Văn chương trẻ thành phố Hồ Chí Minh: Đa diện và bứt phá

So với những lần tổ chức trước, Hội nghị Những người viết trẻ TP Hồ Chí Minh lần 5 (diễn ra trung tuần tháng 10) là dịp quy tụ lực lượng người viết trẻ hùng hậu, nhiều dấu ấn và trẻ tuổi nhất từ trước đến nay.

Mang trong mình nhiệt huyết sáng tạo, đứng trên vai “người khổng lồ” tri thức và công nghệ, thế hệ họ dệt nên bầu không khí văn chương vô cùng sôi động, khát khao bứt phá mọi giới hạn để vươn xa.

Văn chương của thế hệ “công dân toàn cầu”

Hội nghị Những người viết trẻ TP. Hồ Chí Minh là sự kiện dành cho các tác giả trẻ, được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức định kỳ 5 năm/lần. Đây là dịp đánh giá, nhìn lại lực lượng cây bút trẻ trên địa bàn thành phố, từ đó thắp lên ngọn lửa sáng tạo và tiếp sức cho thế hệ tiếp nối. Hội nghị lần 5 quy tụ 100 đại biểu là những cây bút sung sức và nổi bật của văn đàn như Huỳnh Trọng Khang, Trần Đức Tín, Tống Phước Bảo, Minh Anh, Bùi Tiểu Quyên, Ngô Thúy Nga, Trần Ngọc Mai, Võ Chí Nhất, Vĩ Hạ, Huỳnh Hữu Phước, Trần Văn Thiên.… Hầu hết họ đều trưởng thành và ghi dấu ấn ở các giải văn chương uy tín.

Các tác giả trẻ được vinh danh tại Hội nghị Những người viết trẻ thành phố Hồ Chí Minh lần 5 năm 2024.

Các tác giả trẻ được vinh danh tại Hội nghị Những người viết trẻ thành phố Hồ Chí Minh lần 5 năm 2024.

Thành phố mang tên Bác là đầu tàu về kinh tế, văn hóa, xã hội… Nhịp sống sôi động và cởi mở nơi đây trở thành mảnh đất màu mỡ để người viết trẻ tứ xứ về gieo hạt, để rồi nảy lên những chồi xanh văn chương đầy cứng cáp, vươn xa, trổ bao hoa trái ngọt lành. Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho biết xác định nhiệm vụ cốt lõi là bồi dưỡng và phát triển lực lượng viết trẻ, Hội luôn tạo mọi điều kiện cho Ban Nhà văn trẻ phát hiện và thu hút các cây bút trẻ, từ những chuyến đi thực tế, mở trại sáng tác đến hỗ trợ đầu tư tác phẩm.

Bên cạnh việc duy trì giải thưởng tác giả trẻ thường niên, Ban Nhà văn trẻ và các ban chuyên môn của Hội luôn tích cực vận động kết nạp hội viên trẻ hàng năm. Những sân chơi uy tín như “Văn học tuổi 20” do NXB Trẻ tổ chức, giải thưởng văn học dành cho tác giả trẻ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, của Hội Nhà văn Việt Nam hay cuộc thi “Văn học trẻ” của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… đã giới thiệu cho văn đàn phương Nam những cây bút thật trẻ và đầy hứa hẹn.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân đánh giá: “So với Hội nghị lần 4 hồi năm 2017 thì năm nay các gương mặt tác giả trẻ đã trẻ hơn, đông đảo hơn và cũng đem đến cho chúng ta nhiều hy vọng không chỉ từ những tác phẩm đã được công chúng ghi nhận mà ở cả sự tự đầu tư về kiến thức, biết học hỏi, biết lắng nghe, tự tin và tự trọng. Có thể nói, Hội nghị đã quy tụ được một đội ngũ viết văn trẻ trung, nhiệt thành với con đường văn chương dẫu biết nhiều gai chông và đòi hỏi cả mồ hôi lẫn nước mắt”. Gương mặt trẻ tuổi nhất tham dự Hội nghị là cây bút Cao Việt Quỳnh, sinh năm 2008.

Nữ thi sĩ 17 tuổi Minh Anh gây bất ngờ với tập thơ “Một ngày từ bên trong”.

Nữ thi sĩ 17 tuổi Minh Anh gây bất ngờ với tập thơ “Một ngày từ bên trong”.

Không mơ hồ và ôm đồm, mỗi cây bút trẻ chủ động chọn cho mình một lối đi riêng và bền bỉ trên lối đi ấy dù vấp phải vô số khó khăn. Nhờ vậy, họ tạo cho mình những phong cách riêng, màu sắc riêng, nhanh chóng định vị tên tuổi trong lòng bạn đọc. Đó là Tống Phước Bảo với những truyện ngắn man mác buồn về phận người, phận đời đậm văn phong miền Nam dung dị mà sâu sắc.

Đại úy, nhà văn Võ Chí Nhất định danh bằng loạt truyện trinh thám, đi sâu đề tài công an. Bùi Tiểu Quyên, Lê Quang Trạng chọn thiếu nhi để viết những trang văn hồn nhiên, đáng yêu. Đề tài khoa học viễn tưởng có Cao Việt Quỳnh. Ngoài bộ ba tập “Người sao chổi” từng được trao tặng Giải thưởng Sách quốc gia, cậu bé đang hoàn thành bộ tiểu thuyết dài hơi “Lục địa rồng”…

Ở địa hạt thi ca, thơ trẻ TP Hồ Chí Minh liên tục xuất hiện những gương mặt mới với màu sắc lạ lẫm, độc đáo. Nhà thơ Trần Đức Tín (Khét) nhận xét văn chương phương Nam luôn chấp nhận mọi sự tìm tòi, khám phá, lối viết mới đối với những người làm thơ, luôn tôn trọng mọi khuynh hướng sáng tác cả cũ lẫn mới. Các khuynh hướng sáng tác không, chưa bao giờ đối kháng nhau, mà nó dung nạp và bổ trợ cho nhau, tạo nên một tổng thể đầy tiềm năng.

“Sự dung nạp của văn chương phương Nam còn nằm ở sự đón nhận nguồn gốc, phông văn hóa của mỗi cá nhân thơ trẻ mang lại. Lê Thiếu Nhơn, Phan Hoàng, Nguyễn Phong Việt mang hồn cốt văn hóa Phú Yên; Phạm Phương Lan, Ngô Thúy Nga và ví dặm Nghệ Tĩnh; Phùng Hiệu từ Đà Nẵng, Trần Võ Thành Văn với lịch sử Bình Định; Đoàn Thị Diễm Thuyên với nôi kiên trung Đồ Chiểu; Tô Minh Yến cùng câu xuống xề vọng cổ của vùng Cửu Long,… Ngoài ra, những năm gần đây còn xuất hiện các bạn trẻ viết thơ, xuất bản trên không gian mạng, có thể kể đến như: Đoàn Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Trần Khải Duy, Trần Trọng Đoàn, Trịnh Nam Trân đã đạt được nhiều ưu ái trong lòng độc giả” - anh dẫn chứng.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho rằng điểm sáng đáng chú ý nhất chính là văn chương trẻ TP Hồ Chí Minh đang hình thành những tác giả mang phẩm chất công dân toàn cầu. Không ít cây bút trẻ thông thạo ngoại ngữ và có thể sáng tác bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Ví dụ, tác giả trẻ Minh Anh sinh năm 2007 đã đoạt giải A của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam với tập thơ song ngữ “Một ngày từ bên trong”. Chắc chắn, những tác giả - công dân toàn cầu này hoàn toàn có khả năng tự tin hội nhập văn chương quốc tế.

Theo nhà văn Lê Quang Trạng, người viết ngày nay có nhiều lợi thế so với thế hệ tiền bối. Công nghệ thông tin không ngừng lớn mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà văn trẻ gặp gỡ giao lưu văn chương trên các phương tiện mạng trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, với công nghệ 4.0 hôm nay, những sự kiện thời sự, những câu chuyện, thân phận phơi bày qua nhiều kênh, góc cạnh một cách nhanh nhạy, bày ra như một kho nguyên liệu vô tận cho người viết trẻ.

Đồng quan điểm, nhà thơ trẻ Trần Đức Tín khẳng định: “So với các thế hệ cầm bút trước, điều phải thừa nhận là thế hệ chúng ta được “trang bị” nhiều hơn. Người cầm bút thế hệ 7X trở đi đến gen Z đa phần đều tốt nghiệp đại học, có người còn học đến thạc sĩ, tiến sĩ và ở nhiều lĩnh vực chuyên môn, đa ngành nghề. Vậy nên “hành trang” các bạn đến với văn chương cũng đa diện hơn, tạo cho văn chương trẻ phương Nam nhiều màu sắc, không đơn điệu và ít trùng lặp với các tiền bối cầm bút đi trước hơn. Người trẻ hôm nay với phương tiện công nghệ và truyền thông 4.0 đã “rộng đường” hơn rất nhiều trong việc công bố, in ấn hoặc đưa tác phẩm của mình đến với độc giả được nhiều, nhanh hơn bất cứ thời đại nào đi trước.

Thách thức của thời đại 4.0

Là lợi thế song kho đề tài ngồn ngộn lẫn sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cũng trở thành rào cản mà không phải cây bút nào cũng dễ dàng vượt qua. Sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo làm dấy lên nỗi lo sợ AI sẽ làm thay công việc của nhà văn. Có không ít bài thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết mà tác giả chính là máy móc. Nhưng AI chỉ “hù dọa” người viết non tay. Còn với những cá tính và tài năng văn chương riêng biệt, AI không bao giờ thay thế được họ.

Dễ dàng quảng bá tác phẩm trên không gian mạng khiến nhiều tác giả chỉ chăm chăm chạy theo số lượng để phủ sóng tên tuổi hay trả nợ áo cơm. Nhà văn Tống Phước Bảo nhận định: “Số lượng không thể làm nên chất lượng của một tác giả viết, nhất là với truyện ngắn, một thể loại nhìn tưởng dễ nhưng ngồi xuống viết thì lại không dễ. Dạo qua một vòng các tác giả trẻ đang cày cuốc sung sức nhất đều phần lớn thấy chỉ chú trọng “kể chuyện”, chứ chưa mang đến đúng chất “truyện” cho tác phẩm của mình. Dễ thấy nhất ngày nay, khi nhắc đến văn trẻ, nhất là ở mảng truyện ngắn, độc giả vẫn chưa thể nhớ được theo kiểu tác giả - tác phẩm như nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư người đọc sẽ nhớ “Cánh đồng bất tận”; Y Ban với “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”; Như Bình với “Bùa yêu”, Phạm Duy Nghĩa với “Cơn mưa hoa mận trắng”, Bích Ngân với “Đường đến cây cô đơn”…”.

Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho rằng hơn lúc nào hết, độc giả cần có những trang viết đồng hành với mối an nguy, trăn trở của dân tộc. Nhưng hiện nay, các tác phẩm đề tài lịch sử lẫn đề tài đương đại đều thiếu vắng dù lực lượng người viết trẻ khá đông đảo và bứt phá với nhiều thể tài lạ lẫm.

“Trong số tác phẩm xét giải Hội Nhà văn năm gần đây mà tôi được đọc, gần như không có nhiều tác phẩm viết về đời sống đương đại. Điều đó đặt ra câu hỏi: phải chăng thế hệ trẻ kém tài hơn thế hệ cha ông? Những người trẻ tránh những vấn đề hiểm hóc đòi hỏi sự trả giá, dấn thân? Những nhà văn trẻ ngày nay trốn mình trong chuyện ngôn tình, thiên di thu hút bạn đọc. Ngay cả những tác phẩm về khởi nghiệp cũng thiếu vắng và thiếu thuyết phục. Phải chăng nhà văn trẻ bí lối khi không tìm ra cho chính mình một lối đi khai sáng?!” - bà đặt câu hỏi.

Bộ tiểu thuyết “Người sao chổi” của cây bút nhí Cao Việt Quỳnh.

Bộ tiểu thuyết “Người sao chổi” của cây bút nhí Cao Việt Quỳnh.

Những câu hỏi mà nhà văn Trầm Hương đặt ra cũng là nỗi trăn trở của chính thế hệ cầm bút tiếp nối. Khác với thế hệ đi trước, họ không còn coi văn chương là cuộc vui thoáng chốc mà nghiêm túc dấn thân với nó. Song không vì thế mà họ mơ mộng viển vông hay ảo tưởng về sức mạnh văn chương.

Họ thực tế nhìn nhận vai trò của văn chương như cách cây bút trẻ Huỳnh Trọng Khang cảm thán khi nhìn mẩu truyện ngắn của mình làm giấy gói bó cúc trắng: “Tôi không muốn phóng đại những ý nghĩa to tát của văn học nghệ thuật trong thời buổi hôm nay. Đã qua rồi cái thời Hàn Thuyên có thể dùng tài thi phú của mình để đuổi dã thú, đem lại yên bình cho muôn dân. Thơ văn bây giờ thậm chí không trụ nổi trên các trang báo vốn hiện tại cũng đang cố trụ vững trước cơn bão công nghệ thông tin, khi mà những phương tiện nghe nhìn đang dễ dàng đáp ứng một thời đại đòi hỏi sự nhanh chóng hơn là ngồi nhấm nháp những con chữ. Văn chương, nếu không thể xoa dịu cá sấu, nếu không thay đổi thế giới, nếu chẳng giúp dừng thiên tai hay dịch bệnh, thì cũng mong làm ai đó cảm thấy tâm hồn minh lay động trong phút giây hay chí ít ôm trọn một bó cúc trắng bé xinh dầu chỉ một ngày”.

Hay nói như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Ở một đô thị nhộn nhịp mang đẳng cấp quốc tế như TP Hồ Chí Minh, văn chương chưa bao giờ bị ru ngủ bởi những mơ tưởng viển vông. Văn chương buộc phải vận hành trong sự năng động của cộng đồng, và nỗ lực dự phần vào đời sống tinh thần của cộng đồng”. Rào cản có thể khiến người viết trẻ va vấp và khựng lại, nhưng chưa bao giờ họ quay lưng với từng nhịp đập của nguồn cội, của đời sống hôm nay. Dù còn dè dặt, văn đàn đã xuất hiện những tác phẩm đau đáu với hiện thực bộn bề núp dưới lớp vỏ của thể loại kỳ ảo, viễn tưởng như “Hai người trong một ngăn tủ” của Phát Dương, “Dị bản” của Đinh Khoa… Với tài năng và sự tiếp sức của người đi trước, trong tương lai không xa, người trẻ sẽ tự tin đưa nhịp đập ấy vào trang viết, trực diện và đầy quyết liệt.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/van-chuong-tre-thanh-pho-ho-chi-minh-da-dien-va-but-pha-i748247/