Vẫn còn nhiều điểm sạt lở đất, đá chưa được di dời khỏi lòng đường
Do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng cuối tháng 9/2023, đã gây sạt lở taluy dương, taluy âm, ngập cầu tràn, mặt đường… làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, gây ách tắc cục bộ trên nhiều tuyến giao thông tại Thanh Hóa. Đến nay vẫn còn nhiều điểm sạt lở đất chưa được các đơn vị thu dọn hết, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trên Quốc lộ 15, đoạn qua huyện Quan Hóa đang bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều vị trí đất đá tràn ra cả mặt đường… Đến nay, vẫn còn nhiều điểm sạt lở đất nhưng chưa được khắc phục, xử lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông… Đây là tuyến huyết mạch phía tây tỉnh Thanh Hóa nên hàng ngày có rất nhiều người, phương tiện tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, mưa lũ đã làm sạt taluy âm tại 6 vị trí, với chiều dài 142m (trên QL.217; QL.16; QL.15C; QL.47; QL.47C). Sạt taluy dương, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc, sạt lở đá lăn tại 206 vị trí với tổng khối lượng khoảng 7.930m3. Hư hỏng mặt đường tại 2 vị trí, với diện tích 706m2. Xói lở tứ nón cầu tại 4 vị trí, với diện tích 220m2.
Hư hỏng rãnh dọc 11 vị trí trên tuyến QL.16, chiều dài khoảng 810m. Hư hỏng 2 nhà hạt giao thông 4 (tại Km59+730), 05 (tại Km94+400) trên tuyến QL.15. Tổng kinh phí khắc phục thiệt hại ước tính hơn 5,8 tỷ đồng.
Trên các tuyến đường tỉnh, ngập đường tràn, mặt đường, cầu, cống gây tắc đường 29 vị trí. Sạt taluy dương, sa bồi mặt đường, rãnh dọc, hót đá, phá đá hơn 226 vị trí với khối lượng khoảng 11.584m³. Sạt, xói taluy âm 15 vị trí, có chiều dài 231m. Hư hỏng cống tại Km15+980/ĐT.523B, với chiều dài 4m.
Hư hỏng mặt đường 06 vị trí, với diện tích khoảng 358m2. Hư hỏng xói lở lề đường 83 vị trí, với khối lượng khoảng 527,24m3. Hư hỏng, xói lở tứ nón cầu 01 vị trí, với diện tích khoảng 20m2. Tổng kinh phí khắc phục ước tính gần 5,6 tỷ đồng.
Ngay khi sự cố thiên tai xảy ra, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Sở Giao thông vận tải đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục, đảm bảo giao thông trên các tuyến. Cán bộ tuần kiểm của ban và các đơn vị quản lý đường bộ trước mắt đã xác nhận các vị trí thiệt hại (có biên bản sơ bộ, hình ảnh kèm theo).
Đối với các vị trí bị ngập lụt, Ban đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ thực hiện cảnh báo, rào chắn, có người trực gác, hướng dẫn giao thông; đối với các vị trí bị sạt lở, sa bồi rãnh dọc, sa bồi mặt đường, hư hỏng công trình đường bộ…
Căn cứ mức độ, ban đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương huy động nhân vật lực, phương tiện, máy móc hót đất sạt taluy dương, hót đất sa bồi mặt đường, rãnh dọc, cắt tỉa cây đổ, thu dọn mặt đường,…để đảm bảo giao thông kịp thời, đồng thời có biện pháp xử lý tạm, cảnh báo để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình tại các vị trí hư hỏng lớn công trình đường bộ như sạt lở taluy âm, xói lở cầu, cống.
Ngày 11/10, trao đổi với PV, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa Trịnh Huy Triều cho biết: “Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ cuối tháng 9, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng tương đối lớn, nhiều vị trí bị đất đá sạt lở. Sở đã chỉ đạo máy móc, thiết bị di chuyển đất đá, cắt cử người túc trực để đảm bảo giao thông lên các địa phương được thông suốt, không bị chia cắt.
Tuy nhiên do chưa bố trí được kinh phí nên 1 số điểm sạt lở vẫn chưa được xử lý hết. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các địa phương huy động máy móc, thiết bị di dời toàn bộ đất đá tại các khu vực sạt để trả lại nguyên trạng tuyến giao thông. Đồng thời cắm biển cảnh báo tại các vị trí hay xảy ra sạt, trượt. Các tuyến đường bị hư hỏng nặng thì lập báo cáo, dự toán để báo cáo UBND tỉnh đưa vào sửa chữa, nâng cấp phục vụ việc đi lại cho nhân dân.”