Ván cờ lớn của những 'gã khổng lồ' điện toán đám mây
Để đạt được lợi thế, các công ty Trung Quốc đang ngày càng nhắm mục tiêu vào những khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi các đối thủ Mỹ, chẳng hạn như Đông Nam Á và Trung Đông.
Điện toán đám mây đã trở thành một cuộc đua mới giữa Trung Quốc và Mỹ trong nỗ lực giành lấy sự thống trị về công nghệ. Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm các đơn vị từ Alibaba, Tencent và Huawei, đang đặt cược lớn vào việc mở rộng ra nước ngoài, khi lợi nhuận ở thị trường nội địa đã bão hòa. Tuy nhiên, việc tiến vào lãnh địa của những “người chơi” toàn cầu khổng lồ như Microsoft và Amazon, vốn đã thống trị nhiều thị trường trên thế giới, không phải điều dễ dàng.
Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện toàn cầu của họ trong năm 2023, phần lớn nhờ vào tiếng vang về trí tuệ nhân tạo (AI), dẫn đến sự gia tăng nhu cầu toàn cầu trong dịch vụ điện toán. Để đạt được lợi thế, các công ty Trung Quốc đang ngày càng nhắm mục tiêu vào những khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi các đối thủ Mỹ, chẳng hạn như Đông Nam Á và Trung Đông.
Tháng 9/2023, Huawei Technologies Co. Ltd. đã mở một trung tâm dịch vụ điện toán đám mây mới tại Saudi Arabia. Trung tâm này "sẽ là trọng tâm của chúng tôi trong việc phục vụ các khu vực Trung Đông, Trung Á và châu Phi", Chủ tịch dịch vụ tiếp thị và bán hàng toàn cầu điện toán đám mây của Huawei Jacqueline Shi cho biết tại lễ khai trương ở Riyadh. Tencent Cloud cũng đã chuyển đến Saudi Arabia trong năm 2023 và hợp tác với nhà điều hành viễn thông Mobily của quốc gia vùng Vịnh vào tháng 2/2023 để tăng cường hơn nữa sự hiện diện toàn cầu. Hoạt động kinh doanh của công ty hiện trải dài ở các khu vực bao gồm châu Á, châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Xu hướng vươn ra thị trường nước ngoài diễn ra khi các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại và cạnh tranh khốc liệt ở trong nước. Điều này đã gây ra một cuộc chiến giá cả vào đầu năm nay và làm giảm tỷ suất lợi nhuận. Họ cũng đang cảm thấy áp lực từ những hạn chế ngày càng thắt chặt của Mỹ đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến. Dù vậy, vẫn chưa rõ việc mở rộng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty như thế nào.
Chủ tịch của Tencent Cloud Qiu Yuepeng cho biết, ông không mong đợi việc mở rộng ra nước ngoài sẽ mang lại sự tăng trưởng bùng nổ cho các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Trung Quốc trong ngắn hạn. Ông cho rằng "còn quá sớm để nói rằng có cơ hội lớn gấp 10 lần hoặc 20 lần ở thị trường nước ngoài".
Trong lĩnh vực dịch vụ AI có tính cạnh tranh cao, nhu cầu ở nước ngoài đối với các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do Trung Quốc phát triển vẫn còn non trẻ, một nhân viên tại chi nhánh Singapore của một công ty điện toán đám mây Trung Quốc cho biết.
* Mở rộng tại các thị trường mới nổi
Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của Trung Quốc đã liên tục xây dựng hoạt động kinh doanh quốc tế của họ trong nhiều năm, đặc biệt là ở các thị trường nhiều lợi nhuận. Nhưng một loạt sự kiện đã làm gián đoạn kế hoạch của họ, bao gồm việc Liên minh châu Âu (EU) ban hành Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) nhằm bảo vệ thông tin riêng tư của người dùng khỏi hành vi sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép của các công ty hoạt động trong khối vào năm 2018.
Các thị trường mới nổi đã trở thành tâm điểm chú ý của một số nhà cung cấp đám mây lớn của Trung Quốc. Ông Tom Leighton, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của Akamai Technologies Inc., một công ty dịch vụ đám mây và an ninh mạng có trụ sở tại Mỹ, cho rằng Đông Nam Á đã trở thành một điểm đến quan trọng để các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài. Doanh thu của Akamai từ Đông Nam Á đã tăng nhanh vào năm 2022 nhờ các nhà cung cấp Trung Quốc trong khu vực tăng cường mua dịch vụ, ông Leighton cho biết.
Khi giải thích về việc công ty gia nhập khu vực, Phó Chủ tịch đơn vị kinh doanh quốc tế của Alibaba Cloud Song Yingqiao, cho biết ở Đông Nam Á "có cả cổ tức Internet và cổ tức nhân khẩu học". Các công ty Trung Quốc cũng đã tăng cường đầu tư vào các trung tâm dữ liệu mới ở Đông Nam Á. Tháng 10/2021, Alibaba Cloud mở trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Philippines. Công ty này cho biết sẽ đầu tư hơn 6 tỷ nhân dân tệ (840 triệu USD) trong ba năm tới vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.
Vào tháng 9/2022, Alibaba Cloud đã công bố kế hoạch ba năm mới để đầu tư thêm 7 tỷ nhân dân tệ vào thị trường nước ngoài, đồng thời xây dựng thêm sáu trung tâm dữ liệu trên khắp thế giới, bao gồm cả ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Những nỗ lực này đã giúp các hoạt động ở nước ngoài của công ty tăng hơn 20 lần trong 5 năm qua, một nhân viên của Alibaba Cloud cho biết. “Gã khổng lồ” điện toán đám mây hiện đang vận hành các trung tâm dữ liệu ở 30 khu vực trên thế giới, 1/3 trong số đó là ở Đông Nam Á.
Tương tự, Huawei Cloud đã chuyển hướng sang Đông Nam Á trong những năm gần đây, mở 10 trung tâm dữ liệu tại Singapore, Bangkok và Jakarta. Tencent Cloud hiện cũng có tám trung tâm dữ liệu ở ba quốc gia đó. Trong khi đó Saudi Arabia, quốc gia đang tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số, đã trở thành một thị trường ưa thích khác của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc.
Ông Hu Dan, Phó Chủ tịch Tencent Cloud International khu vực Trung Đông và Bắc Phi, cho biết nhu cầu về dịch vụ đám mây ở quốc gia Trung Đông này đang vượt xa nguồn cung. Điều này có thể được quy cho cơn sốt AI hiện tại, đã kích hoạt một làn sóng phát triển LLM và tăng nhu cầu về điện toán đám mây trên toàn cầu. Theo công ty tư vấn Mordor Intelligence, thị trường dịch vụ đám mây của Saudi Arabia ước đạt 3,46 tỷ USD trong năm 2023 và tăng hơn gấp đôi lên 7,53 tỷ USD vào năm 2028.
* Lợi thế cạnh tranh
Ông Jimmy Yu, Phó Chủ tịch cấp cao về kinh doanh quốc tế tại nhà khai thác trung tâm dữ liệu hàng đầu Trung Quốc GDS Holdings Ltd., cho biết, khi các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Trung Quốc đối đầu với các đối thủ cạnh tranh Mỹ, họ cần áp dụng những chiến lược đặc biệt.
Ví dụ, chiến lược của Tencent là tập trung sâu hơn vào mảng game và âm thanh/video. Đồng sáng lập và CEO Kenneth Tan của công ty khởi nghiệp phần mềm video BeLive Technology có trụ sở tại Singapore, cho biết: "Các nhà cung cấp điện toán đám mây nước ngoài hàng đầu không có sản phẩm hoặc dịch vụ dành riêng cho video và phát trực tiếp, nhưng công nghệ của Tencent cho phép phát sóng trực tiếp đến tám nền tảng xã hội, đó là nhu cầu thiết yếu đối với chúng tôi".
Ngoài ra, mức giá thấp hơn mà Tencent đưa ra là lý do chính khiến BeLive chọn hợp tác với công ty Trung Quốc, ông Tan nói. Công ty của ông ban đầu sử dụng Amazon Web Services (AWS) nhưng sau đó họ nhận thấy rằng các giải pháp video và phát trực tiếp của AWS đắt hơn và ít hỗ trợ sử dụng hơn ở Trung Quốc đại lục và châu Phi so với các nhà cung cấp Trung Quốc. AWS, chi nhánh điện toán đám mây của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon của Mỹ, đã báo giá cao gấp tám lần mức giá mà Tencent Cloud đưa ra cho các dịch vụ tương tự vào năm 2020.
Bên cạnh đó, khả năng cá nhân hóa và phản hồi nhanh cho khách hàng là một lợi thế khác của các nhà cung cấp đám mây Trung Quốc, CEO của công ty chỉnh sửa video AI Shanjian, Yan Tianpei, cho biết.
Lấy sự hợp tác giữa Shanjian và Tencent Cloud làm ví dụ. Giám đốc Yan cho biết họ có một nhóm nhắn tin WeChat bao gồm gần 20 nhân viên dịch vụ từ Tencent Cloud trả lời mọi lúc. Ngược lại, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu liên lạc qua thư điện tử (email) và thường mất ít nhất một ngày để trả lời do quy trình làm việc phức tạp hơn.
Phản ứng cá nhân hóa hơn cũng là lý do tại sao Hospisoft, một công ty Mexico cung cấp phần mềm quản lý cho các bệnh viện, đã chọn làm việc với Huawei Cloud. "Bất cứ khi nào chúng tôi gặp sự cố, chúng tôi có thể gọi cho nhân viên dịch vụ và nhanh chóng tìm ra giải pháp", ông Cesar Macias, Tổng Giám đốc của nhà cung cấp phần mềm chăm sóc sức khỏe Hospisoft, cho biết. Ông nói: "Giá rẻ là quan trọng, nhưng chất lượng dịch vụ thậm chí còn quan trọng hơn".
Tuy nhiên, một số công ty Mexico lo ngại về rủi ro khi hợp tác với Huawei. "Vương quốc Anh và Canada đã hạn chế phần nào hoạt động kinh doanh của Huawei tại hai thị trường này, và nhiều người lo lắng về việc liệu Huawei có thể kinh doanh ở Mexico trong 10 năm hoặc 20 năm tới hay không", một trong những khách hàng địa phương của công ty Trung Quốc cho biết.
* Yếu tố thúc đẩy
Một trong những động lực chính thúc đẩy sự mở rộng ra nước ngoài của các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Trung Quốc là thu hẹp lợi nhuận ở thị trường nội địa. Có ba loại dịch vụ điện toán đám mây chính: Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS), Nền tảng như một dịch vụ (PaaS) và Phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS). Hầu hết các nhà cung cấp đám mây trong nước đều kinh doanh IaaS, có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Một khi các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây này gặp phải sự tắc nghẽn hiệu suất, việc mở rộng ra nước ngoài là lựa chọn không thể tránh khỏi.
Tăng trưởng của các dịch vụ điện toán đám mây công cộng của Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây. Theo IDC, trong nửa đầu năm 2023, IaaS và PaaS, chiếm gần 80% thị trường đám mây, đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong ba năm. Thị trường đám mây công cộng của Trung Quốc đã tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022 lên 325,6 tỷ nhân dân tệ, chậm lại so với mức 71% của năm trước đó, theo KZ Consulting.
Để duy trì tính cạnh tranh, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây bắt đầu giảm giá. Giảm giá đã trở thành một hiện tượng trên thị trường điện toán đám mây từ năm 2021, khi ByteDance ra mắt Volcano Engine vào tháng 12/2021 với mức giảm giá hơn 80% cho một số dịch vụ nhất định. Và sự cạnh tranh đã nóng lên trong năm 2023, với các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn của Trung Quốc cung cấp ngày càng nhiều chiết khấu để thu hút khách hàng mới, trong một động thái để bảo vệ thị phần trong một thị trường ngày càng cạnh tranh.
Trong khi đó, Alibaba Cloud đã gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19, mặc dù là nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu ở Trung Quốc đại lục với 34% thị phần trong quý I/2023. Trong quý I/2023, doanh thu của đơn vị này đã giảm 2%, mức giảm hàng quý đầu tiên kể từ khi Alibaba thực hiện đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vào năm 2014.
Để thu hút nhiều khách hàng hơn và cắt giảm chi phí, Alibaba Cloud đã giảm giá cho các sản phẩm điện toán đám mây cốt lõi của mình tới 50% từ tháng 4 và bắt đầu sa thải nhân viên vào tháng Năm, với kế hoạch cắt giảm 7% nhân viên. Những nỗ lực đó đã phần nào phát huy tác dụng, với việc Alibaba Cloud ghi nhận doanh thu tăng 4% trong quý II và tăng trưởng 2% trong quý III/2023.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/van-co-lon-cua-nhung-ga-khong-lo-dien-toan-dam-may/320275.html