Vẫn canh cánh nỗi lo thiếu lớp, thiếu giáo viên

Thêm nhiều trường mới

Bước vào năm học 2013-2014, hàng trăm học sinh Trường tiểu học Vàm Sát, huyện Cần Giờ được học trong ngôi trường vừa được khánh thành. Những năm trước, Trường tiểu học Vàm Sát luôn trong tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở xuống cấp, có chín phòng học thì có bốn phòng vào mùa mưa thường xuyên bị ngập. Tới nay, ngoài 15 phòng học, trường còn có 17 phòng hành chính, chức năng (gồm thư viện, phòng vi tính, phòng học tiếng Anh, hỗ trợ học sinh khuyết tật, phòng học họa-nhạc,...) đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh tại địa phương. Hiệu trưởng Trường tiểu học Vàm Sát Nguyễn Văn Thùa chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng khi thấy học trò được học trong ngôi trường mới với đầy đủ tiện nghi. Ngôi trường mới này sẽ giúp thầy, trò có điều kiện dạy và học, sinh hoạt, rèn luyện tốt hơn.

Trường tiểu học Vàm Sát chỉ là một trong hàng chục ngôi trường mới tại thành phố được đưa vào sử dụng trong năm học 2013-2014. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm học này, thành phố tăng 39 trường so với năm học 2012-2013, trong đó mầm non tăng 29 trường, tiểu học tăng năm trường, THCS tăng ba trường và THPT tăng hai trường. Tổng số phòng học mới được đưa vào sử dụng trong năm học này là 1.314 phòng, trong đó mầm non có 277 phòng, tiểu học có 521 phòng, THCS có 336 phòng, THPT 180 phòng. Ngoài ra, khối ngoài công lập đưa vào sử dụng 263 phòng học mới.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Thạch cho biết, thời gian qua, các quận, huyện chi hơn 310 tỷ đồng để duy tu sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học. Năm nay, thành phố cũng chi hơn 376 tỷ đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại. Để chuẩn bị bước vào năm học mới, ngay từ đầu tháng 8, các quận, huyện tích cực thực hiện tổng vệ sinh trường lớp, phun thuốc sát trùng, diệt muỗi phòng, chống dịch bệnh. Các trường thành lập Ban chỉ đạo Y tế học đường, tập huấn phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trong năm học 2013-2014, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã tuyển dụng hàng nghìn giáo viên. Sau đợt một tuyển dụng, thành phố đã tuyển được 498 giáo viên mầm non, 753 giáo viên tiểu học và 648 giáo viên THCS.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết, năm học 2013-2014 sẽ có chủ đề Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý. Ngành giáo dục thành phố thực hiện bốn nhóm giải pháp: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tăng cường cơ sở vật chất.

Vẫn nỗi lo thiếu lớp học, giáo viên

Những năm qua, ngân sách giáo dục chiếm hơn 26% ngân sách chi thường xuyên hằng năm của thành phố. Tuy nhiên, đến nay, mặc dù học sinh các bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã tựu trường nhưng tình trạng sĩ số học sinh trong một lớp quá đông hay thiếu phòng học phục vụ bán trú vẫn xảy ra tại nhiều quận, huyện. Theo ước tính, để bảo đảm 100% học sinh tại huyện Bình Chánh học hai buổi/ngày, bậc mầm non thiếu khoảng 51 phòng học, tiểu học thiếu 278 phòng học và THCS thiếu 50 phòng học. Riêng Trường tiểu học Vĩnh Lộc 2 cần thêm 12 phòng và Trường tiểu học An Hạ cần 12 phòng để đủ số phòng học cho học sinh hai xã Vĩnh Lộc A và Phạm Văn Hai.

Tương tự, tại quận Gò Vấp, mặc dù năm học này có thêm ba ngôi trường mới được đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ chỗ học của con em địa phương. Đại diện Phòng Giáo dục quận Gò Vấp cho biết, số học sinh tạm trú quá đông, áp lực về sĩ số học sinh tăng cao. Trường lớp thiếu chưa đáp ứng được sĩ số học sinh để giảm tải theo quy định. Tại một số trường: Tiểu học An Hội, THCS Phạm Văn Chiêu, sĩ số học sinh rất cao so với quy định. Số học sinh học hai buổi/ngày còn thấp.

Về vấn đề cơ sở vật chất, Giám đốc Lê Hồng Sơn cho rằng, hằng năm, thành phố quan tâm đầu tư hơn 1.000 phòng học, nhưng do áp lực tăng dân số nên chưa đáp ứng được nhu cầu, một số quận, huyện còn áp lực sĩ số học sinh. Vì vậy, việc giảm sĩ số học sinh/lớp học và tăng thời gian học hai buổi/ngày theo yêu cầu còn nhiều khó khăn.

Cùng với nỗi lo về cơ sở vật chất, nhiều trường học vẫn còn thiếu giáo viên. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, sau khi tuyển dụng đợt một, so với định mức cho phép của thành phố còn thiếu 300 giáo viên mầm non, 500 giáo viên tiểu học và 400 giáo viên THCS. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đang tổ chức tuyển dụng đợt hai để bổ sung giáo viên. Sở cũng đã có văn bản xin phép UBND thành phố cho phép được tuyển dụng giáo viên diện KT3 (đăng ký tạm trú dài hạn) với các bậc mầm non và tiểu học.

Sắp bước vào năm học mới nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo của ngành giáo dục thành phố. Để thực hiện định hướng xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông - Nam Á, TP Hồ Chí Minh cần có chính sách phù hợp và sự nỗ lực của ngành giáo dục thành phố.

NGUYỄN NAM và ÁNH NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/tphcm/tin-chung/item/21070602-.html