Văn Bàn mở rộng diện tích măng đặc sản
Với diện tích phần lớn là đồi núi, trải dài từ thấp đến cao, đặc biệt, rừng chiếm hơn 57% diện tích tự nhiên của toàn huyện là điều kiện thuận lợi để Văn Bàn phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là cây lâm sản ngoài gỗ, trong đó có trồng măng đặc sản. Trước đây, người dân nơi đây chỉ dựa vào tự nhiên để khai thác măng nhưng nay đã chuyển sang trồng măng, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững.
Mùa nào Văn Bàn cũng có măng. Mùa măng vầu kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau (tính theo âm lịch); mùa măng sặt bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 5; hết mùa măng sặt là đến mùa măng mai, măng tre, măng nứa kéo dài đến hết tháng 9. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác là lợi thế để Văn Bàn trồng măng đặc sản. Thực tế 5 năm gần đây, huyện đã đầu tư phát triển măng đặc sản thành sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Văn Bàn, huyện có gần 4 nghìn ha cây vầu, 6 trăm ha cây sặt và cây bói (măng bói); 40 ha cây mai, nứa. Mỗi năm, người dân trên địa bàn huyện khai thác và cung cấp ra thị trường gần 1 nghìn tấn măng sặt, măng bói; khai thác có kiểm soát khoảng 1,5 nghìn tấn măng vầu. Thu nhập mỗi năm từ khai thác măng vầu, măng bói và măng sặt khoảng 35 tỷ đồng.
Xã Khánh Yên Thượng có diện tích măng bói nhiều nhất huyện (50 ha). Măng bói đã trở thành nông sản chủ lực của xã, giúp nhiều hộ làm giàu. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng cho biết: Là địa phương đầu tiên của huyện phát triển măng bói theo hướng sản xuất hàng hóa, đến nay xã có 30/50 ha cây bói cho thu hoạch măng. Trong chủ trương phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, xã phấn đấu mỗi năm trồng 20 ha cây bói, phấn đấu có khoảng 200 ha măng bói.
Chủ trương của xã được người dân ủng hộ bởi thực tế có nhiều hộ trong xã làm giàu từ cây trồng này. Đơn cử như gia đình ông Phan Văn Chế, thôn Văn Tiến đã trồng 1,2 nghìn khóm măng bói (4 ha), mỗi vụ cho thu hoạch 36 tấn măng bói, thu nhập hơn 500 triệu đồng. Ông Chế cho biết: Gia đình tôi đã trồng nhiều loại cây nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi đầu tư trồng măng bói, gia đình tôi có thu nhập cao, trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Không chỉ gia đình ông Chế mà nhiều hộ ở các xã Khánh Yên Thượng, Dương Quỳ, Dần Thàng… đã có thu nhập cao từ măng đặc sản.
Nói như vậy để thấy mở rộng diện tích trồng măng đặc sản đang là nhu cầu tất yếu, phù hợp với nguyện vọng của người dân.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện thì Huyện ủy Văn Bàn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển nông - lâm nghiệp trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Trong nghị quyết này, một trong những nội dung mà Văn Bàn đề nghị là tỉnh cho phép mở rộng diện tích thành vùng hàng hóa và xây dựng thương hiệu măng đặc sản. Mục tiêu Văn Bàn đặt ra đến năm 2025 có 1 nghìn ha cây sặt và cây bói, sản lượng khoảng 3 nghìn tấn măng (giá trị thu nhập đạt khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha); khoanh nuôi bảo vệ 4 nghìn ha cây vầu, sản lượng khai thác có kiểm soát hơn 5 nghìn tấn.
Để đạt mục tiêu này, Văn Bàn đã quy hoạch vùng trồng từng loại măng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của người dân. Măng bói trồng ở các xã: Khánh Yên Thượng, Làng Giàng, Hòa Mạc, Dương Quỳ… Đây là khu vực dưới chân núi Gia Lan và ven suối Chăn, đất đai có lượng mùn lớn, độ ẩm cao, rất phù hợp cho loại cây này. Măng sặt trồng tại các xã Làng Giàng, Hòa Mạc, Dần Thàng, Thẩm Dương, Nậm Chày, Nậm Xây, Nậm Xé… ở độ cao 500 - 700 m so với mực nước biển, phù hợp để trồng và cho chất lượng măng sặt cao hơn. Măng vầu sẽ được khoanh nuôi bảo vệ tại các xã: Chiềng Ken, Nậm Tha, Làng Giàng, Dương Quỳ, Thẩm Dương, Dần Thàng,… là khu vực có rừng vầu tự nhiên lớn và lâu năm.
Cùng với quy hoạch vùng trồng để đảm bảo nguyên liệu, huyện Văn Bàn đã có phương án xây dựng cơ sở chế biến măng tại 2 xã Hòa Mạc và Dương Quỳ. Hiện nay, tỉnh đã cho chủ trương nghiên cứu đầu tư cơ sở chế biến măng tại xã Hòa Mạc và xây dựng các sản phẩm OCOP gồm măng bói, măng sặt và măng nứa khô. Huyện cũng liên kết với Công ty Cổ phần Nông - lâm sản Kim Bôi, giao cho 1 doanh nghiệp tại địa phương ký biên bản thỏa thuận hợp tác để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến măng công suất 3 nghìn tấn/năm. Toàn bộ sản phẩm sẽ được cung cấp cho thị trường trong, ngoài huyện và các siêu thị tại Hà Nội; một số sản phẩm chế biến sâu sẽ được xuất khẩu sang châu Âu.
Một trong những vấn đề được huyện Văn Bàn quan tâm là quản lý, khai thác, sử dụng măng vầu. Trước đây, khai thác măng vầu diễn ra phức tạp, khó kiểm soát nhưng từ khi huyện triển khai phương án quản lý, khai thác, sử dụng măng vầu trong 2 năm (2019 - 2020) đã mang lại lợi ích kép: vừa không ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, vừa tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Do vậy, huyện Văn Bàn tiếp tục quản lý việc khai thác măng vầu theo phương án được phê duyệt, trong đó không cho phép khai thác măng vầu trong rừng đặc dụng và rừng phòng hộ rất xung yếu; không khai thác măng quá nhiều tại cùng một khu vực; tuân thủ nghiêm hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn gồm thời điểm thu hái, cách lấy măng, khoanh nuôi bảo vệ rừng vầu sau khai thác măng. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã hướng dẫn người dân đầu tư thâm canh, đẩy mạnh chăm sóc, sử dụng phân bón vô cơ để tăng sản lượng và kéo dài thời gian thu hoạch măng bói, măng sặt.
Với việc quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm măng đặc sản, huyện Văn Bàn sẽ có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.