu phải ra thông cáo làm rõ rằng “Bộ trưởng Dermer nói Israel không đồng ý với chương trình hạt nhân của bất kỳ quốc gia láng giềng nào” thì vẫn có thể thấy, cả Mỹ và Israel đều đang phải cân nhắc khi Saudi Arabia cho thấy họ sẵn sàng bắt tay với các đối tác khác.
Do đó, Nhà Trắng dù vẫn lo ngại về vấn đề phổ biến hạt nhân ở Trung Đông nhưng cũng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp liên quan đến yêu cầu của Saudi Arabia. Tuần trước, Jake Sullivan - Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng có thể sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để đàm phán tất cả các chi tiết phức tạp của vấn đề hợp tác hạt nhân với Saudi Arabia. “Vẫn có nhiều cách giải quyết tất cả các yếu tố của những cuộc thảo luận đó và chúng khá mang tính kỹ thuật”, ông Sullivan cho biết.