'Văn bia để đời' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bên cạnh khối lượng sách với hàng chục tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau, di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là tấm gương liêm chính cho lớp sau noi theo.
"Sách là văn bia để đời" là câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà đội ngũ Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ghi khắc trong quá trình làm sách.
Những tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ lưu giữ tri thức, tư duy lý luận, tư tưởng mà còn là những chỉ đạo trong từng lĩnh vực trọng yếu để phát triển đất nước.
Di sản của Tổng Bí thư còn là phong cách sống giản dị, liêm chính, có sức lay động và truyền cảm hứng cho thế hệ sau.
Những vấn đề trọng yếu qua từng cuốn sách của TBT
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là đơn vị xuất bản hơn 40 đầu sách của Tổng Bí thư. Theo chia sẻ của đại diện nhà xuất bản, Tổng Bí thư luôn coi sách là một phương tiện quan trọng để truyền bá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sách được xem là hình thức tuyên truyền có giá trị lâu dài, bài bản và khoa học hơn so với các phương tiện truyền thông khác.
Bởi vậy, những cuốn sách của Tổng Bí thư là tài liệu nghiên cứu quý giá, giúp người đọc hiểu sâu hơn về những lĩnh vực trọng yếu của đất nước.
“Qua các tác phẩm của Tổng Bí thư, chúng tôi nhận thấy, tư tưởng bao trùm của đồng chí là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước”, bà Phạm Thị Thinh (Phó giám đốc - Phó tổng Biên tập nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) nói.
Trong cuốn sách Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, điểm cốt lõi, bước đột phá trong tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng Chiến lược quốc phòng Việt Nam chính là tư tưởng “bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình”. Bởi hòa bình được coi là một giá trị thiêng liêng của đất nước, là nhiệm vụ tối thượng trong thời đại mới; “bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định” chính là để đất nước phát triển, đó cũng chính là giá trị phổ quát của thời đại: “lấy bảo vệ môi trường hòa bình là mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc phòng, quân sự”.
Với tác phẩm Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần tiếp tục kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, xử lý hài hòa, khéo léo các vấn đề phức tạp, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trong đó ngành đối ngoại, ngoại giao có vị trí nòng cốt và giữ vai trò tiên phong”.
Trong cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Điểm tương đồng để quy tụ, khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là mục tiêu “xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.
Đây là mục tiêu lớn nhất, nếu biết khơi dậy đúng cách sẽ có sức cuốn hút, lay động lòng người, là lời hiệu triệu toàn dân, nhân lên lòng tự hào, tự tôn, ý chí của cả dân tộc. Cả hệ thống chính trị cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy an dân làm cốt, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm, phát huy sự đồng thuận của nhân dân, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, thì nhiệm vụ nào cũng sẽ hoàn thành thắng lợi.
Là người cộng sản chân chính, các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập tới xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Trong kho tàng tư liệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh là một tác phẩm giá trị và được đánh giá cao.
“Nhân tố nữa làm nên sức hút của cuốn sách - đó là cách trình bày thể hiện tính đối thoại bình đẳng, cởi mở, cùng hướng đến tiếp cận chân lý, không hề 'lên gân', áp đặt. Tác giả khẳng định: cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh (nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận định.
Lối sống liêm chính, trọng nghĩa tình
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua lời kể của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, hiện lên như một hình mẫu tiêu biểu của người cộng sản chân chính và nhà văn hóa lớn. Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, nhấn mạnh Tổng Bí thư luôn coi chức vị là do nhân dân giao phó và đảng viên ở cương vị càng cao càng phải gương mẫu để lãnh đạo quần chúng.
Cuộc sống của Tổng Bí thư rất giản dị, phản ánh rõ rệt trong lời nhắn nhủ của ông: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” Những lời nói này tuy giản dị nhưng lại sâu xa, thấm thía, tạo nên sức mạnh và niềm tin cho mọi người. Tầm cao văn hóa của Tổng Bí thư không chỉ thể hiện trong lý luận mà còn trong thực tiễn, qua từng nếp nghĩ và hành động giản dị nhưng sâu sắc của ông.
Phong cách sống và đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến gia đình, bạn bè, người thân cận, đồng chí và đồng môn. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ rằng, mỗi khi gặp Tổng Bí thư, mọi người đều chỉ tay bắt mặt mừng, thăm hỏi sức khỏe và kể chuyện gia đình một cách tự nhiên, không hề nghĩ xa hơn. Từ đó, ông học được sự thanh thản và không bao giờ nhờ cậy gì, một bài học quý báu từ Tổng Bí thư.
Những lời kể của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ không chỉ tô đậm hình ảnh giản dị và chân thành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà còn minh chứng cho tầm ảnh hưởng lớn lao của ông đối với những người xung quanh. Sự giản dị, chân thành và tinh thần vì dân của Tổng Bí thư đã tạo nên một tấm gương sáng ngời, lan tỏa giá trị văn hóa và đạo đức đến từng cá nhân trong xã hội.
Không chỉ là sự giản dị, phong cách sống của ông còn được thể hiện ở sự trọng nghĩa tình, luôn nhớ về những người đã giúp đỡ mình. Điều này được thể hiện trong nhũng kỷ niệm với cô giáo cao niên Đặng Thị Phúc.
Đối với cô Phúc, kỷ niệm về cậu học trò lớp 4 Nguyễn Phú Trọng, luôn là hình ảnh cậu bé chỉ mặc bộ quần áo nâu, đi chân đất, bất kể mùa đông hay mùa hè, nhưng em luôn nỗ lực học tập và sống giản dị.
Khi đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn dành thời gian về thăm trường Nguyễn Gia Thiều và các thầy cô.
Trước thềm xuân Kỷ Hợi 2019, cô Phúc nhận được một lá thư và món quà nhỏ từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những dòng thư chân thành làm cô Phúc nghẹn ngào. Câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời kể của cô giáo Đặng Thị Phúc không chỉ tô đậm hình ảnh của một người học trò đầy nghị lực, mà còn thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng tri ân và tôn trọng của ông đối với các thầy cô đã dạy dỗ mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại một di sản vô giá. Tư tưởng của ông lưu giữ qua những cuốn sách, những cống hiến của ông dẫn dắt đất nước phát triển, tạo niềm tin nơi nhân dân; lối sống liêm khiết, giản dị, khiêm tốn, trọng nghĩa tình của ông là tấm gương sáng cho đảng viên, cán bộ và nhân dân noi theo.