Vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Ước tính của Liên Hợp quốc, năm 2021, cứ 1.000 trẻ sinh ra ở Việt Nam thì có gần 10 trẻ sơ sinh tử vong.
Tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong còn cao
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Ước tính của Liên Hợp quốc, năm 2021, cứ 1.000 trẻ sinh ra ở Việt Nam thì có gần 10 trẻ sơ sinh tử vong. Vì thế, mỗi ngày Việt Nam có 39 trẻ sơ sinh tử vong. Không chỉ tử vong sơ sinh ở mức cao, mà chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9/1.000, dưới 1 tuổi là 12,1/1.000 (nghĩa là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi và 1 tuổi thì lần lượt có khoảng 19 và 12 trẻ tử vong).
Trong khi đó, ở nước Đông Nam Á là Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8/1.000. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1-2/1.000.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), Việt Nam còn rất xa với chỉ số tử vong trẻ em của các nước, nhất là ở vùng nông thôn, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi cao hơn gấp 2 lần so với thành thị; ở vùng dân tộc thiểu số, chỉ số tử vong trẻ cao gấp khoảng 7 lần so với thành thị.
Theo kết quả của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2019, tỉ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vẫn cao gấp 3 lần so với cả nước, một số nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh. Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 - 49 tuổi mang thai có đến cơ sở y tế khám thai năm 2019 là 88%, tăng 17,1% so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ này của phụ nữ Kinh là hơn 99%.
Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 - 49 tuổi sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ năm 2019 chỉ còn 9,5%, giảm mạnh tới 26,8% so với năm 2015 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với tỷ lệ dưới 0,5% của phụ nữ Kinh. Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 - 49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, tăng tới 22,8% so với năm 2015, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%.
Đáng chú ý là mức chênh lệch giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn lên tới 12,8% (thành thị là 98% và nông thôn là 85,2%). Đồng thời chênh lệch giữa các vùng kinh tế - xã hội cũng khá lớn. Tây Nguyên có tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế là 84,2%, thấp hơn tới 14,2% so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 98,4%.
Vẫn còn 3 dân tộc có tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế đạt dưới 50% gồm: Mông 49,6%, Mảng 44,5% và La Hủ 34,7%.Phụ nữ DTTS không đến sinh con tại các cơ sở y tế, bên cạnh lý do giao thông đi lại khó khăn, hoặc điều kiện kinh tế hộ gia đình khó khăn, ở một số ít nơi còn là do tập tục không cho phép phụ nữ DTTS sinh con tại cơ sở y tế.
Nâng cao tỉ lệ phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế
Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn trong giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, có vấn đề thiếu trầm trọng nhân lực. Cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức rất thiếu và có tới 30% bác sĩ đa khoa đang làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tuyến huyện.
Đặc biệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh còn hạn chế ở vùng khó khăn. Công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản gặp khó khăn do không còn được hưởng trợ cấp như trước đây gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhận thức, hành vi của người dân về chăm sóc thai và sinh đẻ an toàn còn hạn chế.
Theo ông Đinh Anh Tuấn,Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cho rằng: Dù Việt Nam đã đạt thành tựu rất lớn, song vẫn còn nhiều thách thức. Trước mắt đến từ sự chênh lệch và bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở các nhóm dân tộc và vùng miền khác nhau.
"Suốt thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em luôn là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, nhưng các chỉ số về bà mẹ trẻ em còn thấp hơn nhiều lần so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nguyên nhân đến từ sự khác biệt vùng miền, phong tục, tập quán. Để tránh tụt hậu với các nước, chúng ta cần những can thiệp đổi mới sáng tạo. Đó là kế thừa can thiệp trước đây đã được coi là hiệu quả, cộng với những can thiệp phù hợp với yếu tố thời đại, chẳng hạn công tác tư vấn, cung cấp thông tin, tận dụng sự phát triển của công nghệ để khám chữa bệnh từ xa…", ông Đinh Anh Tuấn cho biết.
Ông Đinh Anh Tuấn cho biết thêm giảm tử vong mẹ cho bà con dân tộc ít người là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về phát triển của Chính phủ. Kết quả nghiên cứu giúp Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh xây dựng chính sách, kế hoạch thực hiện để đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tế của phụ nữ dân tộc ít người và gia đình họ, bảo đảm mọi ca sinh nở đều an toàn.