Văn Bàn nâng tầm sản phẩm OCOP từ lợi thế địa phương
Tận dụng tiềm năng sẵn có, huyện Văn Bàn đang từng bước nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP. Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' không chỉ khai thác lợi thế địa phương mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế nông thôn bền vững, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.
Tại xã Chiềng Ken, cây đại bi - loại cây mọc hoang từ lâu được đồng bào Tày dùng làm thuốc trị cảm cúm, đau bụng, đau đầu… đang từng bước trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế. Nhận thấy tiềm năng từ loại dược liệu quý này, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp An Dược đã nghiên cứu, chế biến ra nhiều dòng sản phẩm như tinh dầu, trà, cao, nước súc miệng… từ lá đại bi.

Hiện nay, Hợp tác xã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Ngoài hệ thống đại lý, sản phẩm còn được quảng bá qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, góp phần mở rộng thị trường. Hiện các sản phẩm của đơn vị được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, mang lại doanh thu trên 2 tỷ đồng mỗi năm.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã còn đặc biệt chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hiện đơn vị liên kết với 20 hộ dân để trồng, thu hái và sơ chế nguyên liệu, từ đó tạo việc làm thường xuyên và tăng thu nhập cho hàng chục lao động nông thôn.

Không chỉ ở lĩnh vực dược liệu, chương trình OCOP tại Văn Bàn còn thành công trong ngành thực phẩm chế biến với sản phẩm xúc xích của gia đình anh Vũ Hữu Hoàng ở thị trấn Khánh Yên. Được biết, gia đình anh Hoàng có nhiều năm làm nghề chế biến giò, chả, xúc xích từ thịt lợn bản. Với bí quyết riêng, kết hợp công nghệ hiện đại và sự chỉn chu trong từng công đoạn sản xuất, cơ sở đã tạo ra các sản phẩm thơm ngon, an toàn và mang hương vị đặc trưng riêng.


Tính đến nay, huyện Văn Bàn có 30 sản phẩm OCOP (còn thời hạn), các sản phẩm đều là đặc sản địa phương, mang đậm bản sắc vùng cao như: Măng sặt, tinh dầu thảo dược, trà thảo dược, bánh chưng đen, thịt sấy... Sau khi được xếp hạng OCOP, hầu hết sản phẩm đều được cải tiến mẫu mã, bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp nâng cao giá trị thương mại. Nhiều cơ sở sản xuất ghi nhận doanh thu tăng ít nhất 1,5 lần, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động nông thôn.


Chương trình OCOP đang từng bước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Văn Bàn. Với sự đồng hành của chính quyền địa phương và tinh thần chủ động, sáng tạo từ người dân, các sản phẩm OCOP nơi đây ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.