Văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành, phải chế tài
Chiều 22-5, Quốc hội (QH) thảo luận cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm là có nên yêu cầu trong hồ sơ dự án luật phải bao gồm cả dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành (nghị định, thông tư) như quy định hiện hành hay không.
Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho hay: Qua rà soát 65 báo cáo thẩm tra đối với 65 dự án luật trình QH từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho kết quả 61/65 báo cáo thẩm tra chỉ nhận xét hồ sơ dự án luật có đủ hoặc chưa đủ, tức là chỉ nhận xét về mặt số lượng. 3/65 báo cáo thẩm tra nêu chung là “cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo văn bản hướng dẫn” nhưng lại không nêu cụ thể cần hoàn thiện nội dung nào. Chỉ có 1/65 báo cáo thẩm tra có đánh giá tương đối cụ thể về nội dung dự thảo văn bản hướng dẫn. “Quy định như luật hiện hành có thể dẫn tới lãng phí nhân lực, vật lực” - bà Thủy nói.
Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Pháp luật cho rằng cần giữ quy định hiện hành để tăng cường kỷ cương, kỷ luật và khắc phục tình trạng chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, bà Thủy khẳng định thực tế có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành chậm được ban hành nhưng rất ít công chức bị xử lý trách nhiệm. Mặc dù luật hiện hành đã quy định rõ trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm chất lượng, chậm tiến độ thì người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm. Từ đó, tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các pháp luật khác có liên quan.
“Nếu chúng ta thực hiện nghiêm chế tài này sẽ khắc phục đáng kể việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, thay vì yêu cầu phải xây dựng song song văn bản hướng dẫn để gửi kèm hồ sơ dự án luật” - vẫn lời bà Thủy.
Học Bác cách làm luật trực tiếp đi vào cuộc sống
Tại phiên thảo luận, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân (ĐBQH tỉnh Cà Mau) kể câu chuyện: Cách đây 100 năm, trong bản yêu sách tám điều gửi đến hội nghị Versailles, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã kiến nghị thực hiện chế độ ban hành pháp luật thay cho sắc lệnh. “Tư tưởng rất lớn này thể hiện ở việc các đạo luật phải làm sao trực tiếp đi vào cuộc sống, hạn chế tối đa các văn bản dưới luật” - ĐB Vân nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/van-ban-huong-dan-luat-cham-ban-hanh-phai-che-tai-914348.html