Vẫn còn ý kiến khác nhau về việc bỏ hội đồng trường đại học
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường trong luật chưa được rõ ràng nhưng không giao xây dựng văn bản hướng dẫn dưới luật, gây ra cách hiểu và thực hiện khác nhau trong thực tế; sự chồng chéo giữa triển khai phương thức lãnh đạo, tổ chức quản trị, hoạt động điều hành…

Ảnh minh họa.
Ngày 14/7, Bộ Tư pháp đăng tải hồ sơ thẩm định dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), gồm 9 chương với 51 điều (giảm 22 điều so với Luật Giáo dục đại học hiện hành).
NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG THI HÀNH LUẬT
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục đại học 2012 (Luật số 08/2012/QH13) ban hành năm 2012 và được sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) đã tạo hành lang pháp lý mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh phát huy nguồn lực xã hội hóa giáo dục.
Tuy nhiên, sau hơn 13 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai thi hành Luật Giáo dục đại học 2012 cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong đó có nguyên nhân từ nhận thức, năng lực tổ chức thực hiện và hạn chế trong khi Luật Giáo dục đại học có nhiều chính sách, quy định mới; hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học chưa được hoàn thiện đồng bộ, một số nội dung quy định còn bất cập…
Đơn cử như quy định về các đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân gây khó khăn, phức tạp và rủi ro trong tổ chức và quản lý.
Quy định về tổ chức đại học có trường đại học thành viên (mô hình 2 cấp) có nhiều bất cập, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ.
Ngoài ra, Hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục đại học hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, hình thức. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường trong Luật chưa được rõ nhưng không giao xây dựng văn bản hướng dẫn dưới Luật, gây ra cách hiểu và thực hiện khác nhau trong thực tế; sự chồng chéo giữa triển khai phương thức lãnh đạo, tổ chức quản trị, hoạt động điều hành…
Về thực hiện tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học công lập thực tế gặp nhiều vướng mắc bởi các quy định của pháp luật về tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Quy định về điều kiện tự chủ và các mức tự chủ theo khả năng bảo đảm tài chính đã dẫn đến nhiều hạn chế trong thực tiễn.
Cách tiếp cận này gây bất bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục, đồng thời, tạo áp lực tăng học phí, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người học và làm giảm động lực cải tiến ở các cơ sở giáo dục chưa đủ tiềm lực tài chính, khiến tự chủ bị hạn chế về phạm vi và thiếu bền vững.
ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 36 ĐIỀU
Theo đó, dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) gồm 9 chương với 51 điều (giảm 22 điều so với Luật Giáo dục đại học hiện hành).
Trong tổng số 51 điều dự thảo, có 8 điều được giữ những nội dung cơ bản; có 36 điều sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các quy định cũ làm rõ hoặc mở rộng các quy định về: quyền tự chủ, hội đồng trường, tổ chức đào tạo, chương trình đào tạo, tuyển sinh, kiểm định chất lượng, cơ cấu tổ chức, tài chính, nhân lực, và trách nhiệm giải trình.
Có 7 điều quy định mới tập trung vào các nội dung đổi mới quan trọng như: tự chủ đại học, giáo dục số, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hợp tác và đầu tư trong và ngoài nước, khoa học và đổi mới sáng tạo, chính sách thu hút nhân tài, học phí và hỗ trợ người học.
Về quy định hội đồng trường đại học thành viên của đại học quốc gia và đại học vùng (đại học hai cấp), do còn nhiều ý kiến khác nhau nên cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án để xin ý kiến.
Phương án 1: giữ nguyên hội đồng trường đại học thành viên của đại học quốc gia và đại học vùng như hiện nay.
Phương án 2:bỏ hội đồng trường trường đại học thành viên của đại học quốc gia và đại học vùng, bỏ hội đồng trường của các trường đại học, học viện thuộc Bộ Công an, Quốc phòng.
Đặc biệt, dự thảo cũng bổ sung chính sách phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc, chính sách đặc thù cho nhà khoa học đầu ngành; cơ chế đãi ngộ và thu hút tài năng trong và ngoài nước, gắn với hiệu quả nghiên cứu, công bố quốc tế.
Đối với nhóm vấn đề về tài sản, tài chính, dự thảo quy định giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại công lập trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách.
Điều này nhằm khắc phục những vướng mắc trong quy trình, thủ tục xin phê duyệt các dự án hợp tác với nước ngoài; tạo động lực cho các cơ sở giáo dục hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng cường thu hút các nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.